Bộ trưởng Vũ Văn Ninh tiếp các đại sứ mới được bổ nhiệm chuẩn bị đi công tác

Bài và ảnh: Phùng Tuấn

TCTC Online - Chiều ngày 9/3/2011, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã có buổi tiếp và làm việc với 33 vị đại sứ mới được bổ nhiệm (nhiệm kỳ 2010-2013) chuẩn bị nhận nhiệm vụ công tác. Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã thông báo sơ lược về tình hình tài chính - ngân sách nhà nước thực hiện trong năm 2010 và dự toán ngân sách nhà nước trong năm 2011. Thay mặt đoàn đại sứ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường đánh giá những thông tin về tình hình tài chính – ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cung cấp là hết sức bổ ích và cần thiết, phục vụ đắc lực cho công tác ngoại giao kinh tế khi các đại sứ làm nhiệm vụ ở nước ngoài.

Thay mặt ngành Tài chính, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã đánh giá lại tình hình tài chính – ngân sách nhà nước thực hiện trong năm 2010 và dự toán ngân sách nhà nước trong năm 2011. Theo đó, năm 2010, thu ngân sách đạt 426.500 tỷ đồng, vượt 8,6% so với dự toán; chi ngân sách 582.200 tỷ đồng, tăng 10,3% so với dự toán. Bội chi ngân sách cả năm 2010 là 119.700 tỷ đồng, giảm 0,4% GDP. Bước sang năm 2011, dù nền kinh tế trong nước và bối cảnh quốc tế có nhiều khó khăn phức tạp hơn, song dự toán thu ngân sách vẫn quyết tâm đạt 605.000 tỷ đồng, tăng 30,8% so với năm 2010; chi ngân sách 725.600 tỷ đồng, tăng 24,6%...

Chia sẻ thêm về kế hoạch tài chính – ngân sách giai đoạn 2011-2015 nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác ngoại giao kinh tế của các vị đại sứ khi làm nhiệm vụ, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: Trong giai đoạn 2011-2015, dự kiến huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 40% GDP từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước, từ nguồn vốn ODA và nhiều nguồn khác. Đối với thu ngân sách, với định hướng giảm động viên, tăng tích tụ cho doanh nghiệp, dự kiến xác định mục tiêu huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước giai đoạn này là 22-23%. Chi ngân sách nhà nước đạt khoảng 27-28% GDP, trong đó chi cho đầu tư phát triển là 20-21%. Đặc biệt, sẽ quyết tâm giảm dần bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2011-2015 dưới mức 5% theo đúng kế hoạch Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra. Dự nợ quốc gia, nợ Chính phủ không vượt quá 50% GDP. Mức phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ đạt khoảng 200-250 nghìn tỷ đồng…

Trong tình hình hiện nay, để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 về 6 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó nhiệm vụ của Bộ Tài chính là chủ đạo, cụ thể là: Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; Thúc đấy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; Điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội…

Trong thời gian tới, các dự án hợp tác của Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực cải cách chủ yếu như: Quản lý chi ngân sách; Quản lý Thu ngân sách (Thuế và Hải quan); Quản lý nợ (bao gồm nợ trong nước và nợ nước ngoài); Quản lý và giám sát thị trường tài chính và phát triển thị trường trái phiếu; Quản lý tài chính doanh nghiệp; Quản lý tài sản công và Quản lý Giá.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng bày tỏ mong muốn các đại sứ với nhiệm vụ của mình sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thiện một số vấn đề như: phối hợp trong công tác tuyên truyền về tình hình quản lý tài chính - ngân sách ở Việt Nam, giải thích các chính sách quản lý kinh tế - xã hội trong nước cho bè bạn quốc tế; phối hợp trong công tác hội nhập quốc tế, cung cấp thông tin, tìm hiểu xác nhận thông tin khi có yêu cầu cụ thể về các vấn đề trong các lĩnh vực tài chính, thông tin về giá đối với hàng hoá dịch vụ theo định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý để hoàn thiện ngân hàng dữ liệu về hàng hoá dịch vụ trên trường quốc tế…

Đặc biệt, thời gian tới đây, Bộ Tài chính chủ trương tiếp tục hoàn thiện thêm một bước hệ thống pháp luật tài chính tập trung vào các lĩnh vực thuế, thị trường tài chính, quản lý tài chính - ngân sách, kế toán - kiểm toán; quản lý giá. Do đó, trong quá trình hoàn thiện, Bộ Tài chính đề nghị các đại sứ quan tâm hỗ trợ trong quá trình này và mong nhận được phản hồi của các doanh nghiệp, cơ quan nước sở tại về chính sách tài chính của Việt Nam, cập nhật kinh nghiệm quốc tế để Bộ Tài chính hoàn thiện kịp thời nhằm tạo ra môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi…

Thay mặt đoàn đại sứ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường cảm ơn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã dành thời gian tiếp đoàn và cung cấp những thông tin bổ ích về tình hình kinh tế của đất nước hiện nay. Đồng thời cam kết sẽ luôn sẵn sàng hợp tác và nghiêm túc thực hiện cung cấp những thông tin cần thiết phục vụ phát triển kinh tế đất nước khi được Bộ Tài chính yêu cầu. Cũng tại buổi tiếp một số vị đại sứ đã có ý kiến về vấn đề về cơ chế, chính sách đối với những cơ quan, đơn vị có người đi làm nhiệm vụ tại các nước bạn và mong muốn Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm và giải quyết vấn đề này trong thời gian tới. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các vị đại sứ và khẳng định: “Với chức năng của mình, Bộ Tài chính sẽ cùng phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan, đơn vị liên quan sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chế độ tài chính đối với các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài...”.

Kết thúc buổi tiếp, thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh chúc các vị đại sứ sẽ nỗ lực làm việc nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác với các nước bạn và thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả mà Đảng và Nhà nước giao phó.