Áp thuế chống bán phá giá với giày da Việt Nam: EuroCham phản đối

Theo VnEconomy

Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất tiếp tục bị áp mức thuế chống bán phá giá là 10% trong vòng 15 tháng từ đầu tháng 1/2010 đối với giày da của Việt Nam xuất khẩu vào EU. Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đã lên tiếng phản đối.

Ngày 7/12, Hội đồng Bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) với 27 nước thành viên bắt đầu thảo luận đề xuất của EC trước khi bỏ phiếu vào ngày 22/12/2009 để đưa ra kết luận cuối cùng.

Nhưng, khi đề xuất được coi là “không công bằng”, gây cản trở và làm phương hại đến xuất khẩu của ngành giày da Việt Nam vào thị trường EU mà EC đưa ra, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đã lên tiếng phản đối. Ông Matthias Duehn, Giám đốc EuroCham Hà Nội cho biết:

EuroCham phản đối đề xuất tiếp tục áp dụng mức thuế chống bán phá giá 10% lên giày mũ da của Việt Nam của EC, và chúng tôi cũng phản đối việc EU hiện đang áp thuế chống bán phá giá 10% lên giày mũ da của Việt Nam.

Một số thành viên của chúng tôi là những công ty da giày sản xuất và xuất khẩu sang thị trường EU. Những công ty này thuê nhiều lao động Việt Nam. Vì thế, các biện pháp chống bán phá giá mà Ủy Ban Châu Âu áp đặt với giày da Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến các thành viên của chúng tôi, gia đình của của những người lao động và lợi ích của Việt Nam.

Thưa ông, nhiều thành viên của EU cũng phản đối đề xuất này của EC và cho rằng, điều đó đi ngược với chính sách tự do hóa thương mại của EU và quay lại chủ nghĩa bảo hộ?

EuroCham tin rằng bất cứ dấu hiệu nào của chủ nghĩa bảo hộ từ phía EU đều không mang lại thuận lợi với triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam- EU. Những quy định thương mại quốc tế phải được các bên thực hiện một cách đồng nhất và nghiêm túc. EuroCham ủng hộ mạnh mẽ việc bãi bỏ các hạn chế với thương mại Việt Nam- EU mà cụ thể là những biện pháp chống bán phá giá hiện nay.

Vậy với quan điểm cá nhân, ông đánh giá như thế nào về ngành da giày của Việt Nam?
    
Tôi cho rằng Việt Nam đã tăng xuất khẩu da giày một cách ấn tượng trong hai năm qua dù đã bị áp các biện pháp chống bán phá giá hiện nay. Các nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam đã cải thiện chất lượng sản phẩm đáng kế để sản phẩm của họ không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp này của EU.

Theo tôi, điều đó thể hiện sức mạnh và tính kiên cường của ngành công nghiệp da giày của Việt Nam trong việc vượt qua các trở ngại.

Theo ông ngành da giày của Việt Nam có vai trò như thế nào đối với nhu cầu tiêu dùng của người dân châu Âu?

Ngành da giày của Việt Nam đã góp phần rất quan trọng trong việc làm đa dạng các sản phẩm da giày có mặt trên thị trường châu Âu, vì thế đã làm tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng EU.

Chính vì thế, khi áp dụng các biện pháp cản trợ nguồn cung của giày da Việt Nam ở thị trường EU sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp EU tại Việt Nam mà còn làm giảm đi cơ hội lựa chọn và mua được những sản phẩm da giày Việt Nam với giá cả cạnh tranh của người tiêu dùng ở Châu Âu.

Ông và EuroCham sẽ có những hoạt động gì trong thời gian trước mắt để thể hiện quan điểm của mình?

EuroCham đã chỉ ra với phái đoàn EU ở Việt Nam và các cơ quan đại diện EU ở Brussels rằng, đề xuất tiếp tục áp các biện pháp chống bán phá giá lên các sản phẩm da giày của Việt Nam trong 15 tháng nữa là đi ngược lại với lợi ích các doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam, không thỏa đáng với Việt Nam. EuroCham sẽ ủng hộ Chính phủ Việt Nam hơn nữa trong việc thể hiện quan điểm trên với EU, phái đoàn EU tại Việt Nam và các nước thành viên EU.