Bộ Tài chính “thúc” giải ngân nguồn vốn ODA năm 2019
Nguồn vốn ODA vẫn luôn là nguồn tài chính ưu đãi hơn về lãi suất, phí vay và thời hạn trả nợ so với nguồn tài chính tư nhân thông thường. Do vậy, đây vẫn là nguồn lực quan trọng để Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Thời gian qua, việc chậm trễ tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA niên độ 2019 là mối quan tâm lớn của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chủ quản, chủ dự án cũng như của các nhà tài trợ.
Hoàn thiện thể chế “thúc đẩy” giải ngân vốn ODA
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tình hình giải ngân vốn ODA từ năm 2016 đều không đạt dự toán. Trong đó, riêng năm 2019 dự toán Quốc hội giao 60.000 tỷ đồng, trong đó đã giao 47.000 tỷ đồng; giải ngân 5 tháng mới đạt trên 1.000 tỷ đồng, bằng 5,6% kế hoạch Thủ tướng giao. Đến hết tháng 5/2019, công tác giải ngân chưa đảm bảo giải ngân theo kế hoạch… Trước tình hình đó Bộ Tài chính đề xuất triển khai nhiều giải pháp cụ thể.
Theo Bộ Tài chính, vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi, do đó Bộ đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng Nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi theo hướng thông thoáng hơn; đơn giản hóa quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm; đơn giản hóa cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với bộ, ngành và địa phương rà soát tổng thể việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đến 2020 để kịp thời điều chỉnh và phân bổ vốn cho các dự án đang thiếu vốn nhằm đảm bảo hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của Chính phủ cho 6 tháng cuối năm 2019.
Khuyến nghị giải pháp giải ngân vốn ODA cho từng lĩnh vực
Nhằm thúc đấy giải ngân nguồn vốn ODA trong thời gian còn lại của năm 2019, Bộ Tài chính đã có những khuyến nghị cho từng lĩnh vực cụ thể.
Thứ nhất, đối với việc giao kế hoạch vốn, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc giao đủ kế hoạch 60.000 tỷ đồng vốn nước ngoài năm 2019 đã được Quốc hội phê duyệt ngay trong tháng 7/2019.
Căn cứ vào đó, các Bộ chủ quản, cơ quan tài chính các cấp hoàn thành việc giao, nhập và phê duyệt trên TABMIS ngay trong tháng 8/2019 để các dự án có cơ sở giải ngân hết kế hoạch vốn trong thời gian còn lại.
Đối với các dự án không thể giải ngân trong năm 2019, đề nghị các bộ, ngành và địa phương chủ động đưa vào kế hoạch năm 2020.
Thứ hai, về điều chỉnh kế hoạch vốn, nhằm giúp các dự án có thể nhanh chóng triển khai theo đúng tiến độ trong khi cơ chế điều chỉnh kế hoạch vốn chưa được sửa đổi, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc rà soát và báo cáo ngay các cấp có thẩm quyền để thực hiện việc điều chuyển các nguồn vốn giữa các dự án cho phù hợp với nhu cầu giải ngân thực tế; Đặc biệt là đối với các dự án điều chuyển, điều chỉnh nội bộ trong kế hoạch của các bộ, ngành địa phương đã được bố trí nhưng không vượt kế hoạch.
Thứ ba, đối với cơ quan chủ quản, chủ dự án, trong khâu thực thi, cơ quan chủ quản chủ động cùng các cơ quan hữu quan giải quyết các vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thuế, giải phóng mặt bằng; đôn đốc các chủ dự án khẩn trương hoàn hiện hồ sơ để ký kết hợp đồng cho vay lại; khi có khối lượng hoàn thành thì làm ngay thủ tục kiểm soát chi, gửi đơn rút vốn để Bộ Tài chính gửi nhà tài trợ. Theo dõi sát tiến độ từng dự án để kịp thời có đề xuất điều chuyển, điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp.
Các dự án có thay đổi về chủ trương đầu tư cần làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ít nhất 6 tháng trước ngày kết thúc dự án; đối với đề nghị gia hạn rút vốn tại Hiệp định vay nước ngoài, cơ quan chủ quản cần gửi Bộ Tài chính ít nhất trước 3 tháng để thực hiện đàm phán với nhà tài trợ và báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.
Thứ tư, đối với cơ quan cho vay lại, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Việt Nam phối hợp với các cơ quan chủ quản và chủ dự án tháo gỡ các vướng mắc về thẩm định cho vay lại, thẩm định tài sản đảm bảo, ký hợp đồng cho vay lại...
Đối với vướng mắc của các dự án cho vay lại qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất tổ chức các buổi làm việc với các bên có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc cụ thể của từng dự án.
Thứ năm, thực hiện đánh giá 1 năm triển khai Luật Quản lý nợ công, Bộ Tài chính sẽ đồng thời rà soát và đánh giá lại các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công trong đó có Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Ban hành và tổ chức phổ biến thông tư thay thế Thông tư số 111/2016/TT-BTC về hướng dẫn quản lý tài chính đối với chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Về Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển không vay cho chi thường xuyên, Bộ Tài chính sẽ tổ chức triển khai ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Kho bạc Nhà nước nhanh chóng triển khai Nghị định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước ngay sau khi Chính phủ ký ban hành.
Tiếp tục rà soát quy trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn quy định; không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục kiểm soát chi trong 04 ngày kể từ khi có khối lượng hoàn thành, không để tồn đọng đến cuối năm.