Bài học từ kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội

Theo: Đầu tư

Đó chính là các bài học về đổi mới tư duy phát triển trong quá trình hội nhập; về phát triển bền vững; về nâng cao chất lượng công tác dự báo, thông tin kinh tế tham mưu công tác điều hành nền kinh tế ở các ngành, các cấp; về hình thành cơ chế thị trường đầy đủ, khơi dậy toàn bộ các nguồn lực phát triển trong nước và thu hút nguồn vốn nước ngoài và về điều hành và hiệu lực của bộ máy điều hành.

5 bài học có thể được rút ra từ quá trình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 để Việt Nam chuẩn bị cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Đó chính là các bài học về đổi mới tư duy phát triển trong quá trình hội nhập; về phát triển bền vững; về nâng cao chất lượng công tác dự báo, thông tin kinh tế tham mưu công tác điều hành nền kinh tế ở các ngành, các cấp; về hình thành cơ chế thị trường đầy đủ, khơi dậy toàn bộ các nguồn lực phát triển trong nước và thu hút nguồn vốn nước ngoài và về điều hành và hiệu lực của bộ máy điều hành.

Việc đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 không đơn thuần chỉ là xác định và bình giải một cách đơn giản những số liệu giá trị về kết quả thực hiện đối với các mục tiêu đó. trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hà Xuân Từ, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, điều quan trọng là phải từ những số liệu thống kê để tìm ra nguyên nhân của các thành tựu, nguyên nhân của các yếu kém, cũng như rút ra các bài học kinh nghiệm và kiến nghị các giải pháp để thực hiện kế hoạch 5 năm tiếp theo. Bởi vậy, khác với báo cáo về tình hình thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm, nhóm chuyên gia của Dự án Hỗ trợ giám sát phát triển kinh tế - xã hội, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, đang phải lần giở ngược từ các số liệu thống kê về khả năng hoàn thành kế hoạch trở về với các cơ chế, chính sách để thực hiện các mục tiêu đó, từ đó có những phân tích, đánh giá xác đáng.

“Bất kỳ một mục tiêu nào đó, vĩ mô hay vi mô, đề ra trong thời kỳ kế hoạch đều được nghiên cứu khá kỹ lưỡng, mang tính liên kết và tác động tương hỗ liên ngành, liên lĩnh vực và liên vùng, với một “ma trận” các điều kiện, các giải pháp, các cơ chế chính sách, các nguồn lực triển khai thực hiện”, ông Nguyễn Bửu Quyền, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lý giải như vậy về phương pháp đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua.

Trong khi đó, bàn về bài học về phát triển bền vững, các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, điểm quan trọng là cần đổi mới nhanh chóng mô hình phát triển, hạn chế mô hình phát triển dựa theo yếu tố đầu vào, khai thác và bán tài nguyên; đồng thời coi trọng yếu tố khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức trong mô hình tăng trưởng. Bài học này được rút ra từ thực tế rằng Việt Nam đã chậm xác định mô hình phát triển phù hợp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nên cũng chậm đưa ra những bước đổi mới thích hợp.

“Cấu trúc nền kinh tế trong nước đã tỏ ra không phù hợp trong bối cảnh liên kết, liên doanh với khu vực và toàn cầu; vẫn còn dáng dấp của sự bao cấp, khép kín; làm cho thị trường nội địa kém sôi động, không phát triển; cơ chế độc quyền kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh vẫn tồn tại”, Dự thảo Báo cáo đánh giá cuối kỳ dựa trên kết quả tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 nhận định.

Còn với bài học về việc hình thành cơ chế thị trường đầy đủ, khẳng định được tiếp tục đưa ra là, việc chậm xây dựng đồng bộ các yếu tố thị trường, chưa thật sự tôn trọng quy luật kinh tế thị trường, cùng với việc can thiệp sâu vào thị trường bằng mệnh lệnh hành chính sẽ làm cho thị trường méo mó, gây nhiều tác động tiêu cực cho sản xuất - kinh doanh.

Cả 5 bài học kinh nghiệm này đã được rút ra ngay từ khi Báo cáo nghiên cứu đánh giá giữa kỳ dựa trên kết quả tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010. Tuy nhiên, theo thông tin từ ông Hà Xuân Từ, cập nhật tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2009-2010, nhóm chuyên gia đã bổ sung thêm nhiều đánh giá, nhận định phù hợp với tình hình mới. Báo cáo này đang được hoàn thiện để có thể kịp gửi tới các đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tổ chức vào đầu năm 2011 tới.