Áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ mang lại lợi ích thiết thực


Ngày 22/2/2019, Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và lộ trình áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) tại Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, ông Konala Tesuo – Trưởng đại diện JICA Việt Nam và ông Okabe Daisuke – Công sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thực hiện IFRS là cần thiết

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã chia sẻ quan điểm của Bộ Tài chính về sự cần thiết xây dựng thể chế chính sách và lộ trình thực hiện chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bao trùm thì yêu cầu minh bạch hóa, từng bước thực hiện chuẩn mực quốc tế với báo cáo tài chính là cần thiết để tạo ra môi trường kinh doanh công khai minh bạch, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập vào kinh tế quốc tế, Việt Nam đã phê chuẩn và tham gia trên 14 hiệp định thương mại tự do, trong đó các hiệp định đều có các quy định về khuyến khích các dòng vốn đầu tư, khuyến khích tự do thương mại theo các khuôn khổ của WTO cũng như các hiệp định Việt Nam đã ký kết… để phát triển kinh tế. Để làm được điều này Việt Nam phải thực hiện chuẩn mực quốc tế của các báo cáo tài chính của cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Konala Tesuo – Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết, IFRS là một công cụ rất quan trọng, một mặt có thể giúp hỗ trợ các nhà đầu tư có thông tin chính xác hơn về tài chính và có thể huy động được các nguồn vốn mang tính chất toàn cầu. Đồng thời, IFRS cũng tạo nên ảnh hưởng lớn cho các hoạt động kinh tế của tất cả các doanh nghiệp.

Mang lại lợi ích thiết thực

Theo Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), việc áp dụng IFRS sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người sử dụng báo cáo để đưa ra các quyết định quản lý, điều hành và đầu tư.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Đồng thời, IFRS được thừa nhận và áp dụng rộng rãi sẽ giúp người sử dụng báo cáo tài chính có thể so sánh tình hình và kết quả tài chính của các doanh nghiệp giữa các quốc gia khác nhau một cách dễ dàng hơn. Báo cáo tài chính của các công ty được lập dựa trên cùng một hệ thống chuẩn mực nên giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thuận lợi hơn trong việc huy động vốn trên thị trường quốc tế.  

Áp dụng IFRS cũng sẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, tài chính; tạo điều kiện cho việc xuất khẩu lao động có chuyên môn hoặc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài. Bên cạnh đó, việc áp dụng IFRS còn góp phần giúp Việt Nam sớm đạt được sự công nhận của các tổ chức quốc tế về nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động đàm phán quốc tế về kinh tế, tài chính.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe kinh nghiệm áp dụng IFRS tại Nhật Bản; kết quả khảo sát trong nghiên cứu của JICA đối với việc áp dụng IFRS tại Việt Nam; đánh giá thực trạng, khả năng áp dụng IFRS của các doanh nghiệp Việt Nam và giới thiệu về lộ trình, phương án áp dụng IFRS cũng như dự kiến sửa đổi Chuẩn mực kế toán Việt Nam theo định hướng IFRS.

Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận các vấn đề như: đối tượng áp dụng IFRS; lộ trình áp dụng; phạm vi và cách thức áp dụng; đối tượng, lộ trình ban hành mới chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS)… nhằm triển khai xây dựng Đề án áp dụng IFRS vào Việt Nam.

Theo thống kê của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), đến nay đã có 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm 93% các nước được IASB khảo sát) đã tuyên bố về việc cho phép áp dụng IFRS dưới các hình thức khác nhau. Trong đó, có 119/143 quốc gia (chiếm 83,2%) và vùng lãnh thổ bắt buộc sử dụng các chuẩn mực của IFRS đối với tất cả hoặc hầu hết các đơn vị lợi ích công chúng trong nước.