11 tháng, xuất siêu đạt 20,1 tỷ USD

PV.

Đó là số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố tại Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu của năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Số liệu công bố cho thấy, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thiên tai khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động, nhưng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Cụ thể, số liệu của Tổng cục Thống kê ước tính tháng 11/2020 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 24,8 tỷ USD, tuy giảm 9% so với tháng trước nhưng đã tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 73 tỷ USD, tăng 1,6%, chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,6 tỷ USD, tăng 6,9%, chiếm 71,3%.

Trong 11 tháng qua đã có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%.

Trong đó, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã duy trì được đà tăng trưởng tốt, như nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 138 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 90,2 tỷ USD, tăng 1,5%; nhóm hàng nông, lâm sản đạt 18,7 tỷ USD, giảm 0,1%; nhóm hàng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,9%...

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc là thị trường đứng thứ hai với 43,1 tỷ USD, tăng 16%; thị trường EU đạt 32,2 tỷ USD, giảm 2,4%; thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, giảm 10,6%; Hàn Quốc đạt 17,7 tỷ USD, giảm 2,7%; Nhật Bản đạt 17,3 tỷ USD, giảm 6,5%...

Về hàng hóa nhập khẩu, tính riêng trong tháng 11/2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 24,2 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 85,43 tỷ USD, giảm 9,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 149,07 tỷ USD, tăng 9,2%.

Trong 11 tháng vừa qua cũng ghi nhận 34 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 4 mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, chiếm 49,3%.

Nhóm hàng tư liệu sản xuất nhập khẩu lớn nhất ước tính đạt 218,8 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 15,7 tỷ USD, tăng 0,5% và chiếm 6,7%...

Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 73,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 42 tỷ USD, giảm 2,9%; thị trường ASEAN đạt 27,3 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 4,8%; thị trường EU đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,3%; Mỹ đạt 12,6 tỷ USD, giảm 3,6%...

Như vây, trước bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng qua vẫn đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD (trong khi cùng kỳ năm 2019 xuất siêu đạt 10,8 tỷ USD), trở thành điểm sáng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Con số trên đã cho thấy những nỗ lực mở cửa thị trường của Chỉnh phủ Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, những buổi giao thương trực tuyến, và từ sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã làm nên con số tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng qua, tạo nên kỷ lục xuất siêu.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia trong khu vực tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại thì kết quả tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam duy trì cán cân thương mại thặng dư trong 11 tháng đầu năm là sự nỗ lực rất lớn của nền kinh tế. Ngoại tệ dồi dào từ thặng dư thương mại sẽ tạo nguồn lực giúp gia tăng dự trữ ngoại hối, là "bệ đỡ" vững chắc để ổn định tỷ giá.