Báo cáo trả lời chất vấn của Bộ Tài chính tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XII

PV (T/h)

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII, theo phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã báo cáo Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện một số công việc trong thời gian qua và giải trình một số nội dung lớn được các Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. TCTC Online giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn báo cáo trả lời chất vấn của Bộ Tài chính trình bày tại kỳ họp Quốc hội.

I. Kết quả triển khai thực hiện một số công việc trong thời gian qua

1. Về đề án giá lúa:

Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình Chính phủ tại Tờ trình số 52/TTr-BTC ngày 26/4/2010 về Đề án “chính sách tiêu thụ lúa cho người sản xuất, góp phần bình ổn thị trường lúa, gạo ở Việt Nam” với nội dung chính như sau:

Về mục tiêu, Đề án đưa ra 3 nhóm mục tiêu lớn, đó là: (i) góp phần thực hiện các chương trình kinh tế định hướng, thiết lập sự an toàn việc cung ứng lúa gạo cho nhu cầu xã hội; bảo đảm an ninh lương thực; (ii) đảm bảo cho người trồng lúa bù đắp được chi phí sản xuất và có lãi tối thiểu 30% so với giá thành sản xuất; (iii) góp phần tiêu thụ lúa hàng hoá cho người sản xuất, xử lý việc phân phối thu nhập hợp lý giữa người trồng lúa so với các ngành nghề khác.

Về quan điểm, nguyên tắc hỗ trợ: Đề án đưa ra 5 nhóm quan điểm, nguyên tắc lớn, đó là: (i) nhất quán thực hiện nguyên tắc giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; (ii) Nhà nước thực hiện hỗ trợ gián tiếp và phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; (iii) thực hiện chia sẻ trách nhiệm, lợi ích của Nhà nước - Doanh nghiệp và người sản xuất. (iv) Thực hiện đồng bộ cả việc hỗ trợ “đầu vào” và và hỗ trợ “đầu ra” của sản xuất lúa; và (v) Chính sách hỗ trợ phải có tính khả thi cao, đơn giản và dễ dàng trong triển khai, thuận lợi trong quản lý, không bị lợi dụng, vụ lợi trong thực hiện.

Về cơ chế, chính sách hỗ trợ, bao gồm cả hỗ trợ đầu vào và hỗ trợ đầu ra. Đối với  hỗ trợ đầu vào: tiếp tục thực hiện các chính sách đang thực hiện như hỗ trợ lãi suất để mua vật tư, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất. Đối với hỗ trợ đầu ra: thành lập Quỹ bình ổn giá lúa, gạo; sử dụng Quỹ bình ổn giá lúa, gạo để hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp mua lúa theo giá thị trường để tạm trữ chuẩn bị chân hàng xuất khẩu.

Đề án cũng đưa ra một giải pháp quan trọng đó là Quỹ bình ổn giá lúa, gạo. Quỹ bình ổn giá lúa, gạo được hình thành thông qua cơ chế trích theo mức tiền cố định trên đầu tấn gạo xuất khẩu trực tiếp của tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, được phép hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh hợp lý của doanh nghiệp. Để vận hành Quỹ, Nhà nước ban hành cơ chế quản lý và sử dụng Quỹ;  Quỹ chỉ sử dụng cho mục tiêu thu mua lúa cho người sản xuất lúa,  không sử dụng cho mục đích khác.

2. Về đề án bảo hiểm nông nghiệp: Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn: “…Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp...” và chương trình công tác của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tổ chức nghiên cứu và trình Chính phủ Đề án thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2010-2012 (Tờ trình Chính phủ số 48/Tr-BTC ngày 09/4/2010).

Bảo hiểm nông nghiệp là một nghiệp vụ mới, phức tạp, địa bàn rộng, sản xuất phân tán chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, vì vậy việc tiến hành cần được triển khai thí điểm, trên cơ sở đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Trong Đề án, Bộ Tài chính dự kiến lựa chọn thí điểm bảo hiểm: Cây lúa; chăn nuôi (bò, trâu, lợn, gà) và nuôi trồng thuỷ sản (cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng) tại một số địa phương trong cả nước. Khi có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các tỉnh để thực hiện thí điểm.

Trong Đề án đã khẳng định để bảo hiểm nông nghiệp thành công thì cần thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước: Dự kiến, mức hỗ trợ của Nhà nước và đối tượng được hỗ trợ là: Nhà nước hỗ trợ khoảng 80% đến 90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ khoảng 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân (không thuộc diện nghèo) sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và hỗ trợ khoảng 50% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

II. Báo cáo giải trình một số nội dung lớn Đại biểu Quốc hội quan tâm

Tại kỳ họp này, Bộ Tài chính đã nhận được 15 câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội, trong đó có 02 câu do Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền, có 01 câu không thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển đến các Bộ liên quan để trả lời Đại biểu.

Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời gửi đến từng Đại biểu Quốc hội có chất vấn. Qua chất vấn và thảo luận, Bộ Tài chính xin báo cáo một số nội dung mà nhiều Đại biểu quan tâm:

1. Điều hành Ngân sách nhà nước

1.1. Về công tác lập dự toán thu NSNN:

Việc xây dựng dự toán thu NSNN được thực hiện dựa trên cơ sở tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế và số thực hiện thu NSNN năm trước. Khi tổ chức thực hiện dự toán thu NSNN phụ thuộc vào nhiều yếu tố do khách quan mang lại như: sự thay đổi chính sách, chế độ thu; báo cáo đăng ký dự kiến kế hoạch sản xuất - kinh doanh của các ngành, Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có một số khoản thu phụ thuộc vào yếu tố khách quan (giá cả, thị trường,…), khó dự báo chính xác như: thu từ nhà đất, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu dầu thô…; mặt khác, năm 2008 và năm 2009 là năm đặc thù do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy giảm kinh tế toàn cầu, giá cả hàng hóa và tình hình sản xuất kinh doanh biến động lớn (ví dụ: khi xây dựng dự toán, dự kiến giá dầu thô năm 2008 sẽ dao động trong khoảng từ 60 - 70 USD/thùng nhưng thực tế trong năm 2008, giá dầu thô thế giới đã tăng đột biến, có thời điểm lên tới 147 USD/thùng, bình quân cả năm đạt 104 USD/thùng, tăng 40 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán. Về sản lượng khai thác, tiêu thụ Tập đoàn Dầu khí đăng ký là 15,49 triệu tấn, thực tế thực hiện chỉ đạt 13,6 triệu tấn).

Do đó, loại trừ các khoản tăng do yếu tố khách quan (thu từ dầu thô, thu do điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu, thu từ nhà đất, thu viện trợ không hoàn lại đã trình bày trong báo cáo trình Quốc hội) thì thực chất số thu từ hoạt động SXKD tăng ở mức phù hợp (năm 2008 tăng 6% so với dự toán , mức tăng này thể hiện sự tích cực và tạo sự chủ động trong điều hành ngân sách cho Trung ương và các địa phương ).

1.2. Về bội chi Ngân sách nhà nước và kết dư NSĐP

Bội chi NSNN: Luật NSNN quy định, bội chi NSNN là bội chi ngân sách trung ương; bội chi ngân sách trung ương để cân đối thực hiện nhiệm vụ chi NSNN được Quốc hội quyết định.

Kết dư ngân sách địa phương: theo quy định của Luật NSNN, ngân sách các cấp chính quyền địa phương được phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi để đảm bảo cho mỗi cấp được chủ động trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho các cấp ngân sách được ổn định từ 3 đến 5 năm. Luật NSNN quy định kết dư ngân sách cấp tỉnh được sử dụng 50% chuyển vào thu ngân sách năm sau và 50% chuyển vào quỹ dự trữ tài chính địa phương; còn kết dư ngân sách cấp huyện, cấp xã được chuyển toàn bộ vào thu ngân sách năm sau.

Như vậy, mặc dù ngân sách trung ương bội chi, nhưng ngân sách địa phương vẫn có thể có kết dư ngân sách; không thể điều hoà và bù trừ cho ngân sách trung ương hoặc giữa các địa phương.

1.3. Về chi chuyển nguồn

Các khoản chuyển nguồn là khách quan và chế độ cho phép theo đúng quy định của Luật NSNN, ví dụ như: khoản tăng thu năm trước được xác định vào quí I năm sau và phải trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (đối với ngân sách trung ương), Thường trực Hội đồng nhân dân (đối với ngân sách địa phương) quyết định mới được thực hiện, do vậy không thể chi trong năm trước; khoản chuyển nguồn do khối lượng, nhiệm vụ đã thực hiện vào cuối năm nên không kịp thanh toán phải chuyển nguồn sang năm sau thanh toán (năm sau không bố trí dự toán); chuyển nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ 50% vượt thu ngân sách các cấp năm trước, tiền thưởng vượt thu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới (theo quy định của Luật NSNN)...

Đối với chi chuyển nguồn năm 2008 sang năm 2009, bao gồm chuyển nguồn để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, chuyển nguồn theo Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sử dụng nguồn tăng thu (như thưởng vượt thu cho ngân sách địa phương, hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh và thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác)... Trong đó, chi chuyển nguồn  năm 2008 sang năm 2009 do triển khai chậm đã được cấp có thẩm quyền quyết định (theo quy định của Luật NSNN) là 26.464 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng chi NSNN, thấp hơn năm 2007 (năm 2007 chi chuyển nguồn của nhiệm vụ này chiếm 4,9% tổng chi NSNN); các khoản chuyển nguồn loại này cũng được quy định chặt chẽ, chỉ chuyển nguồn đối với những dự án phòng chống lụt bão (đê, kè), những dự án hoàn thành sang năm sau không bố trí vốn, những dự án đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị, nhưng thiết bị chưa về kịp hoặc chưa hoàn tất thủ tục để thanh toán ngay trong năm...

Như vậy, trong điều hành NSNN, Chính phủ đã quy định, quản lý chặt chẽ chi chuyển nguồn; đồng thời đã chỉ đạo, điều hành nhằm hạn chế việc chi chuyển nguồn do triển khai chậm; thực tế, chi chuyển nguồn do triển khai chậm năm sau đã giảm hơn so với năm trước.

1.4. Quản lý vay nợ Chính phủ:

a) Về sự cần thiết phải vay nợ cho đầu tư phát triển: so với khu vực và trên thế giới, nền kinh tế nước ta vẫn đang ở trình độ phát triển thấp, nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và đảm bảo các nhu cầu chi phát triển các sự nghiệp văn hoá xã hội là rất lớn. Do vậy, mặc dù thu NSNN những năm gần đây tuy có tăng khá nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu chi, vì thế vẫn phải bội chi để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Việc chấp nhận bội chi NSNN thực chất là tranh thủ nguồn vay để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng thu hồi vốn, phục vụ cho phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chủ trương định hướng xã hội chủ nghĩa.

b) Về quản lý vay nợ:

- Luật Ngân sách nhà nước đã quy định rất chặt chẽ, bội chi ngân sách là chỉ cho đầu tư phát triển và nguồn bù đắp bội chi (vay trong nước và vay ưu đãi ngoài nước; không thực hiện phát hành tiền để bù đắp bội chi) do vậy đã góp phần lành mạnh hoá ngân sách, đảm bảo an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô.

- Mặc dù các năm 2009, 2010 đã phải tăng mức bội chi NSNN và tăng mức phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu chống suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nhưng đã đảm bảo trả nợ đầy đủ các khoản nợ đến hạn, không có nợ xấu; dư nợ Chính phủ, dư nợ quốc gia vẫn được kiểm soát, trong phạm vi an toàn cho phép theo Chiến lược phát triển tài chính quốc gia đến năm 2006-2010.

c) Nợ quốc gia của Việt Nam đến 31/12/2009 chiếm 38,9% GDP; nợ Chính phủ chiếm 41,9% GDP, trong đó nợ trong nước chiếm 41,2%, nợ nước ngoài chiếm 58,8%. Trong nợ nước ngoài 86,5% là các khoản vay trung và dài hạn với lãi suất rất ưu đãi, thời gian ân hạn lớn (vay của WB có thời hạn là 40 năm, trong đó 10 năm ân hạn, lãi suất 0,75%/năm; vay của ADB có thời hạn là 30 năm, trong đó 10 năm ân hạn, lãi suất 1%/năm; khoản vay của chính phủ Nhật Bản có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn, lãi suất 1 - 2%)

Như vậy, cơ cấu nợ hiện tại là hợp lý, khá ổn định và tương đối bền vững; nhiều tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế xếp nước ta vào nhóm các quốc gia có mức nợ nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ.

3. Về công tác điều hành giá cả đối với một số mặt hàng thời gian qua và các biện pháp bình ổn giá

3.1.Tình hình giá cả thị trường 5 tháng đầu năm 2010

Năm tháng đầu năm 2010, giá cả hàng hoá, dịch vụ trên thị trường nhìn chung có xu hướng tăng cao nhưng không có đột biến về giá xảy ra trên phạm vi cả nước, trong đó tháng 1, tháng 2, tháng 3 giá có xu hướng tăng cao hơn, nhưng đến tháng 4 và tháng 5, giá cả thị trường đã có dấu hiệu chững lại và ổn định.

3.2. Về điều hành giá một số mặt hàng điện, than, xăng dầu.

a) Giá điện:

Thực hiện theo lộ trình đã được phê duyệt tại Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010-2012 theo cơ chế thị trường. Trên cơ sở báo cáo thẩm định Đề án giá điện năm 2010 do Bộ Công thương trình, sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận điều chỉnh giá bán điện bình quân năm 2010 tăng 6,8% so với giá bán điện bình quân năm 2009, thực hiện từ 1/3/2010.

Theo tính toán, việc điều chỉnh giá điện sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,16%; tác động đến giá thành một số sản phẩm sử dụng nhiều điện từ 0,09 - 2,28% tuỳ theo từng ngành. Về đời sống, các hộ sử dụng điện dưới 50 KWh/tháng không phải trả thêm tiền vì giá điện 50KWh đầu tiên vẫn giữ ổn định như năm 2009 (chỉ bằng khoảng 60% giá thành). Đối với những hộ sử dụng điện từ KWh thứ 51 đến 100 KWh/tháng được áp dụng mức giá bằng mức giá thành sản xuất kinh doanh điện bình quân (không có lãi cho ngành điện).

b) Giá than:

Giữ ổn định giá than bán cho sản xuất và tiêu dùng trong nước như năm 2009, chỉ điều chỉnh giá than bán cho sản xuất điện (trong đó, than cám 5 tăng không quá 28%, than cám 4b tăng không quá 47% so với giá than bán cho sản xuất điện năm 2009, mức tăng này mới bằng khoảng 79% - 86% so với giá thành than và bằng khoảng 60% giá thị trường). Như vậy, việc điều chỉnh giá than chỉ tác động đến giá điện, không tác động trực tiếp đến giá các mặt hàng khác.

c) Giá xăng dầu:

Hiện nay, giá xăng dầu đã được thực hiện theo cơ chế giá thị trường, có sự kiểm soát của Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về kinh doanh xăng dầu, trong đó cho phép thương nhân đầu mối được quyết định giá bán xăng dầu theo quy trình và các nguyên tắc mà Chính phủ quy định, có sự giám sát của các cơ quan nhà nước.

Căn cứ diễn biến giá xăng dầu trên thị trường, bám sát các quy định của Nghị định nêu trên, vừa qua các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã điều chỉnh giá bán xăng dầu như sau: ngày 14/1/2010 điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong khoảng từ 300 - 450 đ/lít, ngày 21/2/2010 tăng giá xăng 590 đ/lít (giá bán các mặt hàng dầu được giữ ổn định như tháng 1/2010), ngày 3/3/2010, giảm giá bán lẻ các loại dầu từ 300-500 đ/lít, ngày 27/5/2010 điều chỉnh giảm giá xăng 500 đ/lít,  ngày 8/6/2010 tiếp tục điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu từ 200-500đ/lít. Hiện tại, so sánh giá xăng dầu trong nước với giá một số nước trong khu vực thì giá trong nước thấp hơn của các nước khoảng từ 2.000 đ/lít đến 8.000 đồng/lít tuỳ theo từng mặt hàng.

Để bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện điều chỉnh giá xăng, dầu theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước, khi giá xăng, dầu trên thị trường thế giới giảm cần giảm giá bán kịp thời; giãn thời gian giữa các lần điều chỉnh; khi chuẩn bị điều chỉnh giá bán xăng, dầu, các doanh nghiệp phải báo cáo trước đầy đủ về cơ sở tăng giá tới Tổ giám sát liên ngành về giá xăng dầu; đồng thời thông tin đầy đủ đến các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền cho người dân và xã hội.

Như vậy, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp ổn định giá cả; bảo đảm đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, không để xảy ra thiếu hàng; coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường…nhờ vậy chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng ở mức hợp lý./.