Bộ Tài chính thực hiện giải pháp bình ổn thị trường: Linh hoạt và quyết liệt

Hữu Tâm (Lược ghi)

TCTC Online - Trong khi nghị trường Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XII được “hâm nóng” bằng hàng loạt vấn đề lớn thì câu chuyện giá cả, lạm phát gia tăng cũng đang “nóng bỏng” trong dư luận cả nước. Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh những lo ngại giá cả bùng phát cuối năm và các giải pháp bình ổn...

PV: Giá cả thị trường những tháng cuối năm đang có xu hướng tăng lên, những biện pháp bình ổn giá cả mà Bộ Tài chính đang triển khai là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Trước thực trạng giá cả tiêu dùng tăng đột biến trong hai tháng qua, mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 1875/CT-TTg về tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả thị trường những tháng cuối năm 2010. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, theo chức năng được giao phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, áp dụng các biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường; thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung, tuân thủ các quy định về giá... Bên cạnh đó, các cơ quan, bộ, ngành liên quan phải báo cáo việc hình thành giá như thế nào, nếu tăng giá vô căn cứ thì phải xử lý nghiêm. Biện pháp này sẽ làm mạnh và cương quyết. Đặc biệt, đối với khu vực chịu lũ lụt ở miền Trung phải đảm bảo đủ nguồn hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ Tài chính đang triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp bình ổn giá cả thị trường. Cụ thể như: Căn cứ quy định pháp luật hiện hành về thuế, kiểm soát siêu lợi nhuận, chống liên kết độc quyền nâng giá và đầu cơ trái pháp luật, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo quy định hiện hành, nhất là các mặt hàng như: thuốc sữa bệnh, sản phẩm sữa, thép xây dựng và vật liệu xây dựng, khí ga... Mặt khác, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ và thực hiện nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy định giá, liên kết định giá thu lợi bất hợp lý. Đồng thời, điều hành giữ ổn định giá điện, giá bán than cho sản xuất điện, xi măng, phân bón, giấy theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 18/NQ-CP; sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu. Kiểm soát chặt chẽ các phương án giá và mức giá đối với hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa dịch vụ nhà nước đặt hàng, mua sắm bằng nguồn NSNN được trợ giá, trợ cước, hàng hóa, dịch vụ công ích. Cùng với đó, tăng cường quản lý hoạt động thu, chi ngân sách; hiệu quả sử dụng vốn NSNN; giám sát việc tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, chế độ định mức chi tiêu của các tổ chức, đơn vị sử dụng NSNN. Tăng cường các biện pháp chống thất thu ngân sách và gian lận thuế, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý chi ngân sách. Bảo đảm đủ kinh phí cho nhiệm vụ chi phục vụ an sinh xã hội; ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực. 

PV: Thưa Bộ trưởng, trong bình ổn thị trường việc cân đối đảm bảo cung cầu hàng hóa ổn định là điều quan trọng nhất, Bộ Tài chính đã tập trung vào vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phối hợp thực hiện kiểm tra, kiểm soát, thậm chí phải thanh tra về giá cả, về biện pháp đăng ký giá; niêm yết giá theo đúng quy định. Trong quy định đã nêu rõ: Những mặt hàng nào phải đăng ký giá thì phải báo cáo hình thành giá như thế nào; nếu tăng giá vô căn cứ phải xử lý. Tuy nhiên trong giá tăng thì cần phải xem cơ cấu tăng do đâu? Cụ thể như, trong lĩnh vực lương thực thực phẩm: Do giá lương thực phẩm chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá nên có thời điểm điều chỉnh giá lương thực sẽ tác động lên mặt bằng chung. Trong lĩnh vực này ta phải nhìn nhận trên các phương diện thuận lợi và bất cập để giải quyết hài hóa các vần đề liên quan. Chẳng hạn giá lương thực thấp sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của nông dân; nếu giá cao quá thì người nông dân có lợi nhưng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô và đời sống người dân nói chung. 

PV: Trong khi giá cả tăng có thể tiếp tục kéo dài đến Tết Nguyên đán thì Chính phủ đã có chủ trương thực hiện cơ chế thị trường đối với điện, than trong năm tới, liệu điều đó có phù hợp, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Vấn đề này đang cần có lộ trình, chọn thời điểm phù hợp. Chúng tôi đang nghiên cứu vì không thể kéo dài giá điện, giá than kiểu bao cấp như hiện nay. Điển hình như giá điện, để không thua lỗ mãi, chúng ta phải có lộ trình để tăng giá nhưng cố gắng ở mức ảnh hưởng thấp nhất đến đời sống người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ đã trình Trung ương để việc điều chỉnh không ảnh hưởng đến người có mức thu nhập thấp. Ví dụ, phương án điều chỉnh sẽ không điều chỉnh những số điện đầu tiên, còn cụ thể thế nào còn phải tính toán. Trước đó, nhà nước hỗ trợ cho dân vùng cao qua đơn vị cung cấp điện, nay không áp dụng cách này mà hỗ trợ trực tiếp cho người dân và người dân tiết kiệm thì chi phí sẽ ít hơn. 

PV: Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân gây bất ổn trên thị trường tài chính tiền tệ, lạm phát tăng cao do chính sách tài khóa, tiền tệ chưa ăn khớp, chẳng hạn đầu tư công quá lớn? 

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Nói thế là không chính xác. Bởi trong 2 năm 2008 và 2009 kinh tế đất nước khó khăn gặp rất nhiều khó khăn do tác động xấu từ khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu nên Chính phủ trình Quốc hội cho nới lỏng cả chính sách tiền tệ và tài khóa. Nhưng sau đó, khủng hoảng qua đi sẽ phải dần dần về quỹ đạo chung. Ngay cả phát hành trái phiếu cũng phối hợp giữa tài chính và ngân hàng làm sao kéo lãi suất xuống. Nếu các bạn để ý sẽ thấy, từ đầu năm tới giờ, mỗi lần phát hành trái phiếu thì lãi suất đều giảm.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!