Áp lực quản lý thuế xuất nhập khẩu qua mạng

Theo Bình Thạch/http/thoibaonganhang.vn

Trên thị trường hiện nay, ngoài việc cá nhân kinh doanh trực tiếp trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… thì trào lưu mua hộ hàng hóa từ nước ngoài đã bắt đầu phát triển khá mạnh ở cộng đồng thương mại điện tử với sự tham gia của vài chục doanh nghiệp (DN) cả trong và ngoài nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam chỉ cần vào các trang thương mại điện tử Tiki, Shoppe, FPT Shop, Xanh Logistics, Uni Shipping… là có thể đặt hàng mua các sản phẩm từ nước ngoài. Người mua sau khi đặt hàng, đặt cọc thanh toán, chỉ cần ngồi nhà chờ hàng được giao mà không phải bận tâm đến mọi thủ tục hải quan.

Theo đó, sau khi đặt hàng, thông thường phía công ty nhận mua hộ hàng hóa sẽ báo giá qua tin nhắn hoặc email, người mua thực hiện đặt cọc (bằng các phương thức thanh toán điện tử như ví điện tử, eBanking…) sau đó chờ nhận hàng (trong vòng 1 tuần – 1 tháng, tùy hàng hóa và cách vận chuyển). Phương thức thanh toán phần tiền còn lại có thể là tiền mặt (nhận hàng giao tiền – COD) hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng.

Giám đốc khối kỹ thuật – tin học của một Ngân hàng thương mại có trụ sở tại quận 5, TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc thanh toán mua hàng đối với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, tiêu biểu như trường hợp mua hộ hàng hóa từ nước ngoài như kể trên nhìn chung không có nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Khách mua hàng có thanh toán một phần hoặc toàn bộ đơn hàng bằng ví điện tử hoặc bằng các loại thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, rủi ro về bảo mật tài khoản và rủi ro về chất lượng hàng hóa, gian lận thương mại là không tránh khỏi.

Trong khi đó, về phía ngành thuế thì việc kiểm soát quản lý và thu đủ các khoản thuế trong giao dịch thương mại điện tử dưới dạng này lại gặp không ít khó khăn. Trên thực tế, những trường hợp ngành thuế truy thu thuế của các tổ chức cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội Facebook, Zalo… thời gian qua, đến nay vẫn còn đang gây tranh cãi và chưa được luật hóa một cách rõ ràng.

Vì vậy việc thị trường phát triển mạnh thêm hình thức mua hộ hàng hóa với sự tham gia của khá đông các trang thương mại điện tử nước ngoài sẽ khiến ngành thuế ngày càng đối mặt nhiều hơn với các rủi ro trong kiểm soát và thu thuế.

Chưa kể rằng, mới đây, Bộ Công thương đã mở thêm một cơ hội mới cho hoạt động xuất khẩu của các DN trong nước thông kênh thương mại điện tử xuyên biên giới. Đó là cho phép hơn 100 DN xuất khẩu được liên kết bán hàng trực tiếp thông qua tài khoản tại trang thương mại Amazon. Hiện một DN thương mại điện tử khác là BoxMe cũng đã kết nối thị trường Đông Nam Á với các DN xuất khẩu Việt Nam thông qua ứng dụng Netsale – một ứng dụng “xuất khẩu hộ” hàng hóa theo mô hình dropshipping, người bán không giữ hàng mà mua sản phẩm từ nơi sản xuất rồi vận chuyển trực tiếp đến khách hàng.

Theo ghi nhận, hiện nay việc kết nối đa dạng các hình thức thương mại điện tử trên nền tảng kỹ thuật số đang được khá nhiều DN trong và ngoài nước quan tâm. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng đây là “cuộc chơi” khá công bằng giữa các đơn vị sản xuất và các trung gian kết nối (bao gồm cả sàn thương mại, đơn vị trung gian thanh toán và đơn vị vận chuyển, giao nhận).

Trong khi đó, ở phía khách hàng, lợi ích tối đa về thời gian, không gian mua sắm cũng như các tiện lợi về thanh toán, giao nhận cũng được đáp ứng khá tốt do thị trường cạnh tranh từ nhiều nhà cung cấp dịch vụ. Phần còn lại về khâu kiểm soát và quản lý nhà nước hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của ngành thuế, ngành hải quan mà tất yếu các đơn vị này phải tự nghiên cứu, tìm ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn thị trường.