Vingroup tham vọng trở thành ông lớn trên thị trường điện thoại Việt Nam

Thanh Son

Ngày 14/12, Vingroup chính thức giới thiệu các mẫu điện thoại đầu tiên mang thương hiệu Vsmart, bao gồm Joy 1, Joy 1+, Active 1 và Active 1+. Cả 4 mẫu đều dùng hệ điều hành Google Android và được giảm giá trên 30.000 máy trong đợt đầu mở bán. Với cấu hình mạnh và giá cả đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu trên thị trường Việt Nam.

Sự kiện ra mắt điện thoại Vsmart đánh dấu một bước tiến của Tập đoàn Vingroup. Ảnh VIN
Sự kiện ra mắt điện thoại Vsmart đánh dấu một bước tiến của Tập đoàn Vingroup. Ảnh VIN

Sản phẩm ấn tượng bởi thiết kế cấu hình và giá rẻ

Ông Nguyễn Việt Quang, CEO Vingroup, phát biểu tại sự kiện ra mắt rằng smartphone sẽ là một phần trong “hệ sinh thái thiết bị trí tuệ nhân tạo thông minh”, bao gồm cả tivi. Trong khi đó, trả lời tạp chí Financial Times, ông Trần Minh Trung, CEO VinSmart, tiết lộ tham vọng giành 30% thị phần smartphone Việt Nam “chậm nhất là vào năm 2020”.

Chỉ trong 6 tháng, VinSmart đã trình làng 4 mẫu smartphone. Dù là lần đầu tiên làm điện thoại nhưng Vsmart đã có thể tự sản xuất bo mạch chủ. Đây là cách làm đi thẳng vào phần khó nhất, phức tạp nhất của một chiếc điện thoại.

Trong điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử thì bo mạch là bộ phận quan trọng nhất. Nó tích hợp tất cả các loại linh kiện khác như chip tạo nên một hệ thống gọi là system-on-chip. Việc tự sản xuất được bo mạch chủ sẽ giúp cho Vsmart chủ động hơn trong việc sản xuất ra chiếc điện thoại thông minh và sau này là các thiết bị điện tử thông minh khác.

Hàng trăm khách hàng suýt xoa khi được cầm trên tay sản phẩm của Vsmart. Ảnh VIN
Hàng trăm khách hàng suýt xoa khi được cầm trên tay sản phẩm của Vsmart. Ảnh VIN

TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông cho biết: "Tôi không ngạc nhiên, không bất ngờ khi nhìn thấy những thiết bị vào loại hiện đại nhất thế giới từ Mỹ, từ Đức, từ Nhật Bản hay Hàn Quốc có mặt tại nhà máy của Vsmart, bởi lẽ một doanh nghiệp lớn như Vingroup, có tiềm lực lớn, thương hiệu lớn, tầm nhìn lớn, dù đi sau các hãng hàng đầu thế giới nhưng chấp nhận sự cạnh tranh sắp tới thì bắt buộc phải đưa các thiết bị hiện đại nhất của thế giới vào chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, điều mà tôi rất ấn tượng là quy trình và dây chuyền sản xuất đã được đảm bảo về mặt kiểm tra chất lượng rất kỹ càng, từ SMT cho đến Assembly, mỗi công đoạn đều đi kèm với một công đoạn kiểm tra chất lượng. Với triết lý của Vsmart là Sản phẩm tốt - Khuyến mãi tốt - Hậu mãi cực tốt, thì dù mới nhìn vào giai đoạn đầu, tôi tin tưởng rằng những sản phẩm đầu tiên của Vsmart sẽ có chất lượng tốt. Nếu kèm thêm khuyến mãi tốt, hậu mãi cực tốt và giá cả phù hợp cho người Việt Nam thì tôi tin rằng sản phẩm này sẽ có một vị trí xứng đáng trên thị trường ngay từ thời gian đầu khi ra mắt".

TS. Mai Liêm Trực chia sẻ thêm: "Đối với người tiêu dùng thì nhà máy làm nhanh hay chậm, sản phẩm làm ra nhanh hay chậm không quan trọng. Nhưng đối với doanh nghiệp, tôi hiểu được vì sao phải làm nhanh như vậy. Nhưng để làm được nhanh như vậy thì ngoài những sức mạnh truyền thống của Vingroup, tôi cảm nhận được khát vọng của Vingroup trong việc sản xuất ra những sản phẩm điện thoại đầu tiên tại Việt Nam, có khả năng thương mại hóa, có một thị phần xứng đáng 10%, 20%, 30% ở thị trường Việt Nam với 17 triệu smartphone được tiêu thụ mỗi năm. Khát vọng đó đã truyền cảm hứng đến những nhân sự có chuyên môn rất cao đang làm việc trong lĩnh vực này cả ở trong hay ngoài nước về sát cánh bên nhau tại VinSmart để cùng nhau chia sẻ một tầm nhìn, chia sẻ một khát vọng để có một sản phẩm của Việt Nam. Đó chính là niềm tự hào của người Việt".

Chuyên gia này cũng cho rằng, có thể nhiều người dựa vào những số liệu thống kê của nhiều tổ chức quốc tế, rằng mức độ sẵn sàng của Việt Nam để đi vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là thấp. Đó là một thách thức nhưng chúng ta lại có lợi thế của người đi sau, lợi thế của người chưa có gì cả nhưng có một khát vọng lớn. Trong điều kiện thế giới hiện nay, nếu có cách làm đúng, Việt Nam hoàn toàn có thể có những bước nhảy vọt.

"Ta phải đưa thế giới vào Việt Nam thì mới có thể làm cho Việt Nam đi ra thế giới. Tôi nghĩ trong nhà máy của Vsmart, họ gần như đã đưa thế giới vào Việt Nam. Vấn đề ở chỗ là làm sao để đưa Việt Nam ra thế giới bằng các sản phẩm của mình", TS. Mai Liêm Trực cho biết.

HIện nay, điện thoại của VinSmart có giá từ 3,4 triệu đến 6,6 triệu đồng. Công ty cũng có kế hoạch bán sản phẩm ở nước ngoài, bắt đầu từ năm 2019 tại Nga và Tây Ban Nha, nơi hãng đang sở hữu 51% công ty sản xuất thiết bị cầm tay BQ của Tây Ban Nha.