Ba cách chiếm lĩnh thị trường nội địa

Theo Đất Việt

Nhiều chuyên gia tại hội thảo "Chiếm lĩnh thị trường nội địa" vừa tổ chức tại TP HCM khẳng định, phải dùng thị trường nội để “cứu” xuất khẩu và thực hiện kích cầu tiêu dùng.

 

Ba cách để chinh phục thị trường trong nước được đưa ra:

Sản xuất hàng giá rẻ

Trong điều kiện thu nhập sụt giảm, người tiêu dùng đang quay về hàng nội giá rẻ hơn nhưng chất lượng. Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng, lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam là hiểu về phong tục tập quán, thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp như May 10, Việt Tiến, An Phước… đang dùng thị trường nội để hỗ trợ xuất khẩu bằng những sản phẩm có giá hợp lý.

“Do Việt Nam đã gia nhập WTO nên Chính phủ không thể đứng ra kêu gọi người Việt dùng hàng Việt. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể làm việc này mà không vi phạm các quy định quốc tế”, ông Tuyển gợi ý.

Mở rộng hệ thống phân phối

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên, lo lắng: “Khi hàng rào thuế quan không còn, hệ thống siêu thị sẽ rơi vào tay “đại gia” nước ngoài. Nếu các siêu thị này chỉ nhập hàng Trung Quốc, Thái Lan… mà không chấp nhận hàng nội địa thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ hết đất sống”.

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết, sở dĩ bán hàng qua hệ thống phân phối hiện đại của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực vì doanh nghiệp phân phối của ta quá yếu, trong khi không có hệ thống hạ tầng tốt”.

Theo ông Biên, từ trước đến nay, nguồn vốn ODA hầu như chỉ tập trung vào hạ tầng giao thông mà không quan tâm đến phát triển hạ tầng thương mại. Hệ thống phân phối đang bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh, đặc biệt tại các thành phố lớn. Để tránh đối đầu trực tiếp với “đại gia” nước ngoài, doanh nghiệp bán lẻ nên mở rộng hệ thống phân phối đến các tỉnh, nơi mà người dân đang rất “khát” hàng hóa.

Tiến về nông thôn

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, hiện thị trường nông thôn còn rất lớn. Nhưng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì rất khó xâm nhập. Ông Tuyển không đồng ý với quan điểm này. Ông nói: “Hiện ở nông thôn, hàng Trung Quốc đang tràn ngập, đặc biệt là những mặt hàng bình dân. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế về giao thông, chính sách (có thể bán lưu động). Trung Quốc đang có phong trào đưa đồ điện gia dụng về nông thôn bán với giá rẻ do không xuất khẩu được. Tại Việt Nam, nhu cầu mua sắm ở nông thôn lớn hơn nhiều thành thị”.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, chiếm lĩnh thị trường nội địa là yếu tố cần để tạo việc làm cho người dân, tạo sức mạnh cho doanh nghiệp để có sức “chiến đấu” trên thị trường quốc tế.

Theo ông Sơn, để duy trì lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước ngay trên sân nhà, phải phụ thuộc nhiều vào sự tiếp sức của Chính phủ bằng chính sách thuế, tín dụng, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, giá điện, nước, giao thông…

Song, vấn đề chính hiện nay theo ông Biên lại là việc doanh nghiệp vẫn coi trọng thị trường xuất khẩu hơn thị trường nội địa, do lợi nhuận cao, thu hồi vốn nhanh và không phải thiết lập hệ thống phân phối.