Bình ổn giá những tháng cuối năm: Áp lực lớn, quyết tâm cao

P.V

TCTC Online - Như đã trở thành quy luật, về cuối năm diễn biến trên thị trường giá cả tiêu dùng luôn có những diễn biến không thuận, tạo ra nhiều sức ép đối với việc thực hiện mục tiêu bình ổn giá cả, thị trường. Năm nay, càng về cuối năm thị trường càng xuất hiện nhiều biến động phức tạp, việc đảm bảo cung – cầu hàng hóa, bình ổn giá cả đang là áp lực nặng nề đối với Chính phủ, các cơ quan chức năng và thu hút sự quan tâm của dư luận.

Áp lực cuối năm

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2010 tăng tới 1,05% so với tháng trước - tháng có mức tăng CPI đột biến (tăng 1,31% so với tháng 8/2010). Đây là mức tăng cao, trong bối cảnh mối lo tái lạm phát đang quay trở lại. Số liệu cũng cho thấy, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI đã tăng 9,66%, còn nếu tính trung bình CPI, 10 tháng năm 2010 đã tăng 8,75% so với 10 tháng năm ngoái. Trong khi đó, so với tháng 12/2009 - mức so sánh để tính lạm phát năm theo cách tính của Việt Nam, CPI tháng 10 đã tăng 7,58%.

Vào những tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Dương lịch liền kề với Tết Nguyên đán và việc gối đầu cho sản xuất năm 2011 sẽ có sức ép mạnh đối với cung-cầu hàng hóa và giá cả hơn. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tỷ giá đồng USD/VND, tăng giá xăng dầu vừa qua, cùng với các yếu tố thời tiết bất lợi như lũ lụt xảy ra ở một số tỉnh miền Trung hay dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi... sẽ tác động mạnh làm tăng cầu hàng hóa ở một số địa bàn, khu vực. Không chỉ vậy, thị trường hàng hóa còn có khả năng tăng giá theo yếu tố tâm lý, “té nước theo mưa”. Điều này đã thể hiện ở đợt điều chỉnh tỷ giá đồng USD/VND vừa qua, nhiều DN sản xuất và cung ứng hàng hóa mặc dù không chịu sự tác động của tỷ giá nguyên liệu đầu vào cũng đề xuất được tăng giá… và tại một số vùng lũ lụt giá bán hàng hóa cũng có dấu hiệu leo thang.

Bên lề kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XII, nhiều đại biểu có chung nhận định: Sẽ xuất hiện nhiều áp lực cho việc điều hành, bình ổn giá cả thị trường vào những tháng cuối năm, do đó mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% trong năm nay như Nghị quyết của Quốc hội thông qua là nhiệm vụ rất nặng nề, nhất là trong hai tháng cuối năm, CPI bao giờ cũng có xu hướng tăng cao. Đó là chưa kể, những diễn biến gần đây trên thị trường vàng, ngoại tệ, do tác động của thiên tai, dịch bệnh… nên không loại trừ khả năng, giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Các chuyên gia thị trường nhận định, sức nóng và sức ép tăng giá các mặt hàng hiện nay mới chỉ là “khúc dạo đầu” cho đợt tăng giá theo quy luật thường diễn ra vào tháng cuối năm. Chi phí đầu vào và biến động nguồn cung được xác định là nguyên nhân chính tạo áp lực lớn lên giá cả hàng hóa trong những tháng cuối năm. Giá lương thực, thực phẩm có dấu hiệu tăng “nóng” từ cuối tháng 9, và trong tháng 10. Giá gạo đồng loạt tăng từ 4.000-5.000 đồng/kg, giá gạo xuất khẩu tăng khi nguồn cung trong nước đang cạn dần; Các loại rau củ, thủy hải sản, thịt lợn cũng tăng khá mạnh. Các DN sản xuất cho biết, so với trước giá nguyên liệu thức ăn gia súc tăng ít nhất 20% do giá nhập khẩu tăng cùng với tác động từ lần điều chỉnh tỷ giá mới đây khiến chi phí đầu vào tăng, kéo theo giá thịt tăng 5.000-10.000 đồng/kg. Trong khi đó, có tới 70% giá thành chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt đều “ăn theo” giá thức ăn chăn nuôi, cho nên khi mặt hàng này “nhảy múa” thì lập tức tác động đến sản phẩm đầu ra tăng giá.

Như vậy, cùng với nguồn cung biến động, chi phí đầu vào tăng, thì sức ép giá cả tăng lên được dự báo sẽ “cộng hưởng” lớn từ sức mua tăng lên vào các tháng cao điểm mua sắm tiêu dùng cuối năm. Đây cũng là giai đoạn đặt ra những thách thức lớn nhất đối với công tác điều hành, bình ổn giá cả thị trường. Tuy nhiên, theo phân tích của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Giá tăng do các nguyên nhân tác động đan xen của cả yếu tố gây áp lực tăng giá và những yếu tố kiềm chế tốc độ tăng giá. Trong đó phải kể đến sức mua hàng hóa, dịch vụ tiếp tục tăng, đặc biệt trong 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 1.146 nghìn tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2009. Ngoài ra, tác động theo độ trễ của việc tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng ở mức cao của năm 2009 gây áp lực đẩy mặt bằng giá tăng; việc áp dụng trở lại mức thuế suất thuế GTGT 10% thay cho mức 5% của năm 2009 đối với một số mặt hàng; việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu... là những yếu tố tác động làm tăng giá thành hoặc tác động tâm lý gây áp lực tăng giá.

Hợp lực vượt khó

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành về điều hành giá cả thị trường những tháng cuối năm được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh: Thời gian còn lại của năm 2010 tuy ngắn nhưng sẽ có rất nhiều sức ép đè năng lên công tác bình ổn giá cả thị trường. Mặc dù, có những nhân tố tác động kiềm chế tốc độ tăng giá nhưng cũng có khá nhiều nhân tố tác động gây sức ép đẩy mặt bằng giá tăng. Cụ thể như kinh tế thế giới được đánh giá khả năng phục hồi khá hơn vì vậy nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng, nhu cầu tăng đẩy giá tăng ở mức độ nhất định. Trước tình hình này cần hết sức chú ý đến những diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới sẽ tác động mạnh vào thị trường trong nước như: chính sách nới lỏng tiền tệ của một số nước lớn để phục hồi nền kinh tế, biến động của giá vàng, giá xăng, dầu và giá của các đồng tiền chủ chốt. Về kinh tế trong nước, sản xuất đã đạt mức tăng trưởng vượt dự báo nhưng còn gặp nhiều khó khăn về vốn cho sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế. Thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm, cây trồng vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn những yếu tố bất ổn... ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hoá, dịch vụ và tác động làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá dịch vụ phục vụ lễ hội, Tết Nguyên đán, Tết Dương lịch tăng. Lượng tiền cung ứng ra lưu thông tăng hơn những tháng bình thường… Trước xu thế đó đòi hỏi tất cả các Bộ, ngành phải chung tay hợp sức để vượt qua khó khăn nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra. Ngay từ bây giờ các địa phương cần rà soát và cân đối nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong dịp Tết sắp tới. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, làm tăng giá đột biến. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu các các địa phương cần tập trung rà soát các mặt hàng trọng điểm, chủ động có biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu không để xảy ra thiếu hàng cục bộ. Nếu chúng ta không nỗ lực tìm mọi biện pháp để bình ổn giá hàng hoá có hiệu quả thì sẽ rất khó bảo đảm các chỉ tiêu đề ra.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài việc tổ chức các chương trình bình ổn giá, để bảo đảm được các chỉ tiêu tăng trưởng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Chính phủ cần can thiệp để ổn định giá xăng dầu từ nay đến cuối năm nhằm giảm áp lực tăng giá đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có chính sách, cơ chế, phù hợp cho phép các ngân hàng thương mại có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông để giảm bớt áp lực tăng giá, nhất là dịp cuối năm khi khối lượng thanh toán các công trình dự án được thực hiện với mật độ cao vào dịp tết, khi lượng tiền thưởng, tiền lương được chi trả với khối lượng lớn.

Trên thực tế, Tết Dương lịch và Nguyên đán 2011 gần nhau và việc gối đầu cho sản xuất năm 2011 và sẽ gây sức ép về sản xuất hàng hoá cho các ngành, các DN. Do đó nhiệm vụ điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường giá cả trong những tháng cuối năm ngoài sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương còn cần có sự hợp lực của cộng đồng DN.

Đi đầu trong việc thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, hai địa phương lớn là Hà Nội và TP.HCM đã tập trung vào những công việc rất cụ thể mà thực tiễn trong những tháng vừa qua khi triển khai có kết quả tốt. Điển hình như, tiếp tục áp dụng biện pháp hỗ trợ vốn cho các DN bán các mặt hàng thiết yếu thấp hơn giá thị trường từ 5-10% đến hết năm 2010 đã góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá trong phạm vi cả nước. Đồng thời, tạo điều kiện để các DN có đủ nguồn lực dự trữ hàng hóa và giá cả hàng hóa hợp lý bằng giải pháp cấp vốn cho các DN để mua hàng dự trữ. Tại Hà Nội, các DN đăng ký tham gia bình ổn thị trường được cấp 400 tỷ đồng thay vì 250 tỷ đồng như cùng kỳ năm ngoái. Còn ở TP.HCM giành trên 500 tỷ đồng để cho các DN thu mua hàng hóa dự trữ tham gia bình ổn thị trường. Tất cả số vốn này cấp cho DN vay với lãi suất 0% để DN bảo đảm giá cả hàng hóa bán ra phải thấp hơn thị trường từ 10-15% và luôn có đủ lượng hàng thiết yếu dự trữ cho tiêu thụ khoảng 3 tháng.

Cùng với việc cấp vốn cho các DN tham gia bình ổn thị trường, lãnh đạo hai Thành phố này yêu cầu các DN đẩy mạnh mở rộng hệ thống đại lý phân phối, điểm bán và bảo đảm phục vụ cả các ngày lễ, ngày nghỉ, ngày chủ nhật để góp phần bình ổn thị trường cả trong những thời đểm nhạy cảm dễ gây biến động. Nếu như tại Hà Nội ở cùng thời điểm này năm ngoái mới có 250 địa điểm phân phối, đại lý bán hàng bình ổn thị trường thì đến thời điểm này đã nâng lên được 360 địa điểm. Dự kiến đến hết năm 2010, toàn TP.Hà Nội sẽ có khoảng 500 điểm bán hàng bình ổn giá tại khu vực nội thành và một số huyện, thị trên địa bàn. Các DN tham gia chương trình phải cam kết bán đúng mặt hàng, đúng giá niêm yết, đồng thời giảm giá tối thiểu 10% khi thị trường có biến động về giá. Ngoài ra, các DN cũng chú trọng đưa hàng Việt về nông thôn. Còn tại TP.HCM đã có cả nghìn địa điểm bán hàng tham gia bình ổn thị trường. Song song đó, các DN tham gia bình ổn thị trường cũng đẩy mạnh đưa hàng về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân. Đưa hàng đến các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ người lao động. Với cơ quan quản lý như Chi cục Quản lý thị trường, các ban quản lý chợ thường xuyên thực hiện niêm yết giá và bán đúng niêm yết, ngăn chặn nạn găm hàng ở những thời điểm nhạy cảm để nâng giá bán.

 Một số giải pháp để bình ổn giá được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành về điều hành giá cả thị trường những tháng cuối năm

1. Điều hành giữ ổn định một số giá hàng hóa, dịch vụ đầu vào cơ bản của nền kinh tế như: giá điện, giá than, giá nước sạch cho sinh hoạt, cước vận tải hành khách; sử dụng linh hoạt công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu ở mức phù hợp. Rà soát, cắt giảm các chi phí không hợp lý để giảm đến mức thấp nhất việc tăng giá các sản phẩm độc quyền, các hàng hóa dịch vụ Nhà nước còn định giá.

2. Kiểm soát chặt chẽ chi tiêu NSNN chi cho các phương án giá, mức giá hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ Nhà nước đặt hàng; hàng hóa còn được trợ cước, trợ giá; hàng hóa, dịch vụ thực hiện chính sách xã hội... hạn chế cao nhất trường hợp vượt mức dự toán, ứng vốn.

3. Kiểm soát việc đăng ký giá, kê khai giá khi DN đăng ký thay đổi mức giá đối với 17 mặt hàng thuộc diện phải đăng ký giá như: xi-măng, thép xây dựng, gas, than, phân bón hóa học, đường ăn, sữa bột cho trẻ em dưới sáu tuổi... và sáu mặt hàng phải kê khai giá như: thuốc phòng, chữa bệnh cho người, cước vận tải bằng ô-tô, dịch vụ tại cảng hàng không.

4. Chủ động áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật.

5. Tăng cường kiểm soát thuế, kiểm soát siêu lợi nhuận gắn liền với kiểm tra giá, chống liên kết độc quyền nâng giá và đầu cơ trái pháp luật. Kiểm soát việc chấp hành quy định về giá.