Cải cách chính sách thuế góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1+2 – Tháng 01/2020

Đi liền với quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, hệ thống chính sách thu ngân sách nhà nước, trong đó có chính sách thuế giữ vai trò chủ đạo, đã được cải cách hoàn thiện để phù hợp với thể chế kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

Cải cách chính sách thuế góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Cải cách chính sách thuế góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Trong xu thế vận động mới của thế giới, cùng với những thách thức nội tại, yêu cầu đặt ra cho Việt Nam là phải thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế cho phù hợp. Theo đó, cũng đòi hỏi hệ thống chính sách thuế phải được tiếp tục hoàn thiện để vừa tạo động lực thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, vừa phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.

Kết quả cải cách chính sách thuế nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011 - 2018

Trong giai đoạn 2011 - 2010, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mang nặng tính chất của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, động lực tăng trưởng phụ thuộc vào gia tăng vốn đầu tư, gia tăng số lượng lao động và định hướng phát triển sản xuất theo hướng xuất khẩu. Từ cuối năm 2008, sự suy thoái và khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm đảo lộn và ảnh hưởng đến các nước, rõ nhất là hệ thống tài chính, ngân hàng. Hoạt động sản xuất phục vụ cho lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, bởi sự suy yếu từ các thị trường lớn là những thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản…

Cải cách chính sách thuế góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế  - Ảnh 1

Giai đoạn này, Việt Nam nằm trong vòng xoáy tăng trưởng chậm khi các thị trường xuất khẩu lớn bị ảnh hưởng; lạm phát tăng cao, vốn đầu tư toàn xã hội bị thu hẹp; sản xuất công nghiệp đình đốn, tồn kho lớn; sức mua suy yếu, tiêu thụ hàng hóa khó khăn; số doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể ngày càng lớn; khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong những năm kinh tế thế giới biến động giảm sút rõ rệt (từ gần 72 tỷ USD năm 2008, xuống còn gần 20 tỷ USD năm 2010). Vào thời điểm này, các tồn tại, hạn chế của mô hình tăng trưởng cũ đã bộc lộ. Để vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục tăng trưởng, yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trước tình hình đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định “Ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế”.

Để tạo tiền đề cho đổi mới mô hình tăng trưởng, và cơ cấu lại nền kinh tế, kể từ trước năm 2010 đến nay, hệ thống chính sách thuế của nước ta luôn được cải cách, phù hợp với thực tiễn phát sinh, bắt kịp được xu hướng quốc tế, cũng như hướng tới phát triển bền vững. Chính sách thuế đã góp phần đảm bảo huy động các nguồn thu có tính bền vững hơn cho ngân sách; tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; thu hút đầu tư có trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn; đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích việc khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường và phát triển các hoạt động văn hóa - xã hội... cụ thể:

Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, tăng cường thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên, trong đó tiếp tục chú trọng phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Kể từ năm 2008 - 2014, để hỗ trợ cho sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ DN đối phó với ảnh hưởng của khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, nhất là DN nhỏ và vừa (DNNVV) - nhóm dễ bị tác động của khủng hoảng, nhiều giải pháp về miễn, giảm, giãn các loại thuế đã được thực hiện, qua đó giúp DN, hộ gia đình, cá nhân vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh. Theo đó, thuế thu nhập DN (TNDN) được giảm trên diện rộng, với mức thuế suất phổ thông giảm từ 28% xuống còn 25% từ năm 2009, 22% từ năm 2014, 20% từ năm 2016 và riêng DNNVV được áp dụng thuế suất 20% từ ngày 01/7/2013, qua đó tạo điều kiện để thu hút đầu tư và tích lũy, tích vụ vốn, khuyến khích thành lập DN đầu tư sản xuất - kinh doanh.

Cải cách chính sách thuế góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế  - Ảnh 2

Từ năm 2014, ưu đãi đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, có quy mô vốn đầu tư lớn và sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới phù hợp với quy định của Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ; dự án đầu tư xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển; Tăng cường ưu đãi độ tăng cường cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua việc tăng mức ưu đãi thuế TNDN đối với lĩnh vực trồng trọt, sản xuất và chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; giảm nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa là đầu vào của sản xuất nông nghiệp; mở rộng thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp…

Để góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước và tháo gỡ khó khăn cho người dân, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) số 26/2012/QH13 đã điều chỉnh nâng mức giảm thuế cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng; giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/ tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng; bổ sung miễn thuế đối với một số trường hợp: Cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ và thu nhập của thuyền viên làm việc trên tàu… Việc ban hành Luật Phí và Lệ phí năm 2015 và thực thi Luật này kể từ năm 2017 đã chuyển nhiều loại phí sang thực hiện theo cơ chế giá, góp phần thu hút nguồn lực xã hội tham gia cung cấp dịch vụ công, khuyến khích đổi mới công nghệ, đa dạng hóa và giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ.

Lĩnh vực quan trọng là khoa học và công nghệ, kể từ năm 2009 đã được áp dụng ưu đãi thuế TNDN ở mức cao đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, công nghệ cao (thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo); miễn thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được miễn thuế TNDN; giảm 50% số thuế phải nộp đối với thu nhập từ chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Từ năm 2014, bổ sung miễn thuế 3 năm đối với thu nhập từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; miễn thuế 5 năm đối với thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam...

Cải cách chính sách thuế góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế  - Ảnh 3

Bên cạnh đó, các sản phẩm sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động chuyển giao công nghệ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; đối với các dịch vụ khoa học, công nghệ cũng được áp dụng thuế suất 5% (là mức thuế suất thấp so với mức thuế suất phổ biến là 10%). Ngoài ra, lĩnh vực khoa học và công nghệ, công nghệ cao cũng được hưởng mức ưu đãi cao nhất (miễn, giảm thuế) theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực cũng được quan tâm đặc biệt, nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư của xã hội vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo, cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Kể từ năm 2009, DN thực hiện hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề theo tiêu chuẩn xã hội hóa được hưởng thuế suất ưu đãi về thuế TNDN 10% trong suốt thời gian hoạt động áp dụng đối với phần thu nhập từ hoạt động này; được miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo nếu thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Đồng thời, áp dụng đối tượng không chịu thuế GTGT đối với các dịch vụ, hàng hóa trong lĩnh vực này như: Dạy học, dạy nghề; xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách giáo khoa, giáo trình, sách khoa học - kỹ thuật; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho giáo dục - đào tạo, miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục...

Thứ hai, cải cách chính sách thuế nhằm điều tiết các hành vi sản xuất, tiêu dùng theo hướng bền vững.

Để góp phần bảo vệ môi trường và hạn chế hành vi gây hại tới môi trường, Luật Thuế bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2012, với đối tượng chịu thuế là các mặt hàng có ảnh hưởng xấu tới môi trường trong quá trình tiêu dùng, sử dụng như: Xăng dầu (xăng các loại, nhiên liệu bay, diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn); than đá, dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC); túi ni lông, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.

Bên cạnh đó, các chính sách thuế TNDN, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế xuất - nhập khẩu, thuế GTGT từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Thuế TTĐB được áp dụng với mức thuế suất ưu đãi đối với các loại xe chạy bằng điện và năng lượng mặt trời. Ngoài ra, thuế TTĐB sửa đổi theo hướng tăng thuế suất đối với các mặt hàng có hại đối với sức khỏe, môi trường, không tốt cho xã hội như rượu, bia, thuốc lá, casino, ô tô chạy xăng có dung tích xi-lanh lớn, tiêu hao nhiêu nhiên liệu, giảm thuế đối với xăng sinh học. Đặc biệt, từ 01/7/2016, áp dụng thống nhất cách xác định giá tính thuế đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB có nguồn gốc nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước. Quy định mới này không chỉ tác động làm tăng số thu ngân sách mà còn giúp ngăn ngừa, hạn chế gian lận thuế và tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn.

Thứ ba, tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên.

Hệ thống chính sách thuế để khai thác nguồn lực từ đất đai đã được hình thành tương đối đầy đủ, cơ bản phù hợp với cơ chế thị trường, tạo nguồn lực tài chính quan trọng cho ngân sách nhà nước (NSNN) để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý đất đai.

Cải cách chính sách thuế góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế  - Ảnh 4

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sử dụng đất phi nông nghiệp, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và động viên hợp lý sự đóng góp cho NSNN, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ban hành năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ năm 2012, trong đó tập trung điều tiết đối với đất ở tại đô thị, nông thôn; đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp (đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất - kinh doanh; đất khai thác, chế biến khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng...).

Góp phần bảo vệ khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên, đảm bảo nguồn thu NSNN trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Luật Thuế tài nguyên đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/7/2010. Các mức thuế suất thuế tài nguyên đã được điều chỉnh linh hoạt qua các thời kỳ tại 3 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH12 ngày 19/4/2010; Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH12 ngày 16/12/2013; Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13 ngày 10/12/2015). Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu được ban hành năm 2016, trong đó chú trọng đến vấn để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường cũng như góp phần quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên thông qua việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu giảm từ thành phẩm đến nguyên liệu thô; thuế suất thuế xuất khẩu tăng dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô.

Thứ tư, huy động nguồn lực tài chính để đầu tư, tạo tiền đề cho đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Thực tiễn quá trình cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn vừa qua cho thấy các kết quả tích cực hướng đến nguồn thu bền vững, ổn định để đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng và phục vụ phát triển kinh tế của đất nước: Quy mô thu NSNN từ thuế luôn được mở rộng; cơ cấu thu đã và đang được thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Từ năm 2011 đến nay, quy mô thu NSNN đã tăng gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2001 - 2010, trong đó thu nội địa tăng khoảng 5,1 lần; thu từ dầu thô tăng khoảng 1,3 lần và thu cân đối từ hoạt động xuất - nhập khẩu tăng khoảng 2,9 lần. Tỷ lệ huy động vào NSNN giai đoạn này bình quân khoảng 24,4% GDP, trong đó thu từ thuế, phí khoảng 20,7% GDP. Về tổng thể, tỷ lệ động viên thu từ thuế, phí có xu hướng giảm so với giai đoạn trước (hiện nay khoảng 21% GDP), chủ yếu do đóng góp thu từ dầu thô, từ hoạt động xuất - nhập khẩu giảm mạnh. Tuy nhiên, loại trừ các khoản thuế thu trong dầu thô thì huy động thu từ thuế, phí đã cho thấy những kết quả tích cực (tăng từ 16,5% GDP trong giai đoạn 2001 - 2010 lên 17,5% GDP giai đoạn hiện nay và dự kiến giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 là khoảng 18% GDP). Thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN, giai đoạn 2011 - 2010 bình quân đạt 55,2%; giai đoạn hiện nay bình quân đạt 74,8% (trong đó năm 2018 là 80,6%, dự kiến đến năm 2020 là 83%); đạt mục tiêu trước 5 năm theo Chiến lược Tài chính đến năm 2020 (năm 2016 đã đạt 80,5%, trong khi mục tiêu là đến năm 2020 đạt trên 80%); cơ bản hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Trung ương (mục tiêu là 84 - 85%).

Trong cơ cấu thu nội địa, có sự chuyển dịch đóng góp số thu từ khu vực DN nhà nước (DNNN) sang khu vực DN ngoài quốc doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài (tỷ trọng thu khu vực DNNN giảm từ 44% năm 2001 về còn 27,7% năm 2011 và dự kiến còn 13,3% năm 2020; tỷ trọng thu khu vực DN ngoài quốc doanh tăng tương ứng từ 12,8% lên 18,5% và 20,5%; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 10,8% lên 16,9% và 17,9%). Theo cơ cấu sắc thuế, thuế GTGT (bao gồm cả thuế GTGT hàng nhập khẩu chưa loại trừ số hoàn) tăng từ mức bình quân 27% tổng thu NSNN giai đoạn 2001 - 2010 lên 33,8% giai đoạn hiện nay (trong đó 3 năm 2016 - 2018 duy trì ở mức 31 - 32%), thuế TTĐB tăng tương ứng từ 7% lên 8,3% (trong đó 3 năm 2016 - 2018 bình quân 8,7%, tăng so với bình quân chung cả giai đoạn), thuế xuất - nhập khẩu giảm tương ứng từ 12,2% xuống 6,7% (trong đó 3 năm 2016 - 2018 bình quân 5,6%, giảm so với bình quân chung cả giai đoạn); thuế TNDN tăng từ mức bình quân 13% giai đoạn 2001 - 2010 lên mức bình quân 15,2% giai đoạn 2011 - 2020 (trong đó 3 năm 2016 - 2018 bình quân 14,4%, giảm so với bình quân chung cả giai đoạn); thuế TNCN tăng tương ứng từ 2,8% lên 6,2% (trong đó 3 năm 2016 - 2018 bình quân 6,2%).

Mục tiêu và định hướng chính sách thuế giai đoạn tới

Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó tiếp tục nhấn mạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng, đó là: “Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững”.

Trong giai đoạn tới, bối cảnh kinh tế diễn biến phức tạp và khó dự đoán, vừa tạo ra thuận lợi và bất lợi, thời cơ và thách thức đan xen. Cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, tăng trưởng kinh tế chịu tác động tiêu cực từ cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang ngày một gay gắt; xu hướng bảo hộ - thương mại và chủ nghĩa dân túy đang là rào cản đà tăng trưởng chung. Ở trong nước, nhiều rủi ro tiềm ẩn có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô, tác động gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế; độ mở về thương mại, tài chính quốc gia cao hơn so với trình độ phát triển của nền kinh tế; trình độ phát triển cũng như tính hiệu quả của thị trường tài chính còn chưa cao; tái cấu trúc DN (đặc biệt là DNNN và ngân hàng) còn chậm; tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thể hiện rõ ở tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo. Những vấn đề này đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần chuyển hướng chiến lược sang mô hình tăng trưởng mới, dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo, tận dụng tối đa các lợi thế để duy trì tăng trưởng chất lượng cao trong giai đoạn tới, theo đó những yêu cầu mới cho việc hoàn thiện các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách thuế cùng là vấn đề đặt ra cần giải quyết.

Xu hướng cải cách chính sách thuế của các nước trong những năm gần đây cho thấy, chính sách thuế chủ yếu được điều chỉnh theo hướng cân bằng giữa tăng thu ngân sách và khuyến khích tăng trưởng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, cạnh tranh về vốn, lao động trên thế giới gia tăng, các nước lần lượt đưa ra những chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu đầu tư, tháo gỡ và giải quyết các vấn đề khó khăn trong quá trình phục hồi nền kinh tế, đồng thời với các giải pháp bù đắp hụt thu, đảm bảo được sự ổn định và bền vững ngân sách trong trung và dài hạn, cụ thể như: Giảm thuế suất thuế TNDN thu hút đầu tư và hỗ trợ DN trong nước (như Hoa Kỳ, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Singapore, Malaysia...); tăng thuế suất thuế TNCN đối với người có thu nhập cao, giảm thuế suất đối với người có thu nhập thấp và tăng mức giảm trừ gia cảnh nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo (như Hoa Kỳ, Anh, Croatia, Trung Quốc, Thái Lan...), tăng thuế suất thuế GTGT và thuế TTĐB, mở rộng đối tượng chịu thuế, giảm bớt các mặt hàng miễn thuế (đã có 166 quốc gia cơ cấu lại theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuê gián thu, thuế tiêu dùng GTGT, TTĐB (trong đó có Liên minh châu Âu, Nga, Trung Quốc, Singapore...); tăng thu các khoản thuế liên quan đến tài sản (Úc, Canada, Maylaysia...); tăng các khoản thuế gắn với bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh kinh tế và xu hướng điều chỉnh chính sách thu của các nước nêu trên, các mục tiêu mà ngành Tài chính đặt ra đối với việc hoàn thiện hệ thống thuế trong giai đoạn tới đó là:

(i) Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu NSNN mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã đặt ra tại các Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/ QH14 là: “Tập trung cơ cấu lại nguồn thu sách thu gắn với cơ cấu lại nguồn thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý”;

(ii) Đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, tính nhất quán, rõ ràng, giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế;

(iii) Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng và tương thích với các luật mới được Quốc hội ban hành như Luật Hỗ trợ DNNVV, Luật Đầu tư, Bộ luật Dân sự...;

(iv) Đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển, qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam và tăng việc làm cho người lao động, chống thất thu NSNN, chống gian lận thương mại, chuyển giá...

Theo đó, trong thời gian tới, định hướng cụ thể về hoàn thiện hệ thống chính sách thuế đó là:

Một là, huy động NSNN. Bám sát mục tiêu cụ thể đã được đặt ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW là: “Tỷ lệ huy động vào NSNN giai đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 20 - 21% GDP, phấn đấu tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015. Trong tổng thu NSNN, tỷ trọng thu nội địa khoảng 84 - 85%, tỷ trọng thu dầu thô và thu xuất - nhập khẩu khoảng 14 - 16%; tỷ trọng thu ngân sách trung ương 60 - 65%. Sau năm 2020, tỷ lệ huy động vào NSNN so với GDP được duy trì ở mức ổn định, hợp lý”.

Hai là, điều chỉnh một số sắc thuế trong hệ thống chính sách thuế.

- Thuế TNDN: Rà soát để loại bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm, giãn thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế; thực hiện ưu đãi thuế đối với DN nhỏ và siêu nhỏ nhằm nuôi dưỡng và tạo nguồn thu ổn định trong tương lai; Mở rộng cơ sở thuế thông qua điều chỉnh giảm hoặc bỏ việc chuyển lỗ đối với những lĩnh vực không khuyến khích đầu tư phù hợp thông lệ quốc tế; thực hiện các tiêu chuẩn phòng, chống chuyến giá, chống xói mòn nguồn thu như vốn mỏng, chi phí lãi vay, thương mại điện tử xuyên biên giới...

- Thuế TTĐB: Rà soát, nghiên cứu bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.

- Các loại thuế liên quan đến tài sản: Tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo để góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thi điểm thích hợp...

Việc hoàn thiện hệ thống chính sách thuế là hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập; tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng rộng rãi quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử công khai, minh bạch; khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế;
2. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam;
3. Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững;
4. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (2019), Hoàn thiện hệ thống chi, sách thuế để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách bền vững, Tạp chí Cộng sản, số 924 tháng 8/2019;
5. Nguồn số liệu của Bộ Tài chính.