Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu


Bộ Tài chính nhận được văn bản của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối kiến nghị liên quan đến một số vấn đề cơ chế hình thành, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (công văn số 0555/XD-KD ngày 14/4/2010 và công văn số 0936/XD-KD ngày 10/6/2010 của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, công văn số 967/CV-DK-KD ngày 12/4/2010 của Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh, công văn số 855/DKMK-TCKT ngày 10/4/2010 của Công ty Dầu khí Mê Kông). Về vấn đề này, sau khi trao đổi với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cụ thể như sau:

1. Theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (gọi tắt là Nghị định số 84/2009/NĐ-CP) và Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính Hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP (gọi tắt là Thông tư số 234/2009/TT-BTC) thì thương nhân có nghĩa vụ trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) để tham gia bình ổn giá. Khi giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành, đến mức phải sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bình ổn giá theo quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP Bộ Tài chính sẽ có yêu cầu doanh nghiệp sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp phần chênh lệch phát sinh giữa giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành trong thời gian doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá xăng dầu theo chỉ đạo của Liên Bộ Tài chính – Công Thương. Đây không phải là khoản bù lỗ cho kết quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp.

2. Về quy mô Quỹ BOG, cơ chế hình thành Quỹ BOG:

Quỹ BOG là khoản trích bắt buộc bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở, cả khi giá thế giới diễn biến ở mức thấp hoặc mức cao (trừ trường hợp đặc biệt) được quy định tại Điều 26 Nghị định 84/2009/NĐ-CP và được xác định là một khoản chi phí trong cơ cấu giá cơ sở. Quỹ BOG được lập để tại doanh nghiệp, được hạch toán riêng và chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá.

Theo quy định hiện hành, Nhà nước đã quy định: Tổng mức trích lập Quỹ BOG được xác định bằng mức trích theo quy định nhân (x) với sản lượng xăng, dầu thực tế đã tiêu thụ ở thị trường nội địa trong thời gian trích lập Quỹ BOG, nhưng chưa quy định về quy mô Quỹ BOG, việc trích lập, sử dụng Quỹ BOG mới được thực hiện trong thời gian gần đây và cũng mới bắt đầu được sử dụng từ ngày 01/4/2010 đến hết ngày 8/6/2010. Hơn nữa, giá xăng dầu trên thị trường thế giới luôn diễn biến phức tạp, nên Liên Bộ (Tài chính – Công Thương) chưa đủ cơ sở xác định quy mô Quỹ BOG cần thiết để can thiệp thị trường xăng dầu. Vì vậy, sau một thời gian thực hiện, Liên Bộ Tài chính – Công Thương phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối sẽ có tổng kết, đánh giá tình hình trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vấn đề này.

Trước mắt Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện nghiêm túc việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG theo quy định hiện hành (Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và Thông tư số 234/2009/TT-BTC).

3. Để khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiết giảm chi phí thực tế, tính toán và đàm phán để nhập khẩu ở mức giá có lợi nhất (so với giá cơ sở); đồng thời để thuận lợi trong việc quyết toán Quỹ BOG, Bộ Tài chính thống nhất mức sử dụng Quỹ BOG để bù đắp phần chênh lệch cao hơn giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành là mức cố định để áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. 

Tại công văn số 4214/BTC-QLG ngày 7/4/2010 của Bộ Tài chính đã quy định mức sử dụng Quỹ BOG tối đa đối với xăng là 500đồng/lít, dầu hoả, dầu điêzen là 400đồng/lít. Nay được điều chỉnh mức sử dụng Quỹ BOG cụ thể đối với xăng là 500đồng/lít, dầu hoả, dầu điêzen là 400đồng/lít trong thời gian doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá theo quy định.

4. Về kiến nghị xác định tổng mức chi từ Quỹ BOG, sản lượng hàng được sử dụng Quỹ BOG trong thời gian doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ BOG:

Trong thời gian Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện Bình ổn giá, mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá được xác định theo thời điểm như sau:

- Từ ngày 1/4/2010 đến hết ngày 27/5/2010: xăng 500 đồng/lít; điêzen, dầu hoả 400 đồng/lít.

- Từ ngày 28/5/2010 đến 8/6/2010: xăng 200 đồng/lít; điêzen, dầu hoả 400 đồng/lít.

Tổng mức sử dụng Quỹ BOG từ ngày 01/4/2010 đến hết ngày 08/6/2010  (là thời điểm Bộ Tài chính yêu cầu ngừng sử dụng Quỹ BOG) được tính bằng (=) mức sử dụng Quỹ BOG do Bộ Tài chính quy định từng thời kỳ nhân (X) lượng xăng, điêzen, dầu hoả thực tế tiêu thụ trong thời gian nói trên. Đối với lượng xăng, dầu tiêu thụ thực tế của tháng 3/2010 do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá khi giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành (tính từ thời điểm Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối dãn thời gian điều chỉnh giá), sẽ được xem xét xử lý khi quyết toán cuối năm 2010.

5. Về đề nghị sau thời điểm 9/6/2010, các thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán lẻ và thực hiện chế độ báo cáo giá xăng dầu theo quy định tại Điều 27 NĐ 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ:

Để thực hiện thành công Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06/4/2010 của Chính phủ "đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2010..."; đồng thời thực hiện điểm c Mục 1 của Nghị quyết số 18/NQ-CP Chính phủ giao: "Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương rà soát cơ chế kiểm soát giá xăng dầu theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu để bảo đảm hoạt động kinh doanh xăng dầu hoạt động theo nguyên tắc thị trường, rà soát lại chi phí kinh doanh, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ thuế, phí và Quỹ bình ổn giá xăng dầu không để giá xăng tăng liên tục trong thời gian ngắn, gây tác động bất lợi đến sản xuất và tâm lý người tiêu dùng",  Bộ Tài chính đề nghị:

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động điều hành giá bán xăng dầu theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ. Riêng trường hợp khi giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành trong phạm vi thuộc quyền điều chỉnh giá của doanh nghiệp, thương nhân đầu mối phải thực hiện dãn thời gian điều chỉnh giá xăng, dầu giữa 2 lần điều chỉnh tăng giá liền nhau tối thiểu là 30 ngày dương lịch. Khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, thương nhân đầu mối phải đồng thời gửi quyết định giá và phương án giá của mình đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cơ quan có thẩm quyền thực hiện giám sát việc điều chỉnh giá của thương nhân theo quy định của pháp luật.

BỘ TÀI CHÍNH

(Nguồn: Công văn Số 8984 /BTC-QLG hướng dẫn một số nội dung về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu)