Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng: Khát vọng đổi mới, phát triển bền vững


Có mấy sự kiện mang tính lịch sử đã và sẽ đến vào đầu và giữa năm 2011: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, diễn ra từ ngày 12 đến ngày 19-1; chỉ mươi ngày sau khi Đại hội XI của Đảng kết thúc thành công, ngày mồng 1 Tết cổ truyền của dân tộc cũng chính là ngày Đảng ta tròn 81 mùa xuân xây dựng, chiến đấu, trưởng thành.

Ngày 28-1, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xúc động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau gần 30 năm bôn ba bốn biển năm châu tìm đường cứu nước, về tới Cao Bằng, nơi khởi nguồn sự nghiệp cách mạng Việt Nam; vào giữa năm nay, ngày 5-6-2011, cả nước ta lại tưng bừng kỷ niệm tròn 100 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh rời bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước. Sự ra đi, sự trở về của Bác; quãng thời gian 30 năm cả dân tộc rên xiết dưới ách đô hộ của chế độ thực dân, phong kiến… là bao nhiêu máu xương đổ xuống, bao nhiêu nung nấu, ngóng chờ, bao nhiêu âm thầm, phấn đấu và chiến đấu.

81 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết phấn đấu của toàn dân, nước ta từ thân phận nô lệ đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, đánh thắng các kẻ thù xâm lược hùng mạnh và hung hãn, thu giang sơn về một mối, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trở lại với sự kiện lớn ban đầu - Đại hội XI của Đảng, đây là sự kiện chính trị mang tầm vóc lịch sử và kỳ vọng to lớn. Tính chất “lịch sử” của Đại hội XI thể hiện trước hết trên nhiều mặt. Sau thời gian tiếp thu ý kiến của toàn Đảng, toàn dân xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI, toàn thể 1.377 đại biểu tham dự Đại hội sẽ thảo luận, quyết nghị về Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Báo cáo chính trị trình #ại hội XI; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi #iều lệ #ảng cùng các nội dung quan trọng khác.

Cương lĩnh 2011 khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.

Mục tiêu tổng quát đến khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để Việt Nam trở thành nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, ấm no, hạnh phúc.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình Đại hội XI, khi đánh giá tình hình kinh tế đất nước 5 năm qua, khẳng định: Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, chúng ta đã ứng phó tương đối tốt, cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2001-2005, bằng mức 42,7% GDP; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) thực hiện đạt gần 45 tỷ USD, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt 150 tỷ USD. Tổng vốn ODA cam kết đạt trên 31 tỷ USD, giải ngân ước đạt 13,8 tỷ USD. Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển khá. Sự phát triển ổn định trong ngành nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực, đã bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và có lượng lương thực khá lớn cho xuất khẩu. Kinh tế nông thôn và đời sống nông dân được cải thiện hơn trước. Việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư, phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao, phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp... đã có tác dụng tích cực đến sản xuất, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo. Đã đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mới công nghệ cao. Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng ổn định. Cơ cấu kinh tế tiếp tục được chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu lao động cũng chuyển dịch theo hướng tích cực.

Cũng văn kiện này, khi đánh giá, kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, đã khẳng định: đất nước ta đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, “đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đề ra, nhưng cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm cần được khắc phục”; đánh giá 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010: “đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng”; 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội “đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử”.

Về nhiệm vụ chủ yếu của nhiệm kỳ XI, Báo cáo chính trị xác định 5 nhiệm vụ chủ yếu là: (1) Ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

(2) Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức. Tập trung giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo; cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bảo vệ môi trường, chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó có hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu.

(3) Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

(4) Tiếp tục phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách tư pháp; thực hiện có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

(5) Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, nước ta đang phấn đấu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế. Chuyển mạnh từ tăng trưởng chủ yếu nhờ khai thác, xuất khẩu tài nguyên, thâm dụng vốn công nghiệp gia công lắp ráp… sang tăng trưởng chủ yếu nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, lao động có trình độ cao, sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao. Khắc phục nhanh những tiềm ẩn gây mất ổn định kinh tế vĩ mô, như tình trạng thâm hụt ngân sách, nhập siêu lớn kéo dài, tình trạng nợ công, nợ quốc gia tăng cao. Đổi mới mô hình tổ chức quản lý, tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế. Phát triển kinh tế - xã hội hài hòa giữa các vùng, miền, đô thị và nông thôn. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển các hình thức sở hữu, các loại hình doanh nghiệp. Phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường. Phát triển và nâng cao hiệu quả các lĩnh vực khoa học, công nghệ; phát triển kinh tế tri thức. Coi trọng bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển. Có các giải pháp mạnh mẽ, hợp lý để giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc như việc làm, tiền lương, thu nhập, mất cân bằng giới tính, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, phát triển giáo dục, y tế gắn với việc thu học phí, viện phí, tiền thuốc chữa bệnh một cách hợp lý; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, bạo lực học đường. Mở rộng dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực; phát huy dân chủ trong Đảng, Nhà nước và trong toàn xã hội; đổi mới mạnh mẽ hệ thống chính trị, tháo gỡ các rào cản để giải phóng năng lực con người, thúc đẩy quá trình đổi mới, sáng tạo.

Đại hội XI của Đảng cũng sẽ thảo luận và thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước 10 năm tới 2011-2020. Quyết tâm chính trị là phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Năm Tân Mão 2011 đang được nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài chào đón với bao dự cảm, ước vọng về một bước phát triển mạnh mẽ, vững bền cho đất nước hình chữ S, không chỉ 365 ngày mà cho 1.825 ngày (của 5 năm), cho 3.650 ngày (của 10 năm) và muôn mùa xuân sau nữa.


TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
Theo HNM