Kho bạc Nhà nước phát triển toàn diện các lĩnh vực:

Cải cách thể chế chính sách, hiện đại hóa công nghệ, kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực


Lược ghi phát biểu của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nhân dịp thăm và làm việc với Kho bạc Nhà nước ngày 30/01/2020. Đầu đề bài viết do Ban biên tập đặt.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Bước sang năm cuối của kỳ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020), Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện và có nhiều dấu ấn nổi bật. Những thành tựu đó có sự đóng góp rất lớn của ngành Tài chính và Kho bạc Nhà nước đã phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với ngành Ngân hàng, các Bộ, ngành khác trong việc thực hiện tốt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Năm 2019 là một trong ba năm gần đây nước ta đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02%, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung của khu vực và thế giới. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước dịch chuyển tích cực theo tinh thần Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Nợ công đã giảm từ 64,8% năm 2016 xuống còn 56,1% vào năm 2019; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trên tổng thu ngân sách nhà nước xuống dưới mức trần quy định. Đặc biệt, năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp thu ngân sách nhà nước vượt dự toán được Quốc hội giao; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 32 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách của các tỉnh, thành phố cũng đều hoàn thành kế hoạch.

Đối với Kho bạc Nhà nước, năm 2020 là năm kỷ niệm 30 năm ngày tái thành lập (01/4/1990 - 01/4/2020). Với truyền thống hơn 70 năm, kể từ khi là Nha Ngân khố thuộc Bộ Tài chính (được thành lập năm 1946), trong thời gian vừa qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 theo Quyết định số 138/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ trên cả 3 lĩnh vực: cải cách cơ chế chính sách; hiện đại hóa công nghệ; kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực.

Về xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách, trên cơ sở Chiến lược được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, Kho bạc Nhà nước đã không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách về quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ, tổng kế toán nhà nước, huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển theo hướng cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả theo thông lệ quốc tế. Cụ thể:

Về thu ngân sách nhà nước: Quy trình thủ tục thu ngân sách nhà nước được đơn giản hóa và rút gọn; phương thức thu nộp được đa dạng với nhiều loại hình thanh toán khác nhau, giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện nộp tiền ở nhiều địa điểm, nộp tiền ngoài giờ hành chính. Qua đó, giảm thời gian thực hiện giao dịch thu ngân sách nhà nước xuống còn 05 phút/giao dịch; tăng tốc độ luân chuyển thông tin thu ngân sách giữa các cơ quan, đơn vị; đồng thời, góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.

Về kiểm soát chi: Công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước luôn được quan tâm đổi mới, đảm bảo mục tiêu kiểm soát chặt chẽ, đúng chế độ quy định; quy trình, thủ tục kiểm soát chi cũng được đơn giản hóa và rút gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

Về quản lý ngân quỹ: Kho bạc Nhà nước đã xây dựng được “tài khoản kho bạc duy nhất” theo thông lệ quốc tế; qua đó, hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tiền tệ và gắn kết chặt chẽ quản lý ngân quỹ với quản lý ngân sách và quản lý nợ. Bên cạnh đó, ngân quỹ nhà nước ngày càng được sử dụng có hiệu quả. Nhờ đó, năm 2019, Kho bạc Nhà nước đã đóng góp 5000 tỷ đồng cho ngân sách trung ương.

Về huy động vốn: Công tác huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ đã luôn đáp ứng đủ yêu cầu cho cân đối ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển. Cơ chế phát hành được hiện đại hóa theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả; đồng thời, thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ theo hướng an toàn, bền vững. Từ đó, kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ từng bước được kéo dài, lãi suất huy động vốn bình quân ngày càng giảm; đặc biệt từ năm 2015 đến nay, cơ cấu nợ công được đảo chiều (60% là nợ trong nước; 40% là nợ nước ngoài), giúp giảm phụ thuộc vào nợ nước ngoài và rủi ro chênh lệch tỷ giá; quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ cũng phát triển nhanh, năm 2019 gấp 12 lần so với năm 2009.

Về kế toán và báo cáo: Kho bạc Nhà nước đã thực hiện tốt nhiệm vụ lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm; đồng thời, bước đầu triển khai lập báo cáo tài chính nhà nước đầu tiên cho năm tài chính 2018; qua đó, cung cấp thêm một kênh thông tin quan trọng giúp cho Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp có được bức tranh tổng thể về tình hình tài chính nhà nước, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý điều hành và tăng cường tính công khai, minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình theo thông lệ quốc tế.

Về hiện đại hóa công nghệ quản lý, Kho bạc Nhà nước là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Nổi bật trong đó là hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), là một dự án cải cách quản lý tài chính công quan trọng đã được Kho bạc Nhà nước xây dựng, triển khai và vận hành thông suốt; từ đó, phục vụ hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng và tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công, được Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao.

Bên cạnh đó, hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng đã đẩy mạnh cải cách, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và đơn vị sử dụng ngân sách trong các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước.

Về kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực, tôi ghi nhận và đánh giá cao hệ thống Kho bạc Nhà nước đã đi đầu trong việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng với ngành Thuế, Kho bạc Nhà nước là một trong những đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18-NQ/TW với quyết tâm và hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, tôi cũng rất ấn tượng với công tác bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của hệ thống Kho bạc Nhà nước. Khi mới tái lập, tỷ lệ cán bộ, công chức kho bạc có trình độ đại học trở lên mới chỉ có 16,7%; đến nay, sau 30 năm tỷ lệ này đã tăng lên đến trên 84%.

Trong suốt 30 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, Kho bạc Nhà nước đã xây dựng, gìn giữ và không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó chặt chẽ trong toàn bộ hệ thống. Đây là một tài sản rất quý báu, là bài học kinh nghiệm cho sự thành công trong chặng đường 30 năm hình thành, phát triển của hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Với những thành tích quan trọng đó, hướng đến kỷ niệm 30 năm thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước, nhân dịp đầu xuân năm mới, thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tôi nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương những thành tích mà hệ thống Kho bạc Nhà nước đã đạt được.

Năm 2020 là cuối kỳ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 và Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020; là năm mà cả nước dồn toàn lực để thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và Chính phủ; đồng thời, cũng là năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cùng với rất nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như: kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, 75 năm truyền thống ngành Tài chính Việt Nam,… Việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2020 cũng còn nhiều thử thách, cam go. Vì vậy, hệ thống Kho bạc Nhà nước cùng với ngành Tài chính cần phải vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2020, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hệ thống Kho bạc Nhà nước cần tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ trong quản lý, điều hành tài chính ngân sách; huy động các nguồn lực tài chính để thúc đẩy phát triển đất nước; đề xuất các giải pháp quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa kinh tế đất nước phát triển nhanh, ổn định, bền vững. Trong đó, cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo nguồn vốn của Nhà nước được sử dụng có hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để điều tiết luồng tiền trong lưu thông, góp phần kiểm soát chặt chẽ lạm phát; nghiên cứu, phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn để hình thành đường cong lãi suất chuẩn và dẫn dắt thị trường.

Thứ hai, ngành Tài chính nói chung và hệ thống Kho bạc Nhà nước nói riêng cần tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được để đẩy mạnh công tác cải cách, hiện đại hóa và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, cần tập trung xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước cho giai đoạn tiếp theo, đảm bảo phù hợp với Chiến lược tài chính và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045; đồng thời, tiếp tục hiện đại hóa các hoạt động quản lý, quản trị của ngành Tài chính và hệ thống Kho bạc Nhà nước, gắn hiện đại hóa với cải cách thủ tục hành chính, chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang phục vụ để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

Ba là, cán bộ, công chức Kho bạc Nhà nước cần tiếp tục quản lý an toàn và sử dụng hiệu quả tiền và tài sản mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao cho hệ thống Kho bạc Nhà nước; từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng và cải thiện đời sống nhân dân.

Bốn là, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết nội bộ, chung sức, chung lòng đã được các thế hệ cán bộ Kho bạc Nhà nước xây dựng, vun đắp trong 30 năm qua; đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và xây dựng đội ngũ công chức tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng xây dựng Kho bạc số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhân dịp đầu năm đến thăm và làm việc với hệ thống Kho bạc Nhà nước, tôi mong muốn hệ thống Kho bạc Nhà nước nói riêng và ngành Tài chính nói chung sẽ luôn phát huy những truyền thống tốt đẹp và tiếp tục lập nhiều thành tích hơn nữa để ngày càng xứng đáng hơn với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Bài viết đăng lại từ Kỷ yếu 30 năm Kho bạc Nhà nước Việt Nam (1990-2020): Tiếp nối truyền thống - Phát triển bền vững - Hướng tới tương lai