Bộ Tài chính ứng dụng hiệu quả nhiều công nghệ “lõi” của Cách mạng công nghiệp 4.0

PV.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động, kịp thời ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Trong đó, Bộ đã và đang nghiên cứu ứng dụng nhiều công nghệ mới là công nghệ “lõi” của CMCN 4.0 trong hoạt động quản lý nhà nước về tài chính – ngân sách.

Bộ Tài chính đã chủ động, kịp thời ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nguồn: internet
Bộ Tài chính đã chủ động, kịp thời ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nguồn: internet

Tại Hội thảo Vietnam Finance 2018 do Bộ Tài chính và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế Việt Nam tổ chức ngày 27/9/2018, ông Đặng Đức Mai – Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã, đang nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới là công nghệ “lõi” của CMCN 4.0 và đã mang lại những kết quả bước đầu.

Một trong những công nghệ lõi của CMCN 4.0 là công nghệ di động (Mobility) đã được Bộ Tài chính ứng dụng trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống Cổng Thông tin điện tử toàn Ngành; Một số ứng dụng nghiệp vụ/ứng dụng chỉ đạo điều hành tại đơn vị như: Các ứng dụng về quản lý văn phòng điện tử TaxOffice, ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế, hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, Hệ thống thông tin chỉ đạo và điều hành phục vụ Lãnh đạo...  

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chú trọng triển khai ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Analytics) bằng việc triển khai xây dựng một số kho cơ sở dữ liệu (Dataware house) để lưu trữ dữ liệu cần thiết phục vụ công tác quản lý, điều hành của Ngành như cơ sở dữ liệu người nộp thuế, cơ sở dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước...

Theo ông Đặng Đức Mai, cùng với công nghệ Mobility và Analytics, ngành Tài chính đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ điện toán đám mây (Cloud) thông qua việc áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ trong hệ thống công nghệ thông tin ngành Tài chính từ năm 2007. Dự kiến đến năm 2020, trung bình số lượng máy chủ ảo hóa trong toàn ngành Tài chính sẽ đạt trên 80% số lượng máy chủ.

Nhờ ứng dụng các công nghệ “lõi” của CMCN 4.0, Bộ Tài chính đã triển khai hiệu quả một số hệ thống thông tin tài chính quy mô lớn, đóng vai trò nền tảng trong hoạt động tài chính ngân sách như: Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS), Hệ thống VNACCS/VCIS, các hệ thống thông tin về quản lý công sản…

Đến nay, ngành Tài chính đã triển khai ứng dụng khai thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố, đạt 99,93% tổng số doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử đã đạt 97,9%; Hơn 99,65% doanh nghiệp than gia thủ tục hải quan điện tử tại 100% các đơn vị hải quan; Vận hành thành công hệ thống TABMIS; Cung cấp 961 thủ tục dịch vụ công trực tuyến, trong đó 167 thủ tục hành chính đã được cung cấp thành Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 271 thủ tục mức độ 4…

Việc cải cách, hiện đại hóa đã giúp cắt giảm số giờ làm thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhờ đó, Bộ Tài chính luôn đứng đầu về xếp hạng Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin hạng (ICT Index) trong khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong 6 năm liên tiếp (2013-2018).