Thủ tướng Chính phủ:

Bảo đảm đón Tết nguyên đán Kỷ Hợi vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm

PV.

Tại Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/12/2018về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm,Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu được giao trong năm 2018.

Quản lý điều hành và bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Nguồn: Internet
Quản lý điều hành và bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Nguồn: Internet

Quản lý điều hành và bình ổn giá cả thị trường

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Trường hợp cần thiết, kịp thời báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá những vấn đề phát sinh, gây ảnh hưởng đến mặt bằng chung và ổn định kinh tế vĩ mô.

Chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; Tập trung kiểm tra, tuần tra chặt chẽ tại các tuyến và địa bàn trọng điểm, các mặt hàng nhập lậu, hàng giả thường có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm và Tết (như chất nổ, pháo, vũ khí; Hàng hóa vi phạm môi trường; Các mặt hàng phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết như thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thực phẩm...).

Kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, nợ công, tài sản công; Kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân bị thiếu ăn trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.

Điều hòa cung ứng đủ tiền mặt

Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ tài chính trong nước và thế giới, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống.

Đặc biệt, công tác điều hòa cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế là nhiệm vụ được Thủ tướng ưu tiên đặt ra. Theo đó NHNN cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm việc cung ứng dịch vụ thanh toán, hệ thống ATM/POS hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt; Tăng cường các hoạt động thanh toán phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; Tổ chức các dịch vụ ngoại hối, thu đổi ngoại tệ phục vụ khách du lịch; Tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết; Bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật…

Không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà

Tại Chỉ thị này,  Thủ tướng yêu cầu các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước quán triệt, thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; Không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, Lễ hội... Dành thời gian đi thăm hỏi các gia đình chính sách, các hộ nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ.

Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương đối với người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.