Bộ Tài chính đã cắt giảm 1.072 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính

Bùi Dương

Bám sát mục tiêu, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính tại các Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng cường cải cách thể chế

Trong thời gian qua, công tác cải cách thể chế tài chính và những nỗ lực trong triển khai thực hiện với các giải pháp điều hành cụ thể đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ năm 2014 đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 11 luật; 03 nghị quyết là các giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân; Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 05 nghị quyết; Trình Chính phủ ban hành 117 nghị định; Trình Thủ tướng Chính phủ  ban hành 46 quyết định; Ban hành theo thẩm quyền 900 thông tư, thông tư liên tịch.

Những nỗ lực trong cải cách thể chế tài chính nói trên đã tác động mạnh mẽ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cải thiện môi trường kinh doanh; tạo cơ sở pháp lý để cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, hiện đại hoá quản lý, từng bước chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm... tạo điều kiện thuận lợi, cũng như minh bạch thông tin, quy trình, thủ tục triển khai thực hiện.

Điển hình như: Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp; Luật Hải quan; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước... đã tạo những bước đột phá trong cải cách, hiện đại hóa lĩnh vực tài chính trong xu thế hội nhập.

Cải cách hành chính mạnh mẽ

Bộ Tài chính đã bám sát yêu cầu cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, phát huy hiệu quả các nguồn lực của đất nước đáp ứng đòi hỏi thực tiễn. Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo cơ sở pháp lý cho cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đổi mới phương thức quản lý và hiện đại hóa.

Trong giai đoạn từ 2014 đến 31/3/2018, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát cắt giảm, đơn giản hóa 1.072 thủ tục hành chính của ngành Tài chính (thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán và các lĩnh vực tài chính khác).

Đặc biệt trong 2 lĩnh vực quan trọng là thuế và hải quan, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt việc cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo đó, ngành Thuế đã cắt giảm được 244/542 thủ tục hành chính  – đơn giản hóa 834 thủ tục hành chính; ngành Hải quan đã cắt giảm được 84/246 thủ tục hành chính  – đơn giản hóa 479 thủ tục hành chính.

Việc chủ động cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính đã được Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận qua báo cáo ngày 31/10/2017 về công bố xếp hạng Doing Business năm 2018, trong đó môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện mạnh, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế, cải thiện 14 bậc so với năm 2017, trong đó chỉ số nộp thuế đã có sự cải thiện đáng kể với 81 bậc, từ 167 lên vị trí 86/190 nền kinh tế.

Trong năm 2018, việc đưa vào triển khai đồng bộ hóa đơn điện tử; tăng cường hiện đại hóa, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả Hệ thống VNACCS/VCIS, công tác cải cách trong lĩnh vực thuế, hải quan dự báo sẽ còn tiến xa hơn nữa. Điều này sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến môi trường sản xuất, kinh doanh trong nước và góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.