Chậm giải ngân vốn ODA: Không thể đổ lỗi cho riêng COVID-19

Theo TTXVN

Trước xu hướng trả vốn vay ODA từ các bộ, ngành với số lượng lên tới 32% dự toán được giao, Bộ Tài chính đề xuất các đơn vị phải có báo cáo tiến độ triển khai vốn vay ODA theo cam kết cụ thể.

Hiện có 8 bộ đã có văn bản chính thức xin hoàn trả vốn ODA, với con số lên tới 3.700 tỷ đồng, tương đương 32% dự toán được giao.
Hiện có 8 bộ đã có văn bản chính thức xin hoàn trả vốn ODA, với con số lên tới 3.700 tỷ đồng, tương đương 32% dự toán được giao.

Năm 2020 là năm cuối cùng phải hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công trung hạn của giai đoạn 2016-2020. Thế nhưng, sự xuất hiện bất ngờ của dịch bệnh COVID-19, với những diễn biến phức tạp và khó lường, đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước; trong đó có các dự án vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi.

Theo con số thống kê, tính đến cuối tháng Tám, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của các bộ, ngành và địa phương mới đạt 21,64% dự toán được giao. Thậm chí, có xu hướng xin trả lại vốn ODA không thực hiện…

Xin trả 3.700 tỷ vốn vay ODA

Hiện có 8 bộ đã có văn bản chính thức xin hoàn trả vốn ODA, với con số lên tới 3.700 tỷ đồng, tương đương 32% dự toán được giao.

Tại hội nghị các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ trong 8 tháng của năm 2020 diễn ra ngày 26/8, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết tổng dự toán đầu năm bộ này được giao là 341 tỷ đồng và vốn chuyển sang từ năm 2019 là 95 tỷ đồng. Song, các ban quản lý của dự án tại địa phương báo cáo thời điểm hiện tại mới giải ngân được 79 tỷ đồng (trong đó vốn của năm 2019 là 61 tỷ đồng và năm 2020 là 18 tỷ đồng).

“Căn cứ vào tiến độ thực tế, bộ không thể giải ngân hết 100% và do đó đã có văn bản đề nghị trả lại 87 tỷ đồng vốn được giao năm 2020. Nếu đề nghị được chấp thuận, tổng dự toán trong năm 2020 của bộ sẽ là 253 tỷ đồng và cam kết giải ngân hết, với điều kiện dự án được gia hạn trước ngày 15/9,” đại diện của bộ này cho hay.

Là một trong những bộ được giao dự toán lớn nhất, song đại diện Bộ Quốc phòng cũng thừa nhận gặp nhiều khó khăn trong việc giải ngân. Tổng dự toán được giao của cơ quan này là vào khoảng 2.024 tỷ đồng, bao gồm 1.254 tỷ đồng (năm 2020) và 770 tỷ đồng (bổ sung từ năm 2019 và kéo dài năm 2020). Theo đó, bộ đã phân bổ và giao đủ cho các đơn vị từ cuối năm 2019, nhưng tình hình giải ngân vốn được giao đến hết tháng Bảy hiện mới ghi nhận là 577 tỷ đồng,  khoảng 28% dự toán. Về tiến độ, Bộ Quốc phòng dự kiến đến hết ngày 31/1220 sẽ giải ngân được khoảng 1.517 tỷ đồng, đạt 75% dự toán.

“Bộ Quốc phòng đã có văn bản chính thức báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị đối với dự án đang giải ngân được kéo dài sang năm 2021và những dự án cần thời gian khoảng 7-10 tháng nữa mới triển khai thì chuyển sang kế hoạch của năm 2021,” đại diện Bộ Quốc phòng nói.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng kế hoạch vốn vay được giao trong năm là 619 tỷ đồng. Mặc dù đã thực hiện phân bổ 100% kế hoạch vụ được giao cho các dự án ngay từ đầu năm 2020, song đến 20/8, bộ này mới giải ngân được con số rất khiêm tốn là 90 tỷ đồng, tương đương 13% tổng vốn được giao.

Trước thực tế này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xin được hoàn trả 330 tỷ đồng vốn vay của nước ngoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không ngoại lệ khi tổng vốn được giao trong năm là 98,9 tỷ đồng, cộng với vốn năm 2019 chuyển sang thành tổng là 126  tỷ đồng thì đến nay mới giải ngân được khoảng 96 tỷ đồng và đề nghị trả lại ngân sách trung ương 30 tỷ đồng…

Nhiều lý do kìm hãm tiến độ giải ngân

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết có nhiều lý do khiến các bộ, ngành xin trả lại nguồn vốn vay nước ngoài.

Nhìn chung các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch COVID-19 nặng nề hơn so với các dự án trong nước, do hầu hết các hoạt động của các dự án này đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan như thủ tục điều chỉnh các dự án hay việc thực hiện các dự án của các bộ, ngành, ban quản lý dự án chậm nên có dự án xin điều chỉnh thời gian giải ngân đồng thời một số dự án lại muốn sử dụng vốn dư.

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy các bộ, ngành làm thủ tục gia hạn điều chỉnh với nhà tài trợ tại 9 hiệp định vay kể từ đầu năm 2020. Theo quy định hiện nay, việc gia hạn hoặc hay điều chỉnh dự án đều gắn liền với điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong khi đó, quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư thường phức tạp và kéo dài, dẫn đến việc một số dự án đã được bố trí nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh.

Một nguyên nhân khác đó là bên cạnh việc thực hiện giải ngân theo kế hoạch vốn của năm 2020, các bộ, ngành còn tập trung giải ngân tiếp dự toán đã được giao năm 2019 và phân phối được kéo dài, chuyển nguồn trị giá 2.420 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, qua các đợt làm việc rà soát trực tiếp với các chủ dự án đầu tư trong tháng 7-8/2020, nhiều đơn vị còn chậm hoàn chứng từ đối với các khoản vay chính phủ Việt Nam đã nhận nợ với các nhà tài trợ nước ngoài. Do đó, bộ này đã yêu cầu hoàn trả lại nhà tài trợ những khoản đã về tài khoản nhưng chưa sử dụng và chậm hoàn chứng từ với giá trị xấp xỉ 190 tỷ đồng.

Cần có cam kết rõ ràng

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nhằm đảm bảo phối hợp hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công 2020, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc trung ương cần coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị và có cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài ở mức độ 100% dự toán được giao làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Với các trường hợp dự kiến không giải ngân hết 100% kế hoạch, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo xác định rõ tỷ lệ giải ngân dự kiến đạt được và lý do không đạt được theo kế hoạch.

Ông Hà nhấn mạnh đối với vốn nước ngoài đã phân bổ các năm trước còn lại nếu có khả năng giải ngân, các bộ, ngành cần sớm tổng hợp kế hoạch đầu tư công còn thiếu để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cân đối chung trong cả giai đoạn 2016-2020, song không vượt quá con số Quốc hội giao.

“Với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị có văn bản đề suất cách, giảm, điều chuyển ngay trong tháng Tám. Ngoài ra, các bộ, ngành, ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng, đặc biệt là tranh chấp hợp đồng để có khối lượng hoàn thành đủ điều kiện thanh toán,” ông Hà nói.

Về tài chính, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị các bộ, ngành bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc phát sinh. Thêm vào đó, các ban quản lý dự án thực hiện ghi thu, ghi chi kịp thời, không để dồn chứng từ vào cuối năm và báo cáo cấp trên có thẩm quyền định kỳ 15ngày/một lần để có chỉ đạo cần thiết.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành chỉ đạo các chủ dự án vào ngày 15 và 30 hàng tháng, chủ động phối hợp rà soát, đối chiếu số liệu giải ngân với Bộ Tài chính nhằm công khai số liệu giải ngân trên mạng điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai cam kết cụ thể của từng bộ, ngành, trên nguyên tắc khối lượng hoàn thành sát với khối lượng kiểm soát chi và khối lượng kiểm soát chi sát với đề nghị thanh toán của chủ dự án.