Cần Nghị định gỡ vướng cho đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần


Việc ban hành Nghị định của Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần (CTCP) là cần thiết để có quy định thống nhất, phù hợp với pháp luật hiện hành cũng như đặc thù, thực tiễn của khu vực sự nghiệp công lập khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp.

Việc ban hành Nghị định của Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần là cần thiết.
Việc ban hành Nghị định của Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần là cần thiết.

Chậm thực hiện chuyển đổi

Ngày 22/6/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg về việc chuyển ĐVSN thành CTCP. Quyết định đã tạo khung pháp lý, góp phần đẩy mạnh việc xã hội hóa các ĐVSNCL, huy động các nguồn lực xã hội, cung cấp sản phẩm dịch vụ có chất lượng đáp ứng yêu cầu xã hội. 

Theo Bộ Tài chính, đến nay, có 338 ĐVSNCL được các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào Danh mục chuyển đổi thành CTCP. Trong đó, có 213 ĐVSNCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Danh mục chuyển đổi. Có 38 đơn vị đã được phê duyệt phương án chuyển đổi, trong đó có 31 ĐVSNCL đã hoàn thành chuyển đổi thành CTCP.

Quá trình chuyển ĐVSNCL thành CTCP thời gian qua đã giúp thu hút thêm nguồn lực xã hội cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, giảm hỗ trợ của NSNN so với trước đây đối với các ĐVSNCL, giúp cải thiện quản trị doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đào tạo và sắp xếp lại vị trí công việc phù hợp cho người lao động. Tại một số đơn vị, việc chuyển đổi đã góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, so với Danh mục chuyển đổi thành công ty cổ phần giai đoạn 2017-2020, số lượng đơn vị đã chuyển đổi thành CTCP chỉ đạt 14,5%. Thời gian thực hiện chuyển đổi của nhiều đơn vị chậm hơn lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quá trình chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP còn nhiều lúng túng. Tại một số địa phương, việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và phương án thực hiện chuyển đổi còn chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, công tác giám sát tình hình hoạt động và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công chưa chặt chẽ. Sau khi chuyển đổi thành CTCP, có hiện tượng giảm chất lượng dịch vụ sự nghiệp công hoặc ngừng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở một số ít đơn vị. Tại một số ngành dịch vụ sự nghiệp công có tính chất đặc thù, việc cổ phần hóa ĐVSNCL chưa tạo chuyển biến về chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công do không tạo được sự cạnh tranh trên thị trường...

Vướng mắc về quy định pháp lý

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Một trong đó là do những vướng mắc trong quy định pháp ý về chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP. Bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh - Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và kết quả khảo sát thực tế, việc chuyển đổi ĐVSNCL theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg còn một số bất cập, vướng mắc.

Trong đó, Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg chưa quy định hết đối tượng các ĐVSNCL có khả năng chuyển đổi thành CTCP như: các ĐVSNCL thuộc các cơ quan chuyên môn của Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, xã, các ĐVSNCL là đơn vị trực thuộc của các ĐVSNCL; ĐVSNCL thuộc các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội...

Thêm vào đó, thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển đổi các ĐVSNCL là Thủ tướng Chính phủ đã làm kéo dài thời gian thực hiện chuyển đổi; Chính sách ưu đãi về tài chính và đầu tư chưa đủ hấp dẫn để thúc đẩy và tạo động lực cho các ĐVSNCL cổ phần hóa.

Thực tế cũng chưa có hướng dẫn xử lý một số nguồn kinh phí đặc thù của ĐVSNCL mà DNNN không có như: số dư Nguồn kinh phí cải cách tiền lương, Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp, kinh phí các Chương trình, dự án có hình thành tài sản... Chưa có hướng dẫn về cơ chế tài chính, quản lý, sử dụng các tài sản cơ sở hạ tầng giao cho DN chuyển đổi từ ĐVNSCL quản lý, khai thác. Trong khi đó, thực tế hiện nay nhiều ĐVNSCL đang quản lý các tài sản cơ sở hạ tầng như rừng, cảng, chợ, bến xe...

Cơ chế giám sát về tình hình cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của các doanh nghiệp chuyển đổi từ ĐVSNCL cũng chưa được hướng dẫn. Thiếu các quy định về chế tài đối với nhà đầu tư chiến lược để ràng buộc trách nhiệm tiếp tục cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của doanh nghiệp chuyển đổi từ ĐVSNCL...

Để khắc phục những vướng mắc nêu trên, cần có một quy định thống nhất của Chính phủ về chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP phù hợp với pháp luật hiện hành và đặc thù, thực tiễn của khu vực sự nghiệp công lập khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định về chuyển ĐVSNCL thành CTCP thay thế Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo Nghị định hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, ĐVSNCL... để hoàn thiện Dự thảo Nghị định phù hợp với thực tiễn, đảm bảo khả thi, toàn diện.