Bộ Tài chính công bố dự toán thu và chi ngân sách Nhà nước năm 2011

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

Bộ Tài chính vừa mới công bố dự toán thu chi ngân sách năm 2011. Theo đó, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2011 là 595.000 tỷ đồng, tăng 12,7% so với ước thực hiện năm 2010, trong khi đó, dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2011 sẽ là 725.600 tỷ đồng.

Dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2011: 595.000 tỷ đồng

Thu nội địa từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (không kể thu tiền sử dụng đất): 352.000 tỷ đồng, tăng 19,3% so ước thực hiện năm 2010. Trong đó, dự toán thu từ khu vực kinh tế quốc doanh tăng 19,9%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,8%; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng 22,2%; thu thuế thu nhập cá nhân tăng 23,7% so với ước thực hiện năm 2010.

Thu tiền sử dụng đất: 30.000 tỷ đồng. Về quy mô dự toán thu nội địa (bao gồm cả thu từ đất đai) năm 2011, có 17 địa phương đạt trên 3.000 tỷ đồng, trong đó 11 địa phương thu trên 5.000 tỷ đồng, tăng 01 địa phương so với ước thực hiện năm 2010 (Khánh Hoà); 29 địa phương thu đạt từ 1.000 - 3.000 tỷ đồng, tăng 04 địa phương so với ước thực hiện năm 2010 (Sơn La, Quảng Bình, Phú Yên, Kon Tum); 12 địa phương thu đạt từ 500 - 1.000 tỷ đồng; chỉ còn 05 địa phương thu dưới 500 tỷ đồng, giảm 01 địa phương (Ninh Thuận) so với ước thực hiện năm 2010.

Thu dầu thô: Dự kiến đạt 69.300 tỷ đồng, trên cơ sở dự kiến sản lượng đạt 14,02 triệu tấn, giá bình quân đạt 77 USD/thùng.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: Dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2011 từ hoạt động xuất nhập khẩu được xây dựng trên cơ sở dự kiến kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với ước thực hiện 2010, nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu. Năm 2011 dự kiến thực hiện cắt giảm khoảng 2.000 dòng thuế để thực hiện các cam kết quốc tế, làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng trên 2.000 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ thuế để hạn chế nhập siêu (nhất là các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu), hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô. Dự toán thu năm 2011 cũng đã tính tới yếu tố đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ đọng, cải cách hành chính, thủ tục hải quan và công tác kiểm tra sau thông quan, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, chống gian lận thương mại và trốn thuế.

Trên cơ sở đó, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2011 từ hoạt động xuất nhập khẩu là 180.700 tỷ đồng, tăng 12,4% so với ước thực hiện năm 2010, trong đó thu từ thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu là 80.400 tỷ đồng, tăng 12%; dự toán thu từ thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu là 100.300 tỷ đồng, tăng 12,7% so với ước thực hiện năm 2010.

Sau khi trừ đi số chi hoàn thuế theo chế độ năm 2011 dự kiến là 42.000 tỷ đồng, thì dự toán thu cân đối ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2011 là 138.700 tỷ đồng, tăng 14% so với ước thực hiện năm 2010.

Thu viện trợ không hoàn lại: 5.000 tỷ đồng, bằng dự toán năm 2010.

Tổng hợp chung, dự toán thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2011 là 595.000 tỷ đồng, tăng 12,7% so ước thực hiện năm 2010. Về cơ cấu thu tiếp tục chuyển biến tích cực: năm 2011, dự toán thu nội địa chiếm 64,2% tổng thu ngân sách Nhà nước (ước thực hiện năm 2010 là 62,5%), qua đó góp phần tăng tính ổn định và bền vững của ngân sách Nhà nước.

Dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2011: 725.600 tỷ đồng

Chi đầu tư phát triển: 152.000 tỷ đồng, tăng 21,1% (26.500 tỷ đồng) so dự toán năm 2010, chiếm 20,9% tổng chi ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế: Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên đầu tư cho các công trình, dự án lớn, các công trình hoàn thành, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ đưa vào hoạt động; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai một số công trình kết cấu hạ tầng quy mô lớn; chi cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng đầu tư Nhà nước và chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách; chi cho vay theo chính sách xã hội của nhà nước (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện nhà ở, phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động...); đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế xã hội được cấp có thẩm quyền quyết định; tăng chi dự trữ quốc gia để ứng phó kịp thời với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ; tăng chi đầu tư phát triển cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, văn hoá thông tin, nông nghiệp - nông thôn... Việc phân bổ vốn đầu tư cho các địa phương căn cứ theo hệ thống tiêu chí định mức năm 2011, trong đó bố trí tăng chi hợp lý cho các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời đảm bảo nguồn lực hợp lý cho các địa phương trọng điểm kinh tế.

Ngoài ra, theo kế hoạch năm 2011 phát hành 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để tiếp tục thực hiện các dự án giao thông, thuỷ lợi và kiên cố hoá kết hợp chuẩn hóa trường lớp học, thực hiện đầu tư, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện, đa khoa khu vực liên huyện, trạm y tế xã, bệnh viện lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn và xây dựng ký túc xá sinh viên,... Tính cả nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết (khoảng 8.000 tỷ đồng) thì tổng chi đầu tư phát triển năm 2011 chiếm khoảng 26,3% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Chi trả nợ, viện trợ: Bố trí 86.000 tỷ đồng, tăng 22,4% so dự toán năm 2010, chiếm 11,9% tổng chi ngân sách Nhà nước để đảm bảo chi trả các khoản nợ trong và ngoài nước đến hạn.

Chi thường xuyên: 442.100 tỷ đồng, tăng 18,1% so với dự toán năm 2010 (đã tính đủ tiền lương 12 tháng theo mức tiền lương tối thiểu 730.000 đồng/tháng), chiếm 60,9% tổng chi ngân sách Nhà nước; kể cả chi điều chỉnh tiền lương trong năm 2011 thì chiếm 64,6% tổng chi ngân sách Nhà nước để: Tăng chi đảm bảo đủ nguồn thực hiện tiền lương tối thiểu cả năm 2011 theo mức 730.000 đồng/tháng (dự toán năm 2010 bố trí 8 tháng); bố trí tăng chi các sự nghiệp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội: lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề đạt 20% tổng chi ngân sách Nhà nước; lĩnh vực văn hoá thông tin đạt tối thiểu 1,8%; lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt tối thiểu 2%; hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường trên 1%; bố trí tăng chi cho lĩnh vực y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách Nhà nước. Trong từng lĩnh vực, bố trí đảm bảo triển khai các chế độ, chính sách lớn như miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; chi dạy nghề cho lao động nông thôn; chi đảm bảo công tác quy hoạch thực hiện Chương trình nông thôn mới; kinh phí phát sinh do điều chỉnh chuẩn nghèo; chi cho các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; bố trí hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp do Trung ương quản lý nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cấp cơ sở vật chất, đồng thời có yêu cầu các đơn vị có điều kiện phấn đấu tăng thu để tăng chi; tăng chi đảm bảo xã hội để thực hiện Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật,...

Về phân bổ chi tiết chi thường xuyên, dự toán chi năm 2011 phân bổ cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện theo định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2011. Trong đó, đối với chi thường xuyên của ngân sách địa phương ưu tiên bố trí tăng chi cho vùng cao - hải đảo, vùng miền núi - vùng đồng bào dân tộc ở đồng bằng, vùng sâu, đồng thời ưu tiên cho các địa phương trọng điểm kinh tế có thêm nguồn lực tiếp tục phát triển và đảm nhiệm thêm một số nhiệm vụ chi do Trung ương ban hành, các công trình quan trọng trên địa bàn. Đối với chi quản lý hành chính của ngân sách Trung ương, ưu tiên bố trí tăng kinh phí thực hiện lộ trình cải cách tư pháp, các cơ quan có số biên chế thấp, đảm bảo kinh phí tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tăng kinh phí chi thực hiện công tác đối ngoại,...

Trên cơ sở đó, định hướng phân bổ chi thường xuyên theo từng lĩnh vực chủ yếu như sau:

Chi thực hiện cải cách tiền lương: 27.000 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng chi ngân sách Nhà nước để từ 01/5/2011 thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu từ 730.000 đồng/tháng lên mức 830.000 đồng/tháng (tăng 13,7%), lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tốc độ tăng lương tối thiểu; thực hiện chế độ phụ cấp công vụ với mức 10%; thực hiện phụ cấp thâm niên ngành giáo dục theo Nghị quyết của Quốc hội.

Chi trợ giá các mặt hàng chính sách: 1.660 tỷ đồng, tăng 35,6% so dự toán năm 2010. Bố trí đảm bảo kinh phí thực hiện chính sách cấp không thu tiền một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; đảm bảo trợ giá giống gốc, giá báo, tạp chí thường xuyên theo quy định; tài trợ báo, tạp chí, trợ cước vận chuyển ấn phẩm văn hoá, sách báo ra nước ngoài; chi hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn để các đối tượng này chủ động mua sắm nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất và đời sống (đã dự kiến kinh phí hỗ trợ cho số người nghèo tăng thêm do điều chỉnh chuẩn nghèo).

Chi lương hưu và đảm bảo xã hội: 74.500 tỷ đồng, tăng 9,9% so dự toán năm 2010. Bố trí đảm bảo chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho các đối tượng do ngân sách Nhà nước  bảo đảm; chi trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng; chi trợ cấp một lần cho thân nhân người có công với cách mạng đã chết trước 01/01/1995, trợ cấp cho người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước; chi cho công tác tìm kiếm qui tập mộ liệt sỹ; bố trí kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chi phòng chống các tệ nạn xã hội (phòng chống mại dâm, phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới); chi mua bảo hiểm y tế cho thân nhân của cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ phục vụ trong lực lượng vũ trang; chi thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em; tăng chi thực hiện Luật Người cao tuổi và Luật người khuyết tật; chi ngân sách Nhà nước hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thực hiện điều chỉnh chuẩn nghèo và các chính sách an sinh xã hội khác,...

Chi sự nghiệp kinh tế: 42.540 tỷ đồng, tăng 58,3% so dự toán năm 2010. Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đặc thù như thực hiện công tác quy hoạch để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ địa phương giữ đất lúa theo Nghị quyết của Chính phủ; Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu; Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dự kiến tiếp tục thực hiện một số dự án thuộc Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm trong giai đoạn tới; đề án phát triển kinh tế xã hội các huyện nghèo; kinh phí thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện Chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; tăng chi thực hiện công tác quy hoạch; chi thực hiện các nhiệm vụ đột xuất tìm kiếm cứu nạn; đảm bảo an toàn giao thông; tăng chi cho khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; tăng kinh phí thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng; kinh phí thực hiện chương trình giống; tăng ngân sách thực hiện tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch; tăng chi duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng quan trọng: đê điều, cầu cống, công trình thuỷ lợi, giao thông; tăng kinh phí nạo vét các tuyến đường sông, đường biển huyết mạch; bố trí kinh phí chi thực hiện phòng, chống dịch lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm; kinh phí triển khai Đề án điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên bể than đồng bằng sông Hồng; Đề án điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng quặng bauxit, quặng sắt laterit tại miền nam Việt Nam; kinh phí thực hiện kiểm kê rừng toàn quốc. Đối với chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung ưu tiên bố trí tăng kinh phí thực hiện các dự án điều tra thuộc Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển; thực hiện các nhiệm vụ đề án quan trọng về quản lý đất đai; bổ sung kinh phí thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản phục vụ quy hoạch và quản lý ngành, lĩnh vực; chi bảo quản dự trữ.

Chi sự nghiệp bảo vệ môi trường: 7.250 tỷ đồng, tăng 16,4% so dự toán năm 2010, chiếm 1% tổng chi ngân sách Nhà nước để thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và Nghị quyết số 41/NQ-TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; các nhiệm vụ trọng tâm theo quy định của Luật bảo vệ môi trường, các hoạt động bảo vệ môi trường như: Đảm bảo hoạt động của hệ thống quan trắc và phân tích môi trường; kinh phí xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích; thu gom, vận chuyển, xử lý giảm thiểu, tái chế, xử lý, chôn lấp chất thải tồn lưu, kiểm soát các nguồn thải và các điểm ô nhiễm môi trường tồn lưu; thực hiện phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; quản lý khu bảo tồn, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, nhân giống một số loài động vật quý hiếm; xây dựng và duy trì hoạt động hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, hệ thống thông tin cảnh báo môi trường cộng đồng; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường; các hoạt động khác có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo: 110.130 tỷ đồng, tăng 13,9% so dự toán năm 2010. Cùng với chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết, chi đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ và chi cải cách tiền lương (bao gồm cả chi thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với ngành giáo dục theo Nghị quyết của Quốc hội), tổng chi giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 20% tổng chi ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 của Quốc hội và Nghị quyết Hội nghị Trung ương hai (khoá VIII). Tập trung thực hiện các nhiệm vụ lớn: nâng cao chất lượng kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng con em các hộ nghèo, sống thường trú tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn,...; kinh phí thực hiện Dự án dạy nghề cho lao động nông thôn; kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ; dự kiến kinh phí phát sinh do tăng đối tượng ngân sách hỗ trợ khi điều chỉnh chuẩn nghèo mới; phát triển giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn, nâng cao hiệu quả giáo dục tại các trường phổ thông dân tộc nội trú; triển khai dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục; củng cố và mở rộng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và bán trú cấp huyện; tăng cường công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu tạo tiền đề cho công tác bồi dưỡng, phát triển nhân tài; triển khai thực hiện Đề án trường chuyên, trường năng khiếu đáp ứng yêu cầu phát triển mới; đổi mới và thống nhất các trình độ đào tạo, đa dạng hóa các hình thức và phương thức đào tạo trung cấp chuyên nghiệp; tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng, hiệu quả và quy mô của giáo dục đại học theo hướng ưu tiên mở rộng quy mô chương trình định hướng nghề nghiệp - ứng dụng, mở rộng các trường đại học giảng dạy theo chương trình tiên tiến và đào tạo theo tín chỉ, hỗ trợ nhằm khuyến khích sử dụng giáo trình điện tử.

Chi sự nghiệp y tế: 43.200 tỷ đồng, tăng 30,9% so dự toán năm 2010. Cùng với chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi cải cách tiền lương, đảm bảo tổng dự toán chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực y tế tăng cao hơn so với tốc độ tăng chi chung của ngân sách Nhà nước theo đúng Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hoá để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Trong đó, tập trung đảm bảo chi cho công tác khám chữa bệnh, chi phòng chống dịch bệnh, chi vốn đối ứng tiếp nhận các dự án ODA; chi thực hiện Chương trình về y tế liên quan đến phòng chống bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm, HIV/AIDS, vệ sinh an toàn thực phẩm,...; bố trí kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em dưới sáu tuổi phù hợp với lộ trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế; hỗ trợ người cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế và đảm bảo kinh phí thực hiện các chính sách y tế do điều chỉnh chuẩn nghèo; bố trí đủ kinh phí để thực hiện chính sách phụ cấp ưu đãi nghề ngành y tế; kinh phí phát sinh thêm để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho số người nghèo, người cận nghèo tăng thêm do điều chỉnh chuẩn nghèo,...

Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ: 6.430 tỷ đồng, tăng 24,4% so dự toán năm 2010. Cùng với chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi điều chỉnh tiền lương, đảm bảo tổng dự toán chi ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ bằng 2% tổng chi ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương hai (khoá VIII), đảm bảo kinh phí thực hiện các đề tài, dự án của các chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các đề tài, dự án khoa học và công nghệ độc lập cấp nhà nước; nghiên cứu cơ bản; hợp tác theo Nghị định thư được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước; chi phát triển thị trường khoa học và công nghệ; bổ sung vốn cho Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia,...

Chi lĩnh vực văn hoá - thông tin: Cùng với chi xây dựng cơ bản, chi cải cách tiền lương bố trí chi lĩnh vực văn hoá đạt trên 1,8% tổng chi ngân sách Nhà nước theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 (khoá IX). Trong đó:

Chi sự nghiệp văn hoá - thông tin: 4.640 tỷ đồng, tăng 25,3% so dự toán năm 2010 để thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu: kinh phí thực hiện các mục tiêu về Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc, Xây dựng đời sống văn hóa thông tin cơ sở, Bảo tồn phát huy nghệ thuật truyền thống, Hỗ trợ phát triển điện ảnh vùng sâu, vùng xa; Hỗ trợ thành lập Quỹ phát triển Điện ảnh theo Luật Điện ảnh; kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí chất lượng cao; kinh phí thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn hoá nghệ thuật trong thời kỳ mới; cân đối kinh phí thực hiện dịch vụ bưu chính công ích do chuyển đổi phương thức hỗ trợ;...

Chi sự nghiệp phát thanh - truyền hình - thông tấn: 2.410 tỷ đồng, tăng 25,3% so dự toán năm 2010. Đảm bảo hoạt động thường xuyên và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình, đổi mới phương thức sản xuất tin, bài phát trên sóng; đảm bảo kinh phí Nhà nước đặt hàng đối với các nhiệm vụ chính trị về thông tin đối ngoại, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn,…

Chi sự nghiệp thể dục thể thao: 1.760 tỷ đồng, tăng 45,6% so dự toán năm 2010. Tập trung để thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu: Đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên theo định mức chi mới đối với các hoạt động thể thao thành tích cao ở địa phương, hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động thể thao phong trào; đảm bảo kinh phí tiền công, tiền thưởng do sửa đổi chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên; kinh phí đoàn ra tham dự SEA Games 26 và Para Games 6 tại In-đô-nê-xi-a; kinh phí đoàn ra tập huấn, thi đấu ở nước ngoài, tiền thuê chuyên gia; từng bước đổi mới trang thiết bị luyện tập, thi đấu của vận động viên theo chuẩn của khu vực và thế giới;...

Chi quản lý hành chính: 62.060 tỷ đồng, tăng 10,9% so dự toán năm 2010. Đảm bảo đủ kinh phí theo dự kiến định mức phân bổ chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước năm 2011, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ mới phát sinh như kinh phí tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân; tăng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại, kinh phí thực hiện lộ trình cải cách tư pháp, kinh phí tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn; tăng kinh phí đóng niên liễm cho các tổ chức quốc tế…

Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính địa phương: 100 tỷ đồng.

Dự phòng ngân sách Nhà nước: Bố trí 18.400 tỷ đồng, bằng 2,6% tổng chi ngân sách Nhà nước.