Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Đã kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công

PV.

Tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2018 và đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020 chiều ngày 23/10/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, đã kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công.

Bộ trưởng Bộ Tài chín Đinh Tiến Dũng khẳng định, đã kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công. Nguồn: QH
Bộ trưởng Bộ Tài chín Đinh Tiến Dũng khẳng định, đã kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công. Nguồn: QH

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, cả về số tuyệt đối và số tương đối về nợ công đều giảm thấp hơn dự toán. Đây là thành công lớn trong điều hành thời gian qua.

Theo đó, ngành Tài chính đã kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công. Nợ công năm 2016 là 63,7%, đến 2017 và 2018 giảm còn 61,3% - 61,4% và năm 2020 còn 60,6 - 60,8%.

Không những thế, các vấn đề căn cơ về cơ cấu và kỳ hạn nợ công đến nay đã được giải quyết. Nếu như giai đoạn 2011-2012 vay trong nước của trái phiếu chính phủ là 40%, vay nước ngoài là 60%, thì đến nay, tỷ lệ này đã đảo ngược, vay trong nước là 60% và vay nước ngoài 40%, đảm bảo tránh rủi ro về nợ công và đặc biệt là rủi ro về tỷ giá.

“Kỳ hạn vay trong nước được kéo dài, chúng tôi quán triệt nghiêm túc nghị quyết của Quốc hội, vay trong nước phải từ 5 năm trở lên. Từ năm 2016 đến nay, 100% các khoản vay trên 5 năm, tận dụng được thị trường nên kỳ hạn vay trước kia là 2,98 năm; Đến nay, vay bình quân 13 đến 14 năm.” – Bộ trưởng cho biết.

Cùng với đó, lãi suất vay cũng thấp hơn giai đoạn trước. Nếu năm 2011-2012, lãi suất vay 12-13%/năm và kỳ hạn 2-3 năm đối với trái phiếu chính phủ, thì hiện nay lãi suất vay bình quân khoảng 6%. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2018, vay 5 năm lãi suất chỉ có 3%, 10 năm chưa đến 4%. Theo Bộ trưởng, lãi suất vay đã được cải thiện và rẻ hơn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế.

Đánh giá cao về những nỗ lực của Bộ Tài chính trong kiểm soát nợ công, đại biểu Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nợ công thời gian qua không những được kéo giảm mà cơ cấu nợ cũng lành mạnh hơn rất nhiều. Kỳ hạn nợ được kéo dài bình quân gấp đôi so với trước; Lãi suất vay cũng được cơ cấu giảm dần, làm tăng hiệu quả vốn vay.