Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 20 - 25/6/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát -

Thất nghiệp

Hoa Kỳ:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế:

+ Trong 2 năm 2016, 2017 lần lượt đạt 1,8% và 2,2%. Hoa Kỳ cần tăng cường đầu tư đổi mới, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cải thiện các kỹ năng làm việc để đối phó với tình trạng năng suất lao động tăng thấp kéo dài. (Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD ngày 16/6)

+ Trong năm 2016 giảm từ 2,4% (tháng 4/2016) xuống 2,2%, thấp hơn mức 2,4% của năm 2015, do ngành năng lượng tăng trưởng yếu, đồng USD tăng giá và bất ổn của thị trường quốc tế, đồng thời cảnh báo nước này có nguy cơ khủng hoảng tài chính khi Anh rời khỏi EU. Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2,5%. (Theo IMF ngày 22/6)

- Tỷ lệ lạm phát lần lượt đạt 1,2% và 2,2% trong 2 năm 2016, 2017 (năm 2015 đạt 0,5%) (Theo IMF ngày 22/6)

- Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5% năm 2015 xuống mức tương ứng 4,9% và 4,8% trong 2 năm 2016, 2017. (Theo IMF ngày 22/6)

Singapore: CPI trong tháng 5/2016 giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2015 - tháng giảm thứ 19, sau khi giảm 0,5% trong tháng 4. Trong đó, chi phí vận tải đường bộ giảm 7,6%, chủ yếu do giá xăng dầu sụt giảm mạnh, chi phí lương thực giảm 2,2%. Lạm phát lõi (không bao gồm chi phí ăn ở và vận tải cá nhân) tăng 1%, so với 0,8% trong tháng 4. (Theo Bộ Thương mại - Công nghiệp - MTI và Cơ quan tiền tệ Singapore - MAS ngày 23/6)

Thái Lan: Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 3,2 - 3,5%, do các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ nước này đã phát huy tác dụng tích cực; xuất khẩu tăng 0,8%; lạm phát tăng 0,4%. Tuy nhiên, Thái Lan cần tiếp tục các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của hạn hán kéo dài; nới lỏng các quy định vay vốn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời theo dõi sát các diễn biến xấu của tình hình kinh tế Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước này. (Theo Phòng Thương mại Thái Lan - TCC ngày 22/6)

FDI

Vốn FDI toàn cầu trong năm 2015 tăng 38% so với năm 2014 lên 1,76 nghìn tỷ USD - mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, chủ yếu nhờ các giao dịch M&A tại nước ngoài của các tập đoàn. Không tính các thương vụ M&A, FDI toàn cầu tăng 15%. Liên hợp quốc dự báo, FDI toàn cầu năm 2016 sẽ giảm 10 - 15% so với năm 2015 do những bất ổn của kinh tế thế giới; nhu cầu tiêu dùng yếu; những khó khăn tại các quốc gia xuất khẩu hàng hóa và tác động tiêu cực từ các chính sách thuế mới. (Theo Bloomberg ngày 22/6)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính giảm điểm trong tuần qua, chủ yếu do thị trường chịu tác động của kết quả bỏ phiếu Anh rời khỏi EU. Tính chung cả tuần (20 - 24/6/2016), chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm 1,6% - mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ tháng 02/2016; Nasdaq Composite giảm 1,9%. Trong ngày giao dịch cuối tuần (24/6/2016) so với phiên giao dịch ngày hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 17.400,75 điểm, giảm 3,4%;

+ S&P 500 đạt 2.037,41 điểm, giảm 3,59%;

+ Nasdaq Composite đạt 4.707,98 điểm, giảm 4,1%.

- Chứng khoán châu Á: Quyết định rời khỏi EU của Anh đã tác động mạnh khiến hầu hết các thị trường chứng khoán chính giảm điểm trong tuần qua. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,79% xuống 125,23 điểm.

Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 4,18% xuống14.952,02 điểm, mức giảm theo ngày mạnh nhất kể từ thảm họa động đất, sóng thần tại nước này năm 2011;

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 2,71% xuống 2.854,29 điểm;

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 1,48% xuống 1.925,24 điểm;

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 0,93% xuống 5.113,181 điểm;

+ Riêng Hang Seng (Hong Kong) tăng 2,17% lên 20.259,1 điểm.

Dầu mỏ

- Sản lượng dầu thô của thế giới trong năm 2015 tăng 1,75 triệu thùng/ngày (2,4%) so với năm 2014, mức tăng cao thứ hai trong vòng 10 năm qua. Trong số các nước ngoài OPEC, sản lượng dầu mỏ của Hoa Kỳ tăng cao nhất (0,72 triệu thùng/ngày, tương ứng 8,3%).

- Xuất khẩu dầu thô của OPEC năm 2015 tăng 1,7% lên 23,6 triệu thùng/ngày, giúp khối này giữ vững thị phần.

- Doanh thu từ dầu mỏ của OPEC trong năm 2015 đạt 518,2 tỷ USD, giảm 45,8% so với năm 2014, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2005 khiến các nước OPEC bị thâm hụt tài khoản vãng lai 99,6 tỷ USD (lần đầu tiên kể từ năm 1998), trong khi năm 2014 đạt mức thặng dư 238,1 tỷ USD.

(Theo OPEC ngày 22/6)

Tính chung tuần từ 20 - 24/6/2016, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt 0,7% và 1,6%, do lượng dầu lưu kho của Hoa Kỳ trong tuần kết thúc vào ngày 17/6 giảm ít hơn dự báo và tác động từ việc cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi EU. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (24/6/2016), giá dầu giao tháng 8/2016:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 2,47 USD (4,9%) xuống 47,64 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 2,5 USD (4,9%) xuống 48,41 USD/thùng.

Châu Á

Châu Á - Thái Bình Dương

Tăng trưởng lợi nhuận trung bình hàng năm của các ngân hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể giảm xuống dưới mức 4% trong giai đoạn 2016 - 2021, so với 10% giai đoạn 2011 - 2014, do kinh tế toàn cầu giảm tốc dẫn tới nhu cầu tín dụng yếu hơn, trong khi các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm kém, thanh khoản tăng cao. (Hãng tin Bloomberg ngày 22/6 dẫn nguồn báo cáo phân tích 328 ngân hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty McKinsey & Co)

Đông Nam Á

Năm 2017, nhu cầu thép từ các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam) dự báo tăng 6%, đồng thời sản lượng thép tiêu thụ tại các nước này cũng tăng lên 74,6 triệu tấn. (Trang tin chuyên về thị trường kim loại Scrap Register ngày 20/6 dẫn báo cáo của Hiệp hội Thép Thế giới- WSA)

Hàn Quốc

Thặng dư thương mại của nước này trong tháng 5/2016 đạt 7,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm 6% so với cùng kỳ năm 2015 xuống 39,8 tỷ USD.Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu bằng đồng KRW tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2015 - lần tăng đầu tiên kể từ tháng 9/2015. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy tính, linh kiện điện tử, mỹ phẩm; kim ngạch nhập khẩu giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2015 (mức giảm thấp nhất trong vòng 17 tháng), đạt 32,7 tỷ USD. (Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 17/6)

Singapore

Trong tháng 5/2016, xuất khẩu hàng hóa phi dầu mỏ của nước này tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2015 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2015, dẫn đầu là các lĩnh vực tòa nhà lắp ghép, dược phẩm và vàng. Tuy nhiên, xuất khẩu vượt kỳ vọng của tháng 5 cũng chưa thể kéo nền kinh tế phục hồi trở lại. Chính phủ Singapore dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2016 sẽ chỉ đạt khoảng 1 - 3%. (Theo Cơ quan Doanh nghiệp quốc tế Singapore ngày 17/6)

Malaysia

Dự trữ ngoại hối của nước này tính đến ngày 15/6 đạt 383,2 tỷ MYR (97,4 tỷ USD), bao gồm: 89,6 tỷ USD dự trữ ngoại tệ; 0,8 tỷ USD trong IMF; 1,1 tỷ USD trong quyền rút vốn đặc biệt (SDR); 1,5 tỷ USD bằng vàng và 4,4 tỷ USD trong tài sản dự trữ khác. Lượng dự trữ này đủ tài trợ cho 8,1 tháng nhập khẩu và gấp 1,2 lần nợ nước ngoài ngắn hạn của Malaysia. (Theo Ngân hàng Trung ương Malaysia ngày 21/6)

Châu Âu

Eurozone

- Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm từ 53,1 điểm trong tháng 5 xuống 52,8 điểm trong tháng 6 - mức thấp nhất kể từ tháng 01/2015, trong bối cảnh bất ổn chính trị và kinh tế làm giảm hoạt động kinh doanh.

- Chỉ số hoạt động dịch vụ giảm từ 53,3 điểm trong tháng 5 xuống 52,4 điểm trong tháng 6.

(Theo Công ty Markit ngày 23/6)

Anh

Theo kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý, Anh sẽ rời khỏi EU (51,9% cử tri bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU, chỉ có 48% cử tri bỏ phiếu giữ Anh ở lại EU). Giới phân tích cho rằng, nước Anh sẽ có một tương lai không ổn định, trong khi EU sẽ chứng kiến một bước thụt lùi đáng kể trong những nỗ lực xây dựng một liên minh hùng mạnh trong 60 năm qua. (Theo BBC ngày 24/6)

Nga

Chính phủ Nga đang xem xét bán 19,5% cổ phần của Tập đoàn Dầu lửa Rosneft - Tập đoàn sản xuất dầu lớn nhất thế giới - cho các công ty Trung Quốc và Ấn Độ, nhằm thu về khoảng 700 tỷ RUB (11 tỷ USD) để bù đắp thâm hụt ngân sách. Nếu thành công thì đây sẽ là thương vụ có giá trị kỷ lục về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Nga. Ngay sau khi có thông tin trên, giá cổ phiếu của Tập đoàn Rosneft đã tăng thêm 5,3% trên thị trường chứng khoán London. Trong 6 tháng đầu năm 2016, giá cổ phiếu của Tập đoàn này đã tăng thêm 43%, đưa tổng giá trị vốn hóa thị trường của Rosneft lên 52,8 tỷ USD. (Theo Bloomberg ngày 20/6)

Hoa Kỳ

Trong tháng 5/2016, doanh số bán nhà của Hoa Kỳ đạt 5,53 triệu căn, tăng 1,8% so với tháng 4 - mức tăng cao nhất kể từ năm 2007, cho thấy nhu cầu nhà ở gia tăng trong bối cảnh việc làm mới tăng và lãi suất cho vay thấp. Giá bán nhà trung bình trong tháng 5 là 239.700 USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2015, mức tăng cao nhất trong 9 năm. (Theo Hiệp hội Môi giới bất động sản quốc gia Hoa Kỳ ngày 22/6)

Tỷ suất lợi nhuận trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm giảm 20,1 điểm cơ bản - mức giảm lớn nhất kể từ năm 2011 - xuống 1,5429%; kỳ hạn 2 năm giảm 14,6 điểm cơ bản xuống 0,6309%; kỳ hạn 30 năm giảm 17,3 điểm cơ bản xuống 2,3797%. (Theo Thời báo Tài chính Anh ngày 24/6)

Ngành công nghiệp thép Hoa Kỳ bị tổn hại nghiêm trọng do các sản phẩm thép cuộn lạnh của Trung Quốc, dođó Chính phủ sẽ áp thuế chống bán phá giá (265,79%) và chống trợ giá (256,44%) với sản phẩm thép Trung Quốc. (Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ - USITC ngày 22/6)

Trung Quốc

Giá bất động sản tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc trong tháng 5/2016 đã tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2015, cao hơn 6,2% trong tháng 4. Các thành phố có tốc độ tăng giá nhà caogồm: Thâm Quyến (53,2%), Thượng Hải (27,7%), Hạ Môn (28%), Bắc Kinh (19,5%). Trung Quốc hiện đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ hướng xuất khẩu, đầu tư sang hướng tiêu dùng nội địa, vì vậy thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Theo các chuyên gia kinh tế, giá nhà ở tăng mạnh là yếu tố tích cực góp phần đạt được mục tiêu trên. (Theo Chính phủ Trung Quốc ngày 19/6)

Trung Quốc đang xem xét cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua bán trực tiếp đồng CNY ở nước ngoài nhằm thúc đẩy mở cửa thị trường ngoại hối, đẩy nhanh tiến trình quốc tế hóa đồng CNY. Hiện nay, các ngân hàng trong nước của Trung Quốc khi tham gia thị trường giao dịch CNY nước ngoài phải thông qua các công ty con ở nước ngoài, giao dịch này cũng được tách biệt với thị trường CNY trong nước vốn được kiểm soát rất chặt chẽ. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 21/6)

Trong 5 tháng đầu năm 2016, ngành dịch vụ gia công của Trung Quốc đạt 349 tỷ CNY (53 tỷ USD), tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, gia công cho các đối tác nước ngoài đạt 237,6 tỷ CNY, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2015, lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng cao nhất (gần 50%). (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 18/6)

Nhật Bản

Trong tháng 5/2016, thâm hụt thương mại của nước này là 40,72 tỷ JPY (389 triệu USD). Đây là lần thâm hụt thương mại đầu tiên của Nhật Bản kể từ tháng 01/2016. Trong đó:

-Kim ngạch xuất khẩu đạt 5.090 tỷ JPY (48,9 tỷ USD), giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2015 - tháng giảm thứ 8 liên tiếp, do các nền kinh tế nước ngoài tăng trưởng chậm lại ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước này.

- Kim ngạch nhập khẩu đạt 5.130 tỷ JPY (49,2 tỷ USD), giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2015 - tháng giảm thứ 17 liên tiếp, chủ yếu do giá năng lượng giảm.

(Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 20/6)

Brazil

Brazil giảm nợ khẩn cấp 50 tỷ BRL (15 tỷ USD) cho chính quyền các bang nước này trong 3 năm (2017 - 2019) nhằm hỗ trợ khôi phục các dịch vụ công cộng, trong bối cảnh nền kinh tế Brazil đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên. (Theo Chính phủ lâm thời Brazil ngày 20/6)

Đàm phán - Ký kết

Pháp và Myanmar

Ngày 17/6, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault công bố Pháp sẽ cung cấp khoản viện trợ phát triển trị giá 200 triệu EUR (266 triệu USD) cho Myanmar, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển đô thị, năng lượng và y tế. Pháp hiện là nhà đầu tư lớn thứ 12 tại Myanmar. Trong tài khóa 2015 - 2016, đầu tư của Pháp vào Myanmar đạt 546.610 triệu USD.

Trung Quốc và Serbia

Ngày 17/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 1,5 tỷ CNY (228 triệu USD) với Ngân hàng Quốc gia Serbia nhằm nhằm tạo thuận lợi cho các thanh toán thương mại song phương và hỗ trợ thanh khoản cho các thị trường tài chính, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực trong 3 năm và có thể tiếp tục gia hạn thêm.

Chính sách

Australia

Ngày 21/6, chính quyền tiểu bang New South Wales (NSW) của Australia thông báo sẽ tăng gấp đôi thuế đất do lo ngại bong bóng trên thị trường bất động sản và góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách của Chính phủ. Người nước ngoài muốn mua nhà ở tại Sydney và một số nơi khác thuộc NSW sẽ phải nộp thêm 4% tiền thuế đất trong giá trị giao dịch. Giá nhà trung bình tại Sydney đã tăng gấp đôi kể từ năm 2008, chủ yếu do nhu cầu mua nhà tại Australia của các nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng.

Nhận định
chuyên gia

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 20/6 nhận định:

Chương trình Abenomics của Nhật Bản đã đạt được những tiến bộ trong việc khôi phục kinh tế nước này, song vẫn chưa đạt được mục tiêu giúp tăng trưởng kinh tế cao hơn và tỷ lệ lạm phát 2%. Do đó, Chính phủ Nhật Bản cần nâng cấp và phối hợp chính sách, trong đó gia tăng thu nhập và cải cách mạnh mẽ thị trường lao động.