Thị trường viễn thông: Càng cạnh tranh càng lãi lớn...


Càng cạnh tranh gay gắt, các DN càng dễ bị “trầy vi tróc vảy”. Thế nhưng đối với ngành viễn thông trong năm 2010 - một năm diễn ra cạnh tranh quyết liệt nhất từ trước tới nay, thì càng lãi lớn hơn.

Giảm cước, khuyến mãi “khủng”, vẫn lãi lớn…
Năm 2010, các mạng di động MobiFone, VinaPhone và Viettel đã giảm cước bình quân 15%, các đợt khuyến mãi nhân đôi thẻ nạp cho thuê bao trả trước diễn ra dồn dập... Một số lãnh đạo nhà mạng lo lắng, cứ đà cạnh tranh này sẽ khiến lợi nhuận sụt giảm. Tuy nhiên, kết thúc năm, ba nhà mạng lớn vẫn có thể yên tâm với kết quả đạt được.

Viettel dù không cán mức doanh thu 100.000 tỉ đồng (đạt 91.561 tỉ đồng) nhưng lợi nhuận đạt 15.500 tỉ đồng, so với năm trước đó tăng đến 50%.   VNPT có doanh số cao hơn năm ngoái gần 30% (từ 78.600 tỉ đồng tăng lên 101.569 tỉ đồng), nhưng lợi nhuận lại sụt giảm từ 13.500 tỉ đồng năm 2009 xuống còn 11.200 tỉ đồng năm 2010 - tương đương mức 17%. Nguyên nhân sụt giảm này có thể hiểu được vì trong tập đoàn còn phải ôm một số mảng làm ăn ít hiệu quả, nhưng phải duy trì vì nhiệm vụ chính trị. Nếu xét riêng các đơn vị trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực di động, thì lợi nhuận nhìn chung vẫn sáng sủa. Đơn cử MobiFone, doanh thu năm 2010 tăng 31,5% - lên mức 36.000 tỉ đồng, với lợi nhuận đạt 5.860 tỉ đồng - tăng 6% so với năm 2009, chiếm tỉ trọng 52,32% tổng doanh thu của tập đoàn.

Một “điểm sáng” khác là FPT Telecom, đạt mức lợi nhuận 601 tỉ đồng trong năm 2010, cao nhất so với các DN thành viên trong FPT - chiếm tỉ trọng gần 30% tổng lợi nhuận tập đoàn này và đạt tỉ suất lợi nhuận/doanh thu khá cao, gần 25% - một con số mà ngay cả mạng di động Viettel hay MobiFone, VinaPhone cũng không có được. 

Lớn thuyền lớn sóng

Ngành viễn thông VN đạt doanh thu hơn 226.000 tỉ đồng trong năm 2010, trong đó chỉ riêng VNPT và Viettel đã chiếm đến 85%, tương đương mức khoảng 193.000 tỉ đồng. Thị trường viễn thông sẽ tiếp tục tăng trong năm 2011, khi VNPT và Viettel vẫn tiếp tục đưa ra mục tiêu cao hơn. Dù thị trường di động được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, song điều đó cũng chưa phải đến mức đáng lo trong năm 2011. Vì trên thực tế, nhiều ngành hàng có tiềm năng gia tăng nguồn thu sẽ được triển khai mạnh trong những năm tới.

Tuy nhiên, thách thức đã thực sự đến gần hơn, mà VNPT chính là tập đoàn bị “gõ cửa” đầu tiên. Năm 2010, lợi nhuận của VNPT đã giảm gần 30%. Mảng gặp khó khăn nhất trong tập đoàn này là bưu chính. Tuy nhiên, qua tổng kết tình hình các DN trực thuộc trong năm 2010, thì đến lượt mảng điện thoại cố định, điện thoại quốc tế cũng đạt tăng trưởng chẳng đáng là bao, thậm chí còn sụt giảm về doanh thu hoặc lợi nhuận. Có chuyên gia cho rằng, tình hình diễn ra trong VNPT là “tay phải đập tay trái”, nghĩa là một phần doanh thu, lợi nhuận của mảng điện thoại cố định, điện thoại quốc tế bị chính hai mạng di động MobiFone và VinaPhone lấy đi vì có các sản phẩm, dịch vụ tương tự nhưng giá cả cạnh tranh hơn. Điển hình trong năm 2010, VNPT đã phải chỉ đạo VinaPhone và MobiFone tạm ngừng dịch vụ gọi di động quốc tế cước  siêu rẻ là IDD1714 và Global Saving trở thành “mối đe dọa trong nhà”. 

Trong khi đại gia thứ hai là Viettel có một tương lai khá sáng sủa, thì đại gia thứ ba FPT được dự báo sẽ gặp chông gai. Tập đoàn FPT và FPT Telecom đã quyết định mua hơn 50% cổ phần tại EVN Telecom (có vốn điều lệ khoảng 3.000 tỉ đồng) vốn đang làm ăn bết bát, riêng mạng di động tại đây thì coi như đã “chết lâm sàng” lâu nay. Việc vực dậy được mạng này trong bối cảnh các đại gia MobiFone, VinaPhone, Viettel đang “lấy thịt đè người” lấn át quả là bài toán cực kỳ nan giải. Đầu tư vào EVN Telecom cũng giống như đi vào bãi lầy, nếu không có cách để vượt qua thì con số hơn ngàn tỉ đồng FPT đầu tư vào sẽ “bay hơi” chóng vánh.