Bộ Tài chính trả lời vướng mắc của cử tri về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm

PV.

Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV, cử tri tỉnh Điện Biên đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi Thông tư số 57/2014/TT-BTC ngày 06/5/2014 về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Nguồn: Internet
Chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Nguồn: Internet

Theo cử tri tỉnh Điện Biên, tại Khoản 1, Điều 1 Thông tư số 57/2014/TT-BTC quy định chỉ cán bộ, công chức là người miền xuôi công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,5 trở lên hoặc ngược lại ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,5 trở lên công tác ở miền xuôi mới được thanh toán tiền nghỉ phép.

Quy định này dẫn đến nhiều cán bộ, công chức dù nơi làm việc cách gia đình, quê quán vài chục km đến vài nghìn km không được thanh toán tiền phép (vì nơi làm việc và gia đình, quê quán có cùng hệ số phụ cấp khu vực). Mặt khác, hiện nay chưa có quy định thế nào là “người miền xuôi” dẫn đến cách hiểu không thống nhất, khó khăn trong việc xác định đối tượng thụ hưởng.

Trả lời vướng mắc trên của cử tri tỉnh Điện Biên, Bộ Tài chính cho biết, ngày 20/10/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 141/2011/TT-BTC quy định chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức lao động hợp đồng của các cơ quan, đơn vị làm việc ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có tiền về phép thăm cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, vợ, chồng, con. Đồng thời, ngày 06/5/2014 Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 57/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 141/2011/TT-BTC.

Bộ Tài chính cho biết, sau một thời gian thực hiện 02 Thông tư trên đã phát sinh một số vướng mắc chủ yếu về đối tượng được thanh toán tiền tàu xe đi nghỉ phép theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012

Cụ thể, tại Điều 113 Bộ luật Lao động quy định: “Tạm ứng tiền lương, tiền tàu xe đi đường ngày nghỉ hàng năm với trường hợpkhi nghỉ hàng năm, người lao động được tạm ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ; Tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường do hai bên thỏa thuận. Đối với người lao động miền xuôi làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và người lao động ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm việc ở miền xuôi thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường”.

Tại khoản 1, Điều 1 Thông tư số 57/2014/TT-BTC quy định về đối tượng áp dụng như sau: Cán bộ, công chức là người miền xuôi công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ, Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc) và người ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên làm việc ở miền xuôi có đủ điều kiện được nghỉ phép hàng năm theo Bộ luật Lao động quy định, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị đồng ý cấp giấy cho đi nghỉ phép năm về thăm gia đình, cha mẹ, vợ hoặc chồng, con hoặc thăm quê quán”. 

Hiện nay, trong Bộ luật Lao động cũng như các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa quy định thế nào là “người miền xuôi” và “người làm việc ở miền xuôi” dẫn đến vướng mắc trong cách xác định đối tượng áp dụng thế nào là “người miền xuôi” và “người làm việc ở miền xuôi” để làm căn cứ thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền phụ cấp đi đường khi nghỉ phép hàng năm. Vướng mắc trong quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính xuất phát từ quy định trong Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13.

Để giải quyết những vướng mắc trên, trong năm 2015, Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư thay thế 02 Thông tư nêu trên và đã có Công văn số 16452/BTC-HCSN ngày 06/11/2015 gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì nghiên cứu, soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành Bộ luật Lao động để có ý kiến về vấn đề trên. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13 chưa được sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, Bộ Tài chính chưa có cơ sở để ban hành Thông tư thay thế 02 Thông tư trên.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định trên trong Bộ Luật Lao động. Khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn Luật được ban hành, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư số 57/2014/TT-BTC cho phù hợp.