Chấn chỉnh, xử lý kịp thời vi phạm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới


Thời gian gần đây, không ít cơ quan báo chí phản ánh tình trạng bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới không tuân thủ đúng quy định pháp luật, gây nhiều băn khoăn cho nhiều người dân. Ngay khi nhận được phản ánh của một số cơ quan báo chí, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) kiểm tra, rà soát việc triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS trong toàn hệ thống. Trường hợp các DNBH vi phạm, tùy theo mức độ, Bộ Tài chính sẽ xem xét, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Gần đây, nhiều cơ quan báo chí phản ánh tình trạng bán bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới không tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Gần đây, nhiều cơ quan báo chí phản ánh tình trạng bán bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới không tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Kịp thời hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông, khắc phục tổn thất về người và tài sản

Theo báo cáo tổng hợp từ các bộ, ngành liên quan và từ các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), kết quả thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới giai đoạn 10 năm (2008-2017) đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, số lượt xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới lên đến trên 110,3 triệu (số lượt xe máy vào khoảng 93,5 triệu); đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ (101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ).

Thống kê mới nhất của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính riêng trong năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc TNDS ước tính đạt 3.590 tỷ đồng, trong đó riêng ô tô đạt 2.825 tỷ đồng, xe máy đạt 765 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền bồi thường bảo hiểm (chưa tính dự phòng bồi thường cho các tổn thất chưa phát sinh theo quy định) ước tính đạt 972 tỷ đồng, trong đó ô tô đạt 927 tỷ đồng, xe máy đạt 45 tỷ đồng...

Trong thời gian qua, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới đã thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân tai nạn giao thông không thuộc diện đối tượng được bồi thường bảo hiểm; góp phần tăng cường nhận thức của chủ xe, lái xe về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới thông qua phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Cục Cảnh sát giao thông, các địa phương với nhiều hình thức và trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng..; hỗ trợ xây dựng 75 công trình đề phòng hạn chế tổn thất tai nạn giao thông tại hơn 42 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với số kinh phí tài trợ trên 90 tỷ đồng góp phần đề phòng hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông (tính đến hết năm 2019).

Theo các chuyên gia, kết quả trên thể hiện rõ ý nghĩa nhân đạo của chính sách, kịp thời hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông nhanh chóng khắc phục tổn thất về người và tài sản, giúp cho không chỉ nạn nhân mà còn chủ xe, người điều khiển xe nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Giám sát chặt, xử lý nghiêm

Thời gian gần đây, nhiều cơ quan báo chí phản ánh tình trạng bán bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới không tuân thủ đúng quy định pháp luật như: Đại lý giảm giá, chiết khấu 30% cho khách hàng; Công ty bảo hiểm từ chối bồi thường đối với bảo hiểm “vỉa hè”; bảo hiểm xe máy bán với giá 20.000 đồng/năm; hồ sơ bồi thường bảo hiểm còn có những khó khăn...

Ngay khi nhận được phản ánh của một số cơ quan báo chí, Bộ Tài chính đã Công văn số 189/QLBH-PNT ngày 20/5/2020 yêu cầu các DNBH chủ động kiểm tra, rà soát việc triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới trong toàn hệ thống, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Đồng thời, tiến hành chấn chỉnh, xử lý kịp thời nếu phát hiện các hành vi vi phạm. Trường hợp các DNBH vi phạm, tùy theo mức độ, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) sẽ xem xét, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Bộ Tài chính cho biết, sẽ giám sát theo dõi, cập nhật tình hình triển khai bán bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới qua để kịp thời có các hướng dẫn, chỉ đạo các DNBH. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ sớm phối hợp với Bộ Công an, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Ủy ban quốc gia về An toàn giao thông và các cơ quan báo chí thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình triển khai bán bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới, kịp thời phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính các DNBH vi phạm quy định.

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan và các DNBH tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ được chính sách, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm bắt buộc TNDS xe cơ giới, từ đó, chủ động và tích cực tham gia. Song hành với đó, việc mở rộng mạng lưới phân phối, đa dạng hình thức cung cấp dịch vụ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm, trình độ, kỹ năng tư vấn của đội ngũ cán bộ khai thác bảo hiểm, chăm sóc khác hàng, đội ngũ đại lý bảo hiểm... là các vấn đề mà cơ quan quản lý, cũng như các DNBH phải thực sự chú trọng. Qua đó, góp phần bảo vệ tài chính cho các nạn nhân tai nạn giao thông ngay cả khi không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm...

Bộ Tài chính cũng cho biết, để giải quyết cơ bản, căn cơ mang tính lâu dài, hạn chế tối đa việc bán bảo hiểm như báo chí đã phản ánh thời gian qua, hiện nay Bộ đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Ủy ban quốc gia về An toàn giao thông, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các DNBH xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP nhằm hoàn thiện chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS.

Tính riêng trong năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc TNDS ước tính đạt 3.590 tỷ đồng, trong đó riêng ô tô đạt 2.825 tỷ đồng, xe máy đạt 765 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền bồi thường bảo hiểm (chưa tính dự phòng bồi thường cho các tổn thất chưa phát sinh theo quy định) ước tính đạt 972 tỷ đồng, trong đó ô tô đạt 927 tỷ đồng, xe máy đạt 45 tỷ đồng...