Chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới chức năng quản lý kho bạc


Sáng ngày 11/3/2019, tại Hà Nội, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Việt Nam phối hợp với Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức Hội thảo Đổi mới chức năng quản lý kho bạc. Hội thảo là cơ hội để KBNN Việt Nam chia sẻ về những nỗ lực, quyết tâm và kết quả cải cách, hiện đại hóa hệ thống KBNN theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.

Toàn cảnh hội thảo đổi mới chức năng quản lý kho bạc.
Toàn cảnh hội thảo đổi mới chức năng quản lý kho bạc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tạ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc KBNN Việt Nam cho biết: Trong gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, hệ thống KBNN Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc theo hướng cải cách và hiện đại hoá trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Đặc biệt, qua 12 năm triển khai Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 theo Quyết định số 138/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống KBNN Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ; tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; hiện đại hoá công nghệ quản lý, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại vào các quy trình nghiệp vụ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân…

“Đến nay, việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đã cơ bản đạt được các mục tiêu tổng quát. Cụ thể là KBNN Việt Nam đã làm tốt vai trò quản lý quỹ ngân sách nhà nước và đang thực sự trở thành một trong những công cụ quan trọng trong việc thực hiện công cuộc cải cách hành chính nhà nước, đặc biệt là cải cách tài chính công theo hướng công khai, minh bạch, từng bước phù hợp với những thông lệ trên thế giới, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực của Chính phủ, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý tài chính – ngân sách, giữ vững ổn định và phát triển nền tài chính quốc gia”, ông Tạ Anh Tuấn nhận định.

Theo ông Lưu Hoàng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp pháp chế (KBNN Việt Nam) cho hay: Đến nay, hệ thống đã bước đầu hình thành đơn vị chuyên quản lý ngân quỹ nhà nước, phát hành trái phiếu chính phủ; thực hiện dự báo luồng tiền và xây dựng phương án điều hành ngân quỹ nhà nước quý, năm; hoàn thiện chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ KBNN thống nhất, dựa trên cơ sở kế toán tiền mặt điều chỉnh…

Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng nhưng theo ông Lưu Hoàng, hiện nay vẫn còn một số thách thức cần chú trọng như: Các hệ thống thông tin thu rời rạc do nhiều cơ quan quản lý; chưa có sự liên kết, chia sẻ đối với tất cả các khoản thu. Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát cam kết chi chưa theo thông lệ; chưa kiểm soát chi theo nhiệm vụ và chương trình ngân sách; chưa kiểm soát chi điện tử; mức độ liên thông các ứng dụng công nghệ thông tin của KBNN chưa cao…

Nhằm góp phần quản lý quỹ ngân sách nhà nước hiệu quả, thời gian tới, KBNN Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống thông tin thu hoàn chỉnh, đảm bảo xử lý và cung cấp dữ liệu thu ngân sách nhà nước theo thời gian thực; đổi mới cơ chế kiểm soát cam kết chi… Điển hình như:

- Về kế toán nhà nước: KBNN Việt Nam định hướng hiện đại hoá quy trình lập báo cáo thu, chi, quyết toán ngân sách nhà nước, xây dựng chế độ kế toán nhà nước thống nhất theo nguyên tắc dồn tích…

- Về huy động vốn và quản lý ngân quỹ: KBNN Việt Nam định hướng huy động vốn đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và trả nợ gốc ngân sách nhà nước; quản lý ngân quỹ nhà nước chủ động, an toàn và hiệu quả thông qua công cụ quản lý hiện đại….

- Về công nghệ thông tin: KBNN Việt Nam định hướng sẽ triển khai kiến trúc tổng thể hệ thống công nghệ thông tin của KBNN giai đoạn 2021-2030 để hình thành kho bạc số; xây dựng hệ thống quản lý ngân sách và kế toán nhà nước công nghệ số đóng vai trò là hệ thống cốt lõi trong kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của KBNN…

Nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã có những bước tiến ban đầu theo hướng quản lý thặng dư ngân quỹ hiệu quả hơn; đã chuyển sang sử dụng ngân quỹ hiệu quả, hỗ trợ chính sách tài chính khác như quản lý nợ, phát triển thị trường... Tuy nhiên, theo ông Mike Williams, Chuyên gia IMF, phải tiếp tục tham vấn các cơ quan liên quan đẩy mạnh các vấn đề này hơn nữa trong thời gian tới. Cụ thể, đổi mới chức năng quản lý kho bạc cần lưu ý 3 trụ cột cơ bản sau:

Thứ nhất, xây dựng tài khoản kho bạc thống nhất hoặc duy nhất. Vấn đề này, hiện nay Việt Nam đã triển khai và thực hiện khá hiệu quả, kiểm soát được nguồn lực.

Thứ hai, phải xây dựng được dự báo dòng tiền. “Việt Nam hiện đang tăng cường năng lực và dành nguồn lực cho việc này, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới”, ông Mike Williams nhận định.

Thứ ba, là phải quản lý ngân quỹ chủ động.

Tại hội thảo, các chuyên gia còn tập trung thảo luận, nghiên cứu, phân tích, đánh giá về cách thức tổ chức thực hiện các chức năng và mô hình tổ chức Kho bạc trên thế giới tùy theo điều kiện về kinh tế, chính trị - xã hội tại mỗi quốc gia; cải thiện hiệu lực, hiệu quả trong thực thi ngân sách, đặc biệt là việc nghiên cứu đổi mới chức năng quản lý kho bạc đề xuất mô hình kiểm soát cam kết chi theo thông lệ chung; hiện đại hóa công tác kế toán và báo cáo ngân sách, báo cáo tài chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành, địa phương trong việc sử dụng kinh phí ngân sách các cấp; thực hiện quản lý quỹ theo hướng chủ động, an toàn và hiệu quả… Từ đó, xác định những vấn đề trọng tâm cần đổi mới, giải quyết các lĩnh vực cần ưu tiên cải cách trong quản lý tài chính – ngân sách nói chung và lĩnh vực hoạt động của KBNN Việt Nam nói riêng trong thời gian tới.