Bộ Tài chính cơ bản triển khai xong các giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 13

PV.

(Tài chính) Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cho đến nay, Bộ Tài chính đã cơ bản triển khai thực hiện xong các giải pháp tài chính - NSNN theo Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ các chính sách ưu đãi thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho một số đối tượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh và cá nhân:

- Đã thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình và được Quốc hội chấp thuận ban hành Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21/6/2012 về một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân; trên cơ sở đó, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2012/NĐ-CP ngày 30/7/2012  hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này của Quốc hội;

- Đã ban hành Thông tư số 83/2012/TT-BTC ngày 23/5/2012 hướng dẫn việc miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu NSNN đối với một số loại hình doanh nghiệp và lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.

Kết quả đến nay đã thực hiện gia hạn khoảng 11.000 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng các tháng  4, 5 và 6/2012  cho trên 190.280 doanh nghiệp; giải quyết gia hạn 2.933 tỷ đồng nợ thuế thu nhập doanh nghiệp cho khoảng 71.630 doanh nghiệp; giải quyết giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho khoảng 2.425 doanh nghiệp, với số tiền giảm là 250,3 tỷ đồng; giải quyết miễn và hoàn thuế môn bài năm 2012 cho 33.510 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối, với số tiền khoảng 10 tỷ đồng .

Bộ cũng đã thực hiện các biện pháp thiết thực để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình, trong đó:

- Đã trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép nâng mức tạm ứng thanh toán vốn cho các dự án đầu tư thuộc kế hoạch trong quý III/2012 và cho phép ứng trước kế hoạch vốn đầu tư NSNN năm 2013, vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2013-2015,  ban hành văn bản hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước về việc quản lý thanh toán vốn đầu tư kế hoạch năm 2012.

- Đã có văn bản yêu cầu hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện tốt công tác kiểm soát chi đầu tư theo đúng nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau”, hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong việc hoàn tất các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân

- Tổ chức Hội nghị Tọa đàm với các chủ đầu tư bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2012; đồng thời, tổ chức Hội nghị triển khai và thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về công tác quản lý vốn đầu tư năm 2012.

Những tháng đầu năm 2012 tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB từ NSNN và trái phiếu Chính phủ đạt thấp. Sau khi triển khai các giải pháp nêu trên, tình hình giải ngân vốn từ tháng 7 đã có chuyển biến tích cực hơn.

Ngoài ra, Bộ đã hoàn thành việc phân bổ 2.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay đầu tư kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn; Tổ chức hướng dẫn việc thực hiện mua sắm đối với khoản kinh phí năm 2011 đã được bố trí nguồn nhưng chưa sử dụng vì thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và đã được chuyển sang năm 2012; Tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Bộ Tài chính còn triển khai và hoàn thành một số nội dung  khác theo Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ như: trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự toán năm 2012 cho Bộ Công thương 50 tỷ đồng để thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2012; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan; tiếp tục đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ, tổ chức ngòai nước để huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần bổ sung vốn cho các dự án cấp thoát nước, biến đổi khí hậu, dạy nghề, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, hiệu quả; triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 5/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN những tháng cuối năm 2012, Vụ NSNN đã cùng các đơn vị thuộc Bộ kịp thời tham mưu, khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung liên quan đến công tác điều hành thu, chi và đảm bảo cân đối NSĐP, trong đó:

- Kịp thời chỉ đạo điều hành NSNN đảm bảo cân đối thu - chi, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi tiêu của NSNN; thực hiện tăng tiến độ bổ sung từ NSTW cho các địa phương có khó khăn trong cân đối NSĐP để đảm bảo các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán năm 2012 (Hải Dương, Quảng Nam, Bình Phước, Vĩnh Long...).

- Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp lớn, cửa khẩu quan trọng... để đôn đốc thu kịp thời vào NSNN các khoản thu phát sinh, các khoản truy thu, nộp phạt qua kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán,…

- Tổng cục Hải quan đã kịp thời quán triệt và tổ chức triển khai Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 7/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan; Chỉ thị số 03/CT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập – tái xuất. Trong Quý III/2012, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 5.772 vụ việc vi phạm, trị giá 77.702,5 triệu đồng, trong đó có 206 vụ việc liên quan đến ma tuý.

- Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phương án sử dụng nguồn dự phòng NSTW năm 2012 nhằm hỗ trợ các địa phương đầu tư các dự án cấp bách; tham gia với các Bộ, cơ quan chức năng để trình Thủ tướng Chính phủ về việc ứng trước vốn NSNN năm 2013 và vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2013 - 2015, ứng trước vốn đối ứng kế hoạch năm 2013 cho các dự án ODA...

Ngoài ra, nhằm tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ, đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB tại các địa phương; phối hợp với KBNN tổ chức họp giao ban với các Bộ, ngành và địa phương tiến độ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, đang khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ nguồn TPCP và chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện vốn đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn NSNN.

Có thể  thấy, cùng với hệ thống các giải pháp khác (tiền tệ, thương mại...), các giải pháp tài chính - NSNN đã góp phần quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến bước đầu trong nền kinh tế.