Bổ sung nhiều quy định "siết" kinh doanh dịch vụ đòi nợ


Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành trong đó có Bộ Công an để bổ sung các quy định nhằm siết chặt và quản lý ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Việc đòi nợ vi phạm pháp luật liên quan chủ yếu đến hoạt động “tín dụng đen”.  Nguồn: internet
Việc đòi nợ vi phạm pháp luật liên quan chủ yếu đến hoạt động “tín dụng đen”. Nguồn: internet

Kiến nghị tới Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Long An đề nghị xem xét lại loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Cử tri cho rằng, dịch vụ đòi nợ thuê là một trong những hoạt động kinh doanh phức tạp, có liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, dễ bị phần tử xấu lợi dụng để hoạt động kiểu xã hội đen.

Về nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Luật Đầu tư thì kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một ngành kinh doanh có điều kiện. Do đó, để xem xét lại hoặc cấm kinh doanh loại hình dịch vụ này thì phải trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư, đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm kinh doanh. Vì vậy, trước mắt chưa thể cấm ngành nghề này mà cần tăng cường quản lý thông qua hoàn thiện các quy định của pháp luật và tăng cường các biện pháp quản lý.

Theo Bộ Tài chính, việc đòi nợ vi phạm pháp luật liên quan chủ yếu đến hoạt động “tín dụng đen”. Tại Công văn số 11555/VPCP-NC ngày 27/11/2018 của Văn phòng Chính phủ về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ và đã gửi lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan, đồng thời đăng tải dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính để lấy ý kiến tham gia của công chúng.

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành trong đó có Bộ Công an bổ sung các quy định nhằm siết chặt và quản lý ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ như: Bổ sung quy định về việc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải đáp ứng quy định về điều kiện an ninh, trật tự; quy định chặt chẽ hơn về điều kiện tiêu chuẩn đối với người quản lý, người lao động; bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết sẽ báo cáo Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất trình Chính phủ có nên để tồn tại ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ hay không để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư.