Bộ Tài chính chủ động xây dựng các kịch bản ngân sách tương ứng với tăng trưởng kinh tế


Tại phiên họp ở tổ của Quốc hội chiều ngày 8/6/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình) cho biết, Bộ Tài chính đã xây dựng các kịch bản ngân sách tương ứng với tình hình tăng trưởng kinh tế nhằm đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và phòng chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp ở tổ của Quốc hội ngày 8/6/2020. Nguồn: internet
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp ở tổ của Quốc hội ngày 8/6/2020. Nguồn: internet

Bộ Tài chính kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2020, sự cố dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để vừa chống dịch, vừa ổn định kinh tế. Chính phủ yêu cầu phải đạt mục tiêu kép, vừa chống dịch như chống giặc, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển tăng trưởng kinh tế. Theo đó, xuyên suốt là phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ cho phát triển bền vững.

Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, đưa ra các kịch bản điều hành, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao nhất và cân đối ngân sách tốt nhất. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra là 6,8%, các cân đối lớn, đặc biệt là cân đối về ngân sách đang theo mức tăng trưởng nêu trên.

Bộ Tài chính kiên định mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô. Dù có tăng bội chi thì vẫn nằm trong tổng thể và phải đảm bảo mục tiêu 5 năm về bội chi và nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội (5 năm bội chi bình quân tăng không quá 3,9% GDP).

Do đó, vì tình hình dịch bệnh nếu phải tính toán lại, cùng với việc tháo gỡ khó khăn, phòng chống dịch, thì mục tiêu căn cơ vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo tăng trưởng bền vững, lâu dài.

Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NQ-CP về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; ban hành nhiều thông tư giảm một loạt các loại phí, lệ phí; đề xuất giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân; đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; đang soạn thảo để trình Chính phủ nghị định về giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi một số nghị định, nhằm giảm thuế xuất nhập khuyến khích ngành công nghiệp phụ trợ, dệt may, da giày; đề xuất Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhằm tăng nguồn lực cho doanh nghiệp và người dân, tăng tái đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhằm tăng thu ngân sách.

Cùng với đó, ngành Tài chính cũng đã đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh.

Thu ngân sách phản ánh đúng thực chất tình hình kinh tế

Tại phiên họp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thông tin thêm về kết quả thu- chi ngân sách nhà nước trong 5 tháng đầu năm. Theo đó, 5 tháng thu ngân sách nhà nước đạt 38,2% dự toán. Dự toán thu ngân sách nhà nước tính toán trên cơ sở tăng trưởng 6,8%.

Thu ngân sách nhà nước trong tháng 5 giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2019 là do sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, do việc gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất... Mức thu nêu trên là thấp nhất trong 4 năm gần đây (năm 2019, thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 45% dự toán, tăng 14,2%).

Riêng 3 khu vực kinh tế, là căn cơ của nguồn thu (thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) mới đạt 34,3% dự toán, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2019. Thu từ xuất nhập khẩu cũng giảm, đạt 36,7%, giảm bằng 36,7% dự toán, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Bộ trưởng cho biết, số thu năm nay phản ánh đúng thực chất tình hình kinh tế. Thu ngân sách tháng 1 cao nhất, tháng 2 giảm, tháng 3, 4 giảm tiếp và đến tháng 5 thì giảm sâu. Điều đáng mừng là, hết 5 tháng, có 39/63 địa phương thu nội địa đạt 39% dự toán; trong đó có 30 địa phương thu đạt trên 42%, 23/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 4 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ. Nhưng các địa phương lớn (các địa phương đang điều tiết về trung ương) đang khó khăn.

Về chi ngân sách, chi ngân sách nhà nước 5 tháng đã đảm bảo tập trung chi cho chống dịch, chi quốc phòng an ninh và một phần hỗ trợ cho vùng xâm nhập mặn, phòng chống dịch tả lợn châu Phi...

Chủ động xây dựng các kịch bản ngân sách, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đề ra kịch bản tăng trưởng kinh tế mục tiêu cao nhất là 5-5,2%. Kịch bản thứ 2 là tăng trưởng khoảng 4,5% và thấp nữa là 3,6% (trong khi có tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng của Việt Nam chỉ khoảng 2,7%). Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính chủ động xây dựng các kịch bản về ngân sách tương xứng.

Hết 5 tháng năm 2020, có 39/63 địa phương thu nội địa đạt 39% dự toán; trong đó có 30 địa phương thu đạt trên 42%, 23/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 4 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Theo đó, trường hợp GDP là từ 5-5,2% thì tăng bội chi lên 160 nghìn tỷ đồng; nếu GDP tăng 3,6% thì bội chi tăng lên 190 nghìn tỷ đồng. Tương tự, nếu tăng trưởng 5-5,2% thì nợ công tăng 54,6% GDP. Kịch bản xấu thì nợ công tăng lên khoảng 56,4% GDP (Quốc hội cho phép dưới 65% GDP).

Bộ trưởng nhấn mạnh, dù là kịch bản nào, Bộ Tài chính vẫn kiên định mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô. Dù có tăng bội chi thì vẫn nằm trong tổng thể và phải đảm bảo mục tiêu 5 năm về bội chi và nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội (5 năm bội chi bình quân tăng không quá 3,9% GDP), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và phòng chống dịch.

Để đảm bảo mục tiêu trên, theo Bộ trưởng, đầu tiên là phải tiết kiệm chi, lúc đầu tiết kiệm 50% chi phí hội nghị, hội thảo, nhưng nay phải tiết kiệm 70%; chi thường xuyên cắt giảm 10%, tiếp tục cắt giảm thêm 10% nữa. Chính phủ cũng trình tạm thời chưa tăng lương cho cán bộ, công chức.

Ngoài ra, cần tập trung vào giải ngân vốn đầu tư công. Gói hơn 700 nghìn tỷ đồng vốn giải ngân trong năm 2020 theo Bộ trưởng là lớn nhất từ trước đến nay. Nếu giải ngân được, đây sẽ là gói kích cầu rất lớn. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là vấn đề rất quan trọng hiện nay.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã kiến nghị các đại biểu Quốc hội bàn thảo, hiến kế, tạo sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống chính trị để tổ chức thực hiện, thúc đẩy giải ngân, góp phần tăng trưởng kinh tế.