Bộ Tài chính trình 31 nghị định, chiếm gần 20% tổng số nghị định Chính phủ ban hành

PV.

Thành công trong điều hành tài chính, ngân sách năm 2018 là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng nỗ lực, chủ động, sáng tạo của toàn ngành Tài chính. Trong đó, công tác hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về tài chính-ngân sách nhà nước (NSNN) luôn được Bộ Tài chính đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là công tác đánh giá những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách để kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện, ban hành.

Hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về tài chính - NSNN

Điểm nhấn trong kết quả công tác của Bộ Tài chính trong năm 2018 là công tác xây dựng thể chế, đặc biệt trong công tác sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách, chế độ về tài chính - NSNN. Năm 2018, Bộ Tài chính được giao xây dựng 02 luật, 53 đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trong đó có 13 đề án được giao bổ sung).

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2018, Bộ đã trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi); Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành 02 nghị quyết; Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 48 đề án, bao gồm: 01 nghị quyết, 25 nghị định, 10 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 12 đề án khác; Ban hành 130 thông tư.

Mặc dù khối lượng văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng là khá lớn, Bộ Tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong tổng số 163 nghị định Chính phủ đã ban hành trong năm 2018, có 31 nghị định Bộ Tài chính đã trình, chiếm gần 20%, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ và chất lượng.

Trong đó, Bộ cũng đã tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong công tác xây dựng thể chế năm 2018 là đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành đồng bộ, đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Quản lý nợ công.

Trong triển khai thực hiện, Bộ Tài chính đã đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản, chính sách, chế độ mới; Tăng cường đối thoại, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và người dân, nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Cho đến nay, việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách, chế độ về tài chính - NSNN đã đáp ứng được yêu cầu là phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - NSNN, tăng cường quản lý thu, chi NSNN chặt chẽ, quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, riêng đối với sản xuất nông nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 03 nghị định hướng dẫn về: Bảo hiểm nông nghiệp; Quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; Quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát các chính sách thuế, phí, lệ phí đối với lĩnh vực nông nghiệp theo hướng áp dụng các mức ưu đãi cao nhất, giảm tối đa việc huy động từ lĩnh vực này nhằm tháo gỡ khó khăn, khuyến khích đầu tư để ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đối với ngành công nghiệp sản xuất ô tô, trong bối cảnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA đối với xe ô tô nguyên chiếc các loại giảm xuống 0% từ ngày 01/01/2018, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nghị định về Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô; Đồng thời, tiếp tục áp dụng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở trong nước...

Vấn đề trọng tâm đặt ra cho năm 2019

Tại Hội nghị Tổng kết ngành tài chính năm 2018, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2019 tổ chức chiều ngày 9/1/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, bên cạnh những thuận lợi, thách thức đặt ra trong năm 2019 đối với ngành Tài chính là rất lớn. Do đó, toàn ngành Tài chính phải nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN đã đề ra.

Theo đó, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá; Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm...

Nhóm các giải pháp tiếp theo được Bộ Tài chính ưu tiên trong năm 2019 đó là: Tập trung hoàn thiện thể chế; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ; Chủ động hội nhập tài chính quốc tế, tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết...

Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý; Mở rộng phạm vi hoàn thuế điện tử; Mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử, cơ bản hoàn thành trong năm 2019 ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn. Triển khai có hiệu quả hệ thống hải quan điện tử; Đẩy mạnh phối hợp thu qua hệ thống ngân hàng. Rà soát, lựa chọn các thủ tục hành chính đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật để tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.