Tăng trưởng khả quan

Theo ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), trong những tháng đầu năm, dù thị trường tiền tệ còn nhiều khó khăn, mức tăng trưởng tín dụng còn thấp nhưng Vietcombank vẫn tạo ra được những bước đột phá riêng. Tăng trưởng tín dụng của đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt 6,6% so với cuối năm 2013. Kết quả này cao gần gấp đôi so với mức tăng 3,52% của toàn Ngành

Huy động vốn từ nền kinh tế (không tính bảo hiểm xã hội) của Vietcombank tính đến 30/6/2014 đạt 378.780 tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm, cao hơn mức tăng bình quân của toàn ngành (5,3%).

Trong những tháng đầu năm 2014, Vietcombank là ngân hàng thương mại áp lãi suất huy động thấp trên thị trường, nhưng huy động vốn lại tăng trưởng rất mạnh, cao hơn nhiều mức bình quân của Ngành. Cụ thể, huy động vốn từ nền kinh tế (không tính bảo hiểm xã hội) của Vietcombank tính đến 30/6/2014 đạt 378.780 tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm, cao hơn mức tăng bình quân của toàn Ngành (5,3%). Huy động vốn từ nền kinh tế tăng đều ở cả tổ chức kinh tế (13,5%) và dân cư (14,9%); cơ cấu vốn tương ứng là 46-54%; Dư nợ tín dụng (bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) của Ngân hàng đạt 293.546 tỷ đồng, tăng 6,63% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành (3,5%). Tín dụng tăng khá ở tổ chức kinh tế (6,7%), thể nhân (7,0%); Dư nợ cho vay trung dài hạn tăng 10,63%, trong khi dư nợ cho vay ngắn hạn chỉ tăng 4,35%; tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn tăng từ 36% lên mức 38%.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đặc biệt chú trọng giải ngân với lãi suất ưu đãi cho các cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành công nghệ cao chiếm tỷ trọng 50% tổng dư nợ của ngân hàng.

Một điểm sáng được ghi nhận trong hoạt động kinh doanh của Vietcombank là doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đạt 22 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ; thị phần thanh toán xuất nhập khẩu của ngân hàng đạt 15,69%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả trên đã đưa lợi nhuận trước thuế của Vietcombank trước dự phòng đạt 5.178 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2013. Ngân hàng này đã trích dự phòng rủi ro hơn 2.400 tỷ đồng. Thu nhập thuần từ lãi tăng 9%, thu dịch vụ tăng 15,11%, thu từ kinh doanh ngoại tệ giảm 6,6%, thu nợ ngoại bảng tăng hơn 3 lần, chi phí quản lý tăng 16,7%. Hiệu suất sinh lời của tổng tài sản bình quân (ROA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt tương ứng là 0,90% và 10,07%. NIM giữ ở mức 2,5%.

Tự tin kiểm soát nợ xấu

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm hàng đầu trong hệ thống ngân hàng hiện nay là nợ xấu. Vấn đề này đã được Vietcombank xử lý và kiểm soát khá tốt trong thời gian qua.

Theo đó, thu nợ xử lý dự phòng rủi ro lũy kế 6 tháng đầu năm 2014 của Vietcombank đạt 403 tỷ đồng, tăng khoảng 3,3 lần so với kết quả cùng kỳ năm trước; Thu nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đạt 434,5 tỷ đồng, đạt 61,65% kế hoạch năm (trong đó 356,5 tỷ đồng được ghi nhận vào doanh thu 6 tháng đầu năm); Tỷ lệ nợ nhóm 2 tại 30/06/2014 ở mức 7,69%, giảm so với 31/12/2013 (8,27%). Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 30/6 ở mức 3,06%; Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) khoảng 12%; Tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro/nợ xấu được duy trì ở mức 90%; Tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 16,52%, thấp hơn mức quy định là 30%.

Lý giải về con số nợ xấu 3,06%, ông Nghiêm Xuân Thành - Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, đây là con số được phân loại theo Thông tư 09/2014/TT-NHNN với những quy định mới về trích lập dự phòng. Trong khi đó, nợ xấu chung của Ngành hiện khoảng hơn 4% nhưng đây là con số chưa cập nhật quy định mới. Vietcombank đã trích lập dự phòng rủi ro 90% các khoản nợ xấu và bán hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong 6 tháng.

Nói thêm về nợ xấu, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Nợ xấu nhóm 2 - nhóm vốn bấp bênh giữ mức đạt tiêu chuẩn và đã giảm mạnh. Điều này cho thấy Vietcombank tự tin kiểm soát nợ xấu theo như đại hội cổ đông giao từ đầu năm là dưới 3%”.

Hướng đến cộng đồng

Bên cạnh những điểm sáng trong hoạt động kinh doanh, trong thời gian qua, Vietcombank cũng tích cực tham gia các hoạt động an sinh - xã hội, khẳng định trách nhiệm với cộng đồng; uy tín thương hiệu được cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao. Trong những tháng đầu năm 2014, Ngân hàng đã thực hiện bàn giao 6 trường mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, 02 cụm trường học tại Phú Thọ và Long An; Trao 1.000 suất học bổng trong chương trình “Chắp cánh ước mơ, cùng em đến trường năm học 2013-2014”; Tặng hơn 10.000 cặp phao cứu sinh cho học sinh nghèo vùng lũ; tài trợ trang thiết bị cho Bệnh viện Nhi Trung ương; Tặng hệ thống loa tuyên truyền cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam; Đồng hành cùng chương trình “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca thời đại Hồ Chí Minh”…

Với những kết quả hoạt động nêu trên, Vietcombank đã được cộng đồng khách hàng, doanh nghiệp, nhiều tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận đánh giá cao trên nhiều lĩnh vực hoạt động. Tiêu biểu như: Tạp chí Forbes bình chọn Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam; Tạp chí The Asian Banker trao tặng giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2014”; Tạp chí Nhịp cầu đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan bình chọn là một trong “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam”…
                                                                                     Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 9 - 2014

Vietcombank: Tăng trưởng cao trên các “mặt trận”

LÊ HƯNG

(Tài chính) Bất chấp nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra với thị trường tiền tệ, trong những tháng đầu năm 2014, hầu hết các hoạt động chính của Vietcombank đều tăng trưởng khá cao...

Xem thêm

Video nổi bật