Các chỉ tiêu về nợ công đã được kiểm soát ở mức rất thấp
Công tác quản lý nợ công thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, các chỉ tiêu về nợ công đã được kiểm soát ở mức thấp hơn nhiều so với mức trần Quốc hội cho phép.
Nỗ lực của cơ quan quản lý
Với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, Bộ Tài chính đã quản lý nợ công bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN).
Một trong những điểm nhấn trong công tác quản lý nợ công là việc nỗ lực đảm bảo Luật Quản lý nợ công được thực hiện đúng thời hạn hiệu lực. Theo đó, Bộ Tài chính đã kịp thời soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành toàn bộ các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và các Thông tư hướng dẫn đúng thời hạn hiệu lực của Luật. Kết quả, Luật Quản lý nợ công là Luật duy nhất mà các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành, đồng thời với thời điểm hiệu lực của Luật.
Ngay sau khi Luật và các văn bản có hiệu lực, Bộ Tài chính đã khẩn trương triển khai công tác phổ biến tuyên truyền quy định của Luật, hướng dẫn của các Nghị định thông qua các hình thức hội thảo phổ biến với các cơ quan trong nước, các tổ chức, nhà tài trợ nước ngoài… nhằm đưa Luật Quản lý nợ công kịp thời đi vào cuộc sống.
Trong công tác huy động vốn vay của Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai theo đúng Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch trung hạn và hàng năm. Thực hiện điểu chỉnh cơ cấu và khối lượng vay phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn cũng như điều kiện thị trường.
Trong năm 2018, trên cơ sở tình hình thu, chi NSNN, tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ đã chủ động giảm khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong bối cảnh thị trường tiền tệ, ngoại hối có nhiều biến động để ổn định lãi suất, tiết kiệm chi phí trả lãi cho NSNN, đồng thời điều chỉnh kế hoạch huy động để phù hợp với tiến độ giải ngân, đảm bảo quản lý sử dụng vốn hiệu quả.
Để tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ TPCP, cơ quan quản lý đã từng bước đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành TPCP, tập trung phát hành kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên (chiếm trên 90% tổng khối lượng huy động năm 2018, tăng mạnh so với mức 70,5% năm 2017).
Đối với vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, định kỳ công khai đầy đủ và kịp thời các thông tin về khung điều kiện vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ, khả năng điều kiện cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi, khả năng vay nợ của chính quyền địa phương... làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương, chủ dự án và các doanh nghiệp đề xuất dự án mới.
Kiểm soát các chỉ tiêu nợ ở mức rất thấp
Nhờ những nỗ lực của cơ quan quản lý, trong năm 2018, các chỉ tiêu nợ công đã được kiểm soát chặt chẽ và thấp hơn nhiều mức trần được Quốc hội cho phép và mức dự kiến của Chính phủ.
Cụ thể, nợ công năm 2018 được kiểm soát ở mức 58,4%/GDP, thấp hơn nhiều mức Quốc hội cho phép (65%/GDP); nợ Chính phủ ở mức 50,0%/GDP, thấp hơn mức 54%/GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2018 là 15,9%/thu ngân sách, thấp hơn mức cho phép 25%/thu NSNN; nợ nước ngoài quốc gia là 46%/GDP, thấp hơn mức 50%/GDP được Quốc hội cho phép.
Cùng với đó, kỳ hạn phát hành TPCP bình quân được duy trì ở mức cao là 12,7 năm, theo đúng chủ trương cơ cấu lại nợ công theo hướng giảm vay nước ngoài, phát triển thị trường vốn trong nước, tăng dần các khoản vay dài hạn…
Như vậy, 2018 là năm có chỉ tiêu nợ công ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Các chỉ tiêu nợ được kiểm soát chặt chẽ đã góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.