Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 10/2019

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn ra gay gắt và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này đã, đang tác động không nhỏ tới nền kinh tế của cả hai nước, cũng như các nền kinh tế mở khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng ít nhiều từ cuộc chiến này bởi Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác thương mại lớn.
Nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng ít nhiều từ cuộc chiến này bởi Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác thương mại lớn.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng ít nhiều từ cuộc chiến này bởi Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác thương mại lớn của nước ta. Bài viết trao đổi những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với nền kinh tế Việt Nam trên một số phương diện, từ đó đưa ra một số kiến nghị trong thời gian tới.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và tác động đến kinh tế Việt Nam

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chính thức nổ ra từ ngày 22/3/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ (để ngăn chặn hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ từ Trung Quốc). Đáp trả hành động của Mỹ, ngày 2/4/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc đã áp đặt thuế đối với 128 sản phẩm của Mỹ... Từ đó đến nay, sự leo thang căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt qua biên giới 2 nước, tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, độ mở rất lớn của nền kinh tế Việt Nam đặt ra nhiều thách thức, nhất là khi kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ suy giảm vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Bất ổn trong thương mại quốc tế cũng sẽ dẫn đến các bất ổn của thị trường quốc tế, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm và nhiều khía cạnh khác của kinh tế vĩ mô.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam - Ảnh 1

Đối với Việt Nam, kết quả phân tích định lượng từ mô hình kinh tế lượng toàn cầu mới đây của Trung tâm thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) cho thấy, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động tiệu cực bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tác động tiêu cực sẽ lan toả dần từ thương mại sang sản xuất, các năm sau sẽ có tác động lớn hơn các năm trước. Theo dự báo, đỉnh điểm của tác động tiêu cực là vào năm 2020 - 2022, sau đó thị trường sẽ tự điều chỉnh, giảm dần tác động tiêu cực vào các năm tiếp theo. Cụ thể, với kịch bản đánh thuế Mỹ áp thuế 25% với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như vừa qua, GDP của Việt Nam có thể giảm 0,29% trong năm 2019 và 0,39% trong năm 2020 so với kịch bản không có chiến tranh thương mại. Về cơ bản, đối với nền kinh tế Việt Nam, có thể thấy tác động của chiến tranh thương mại đến nền kinh tế trên một số phương diện sau:

Tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu

Việt Nam có quan hệ thương mại sâu rộng với cả Mỹ và Trung Quốc. Theo kết quả nghiên cứu của NCIF, xuất nhập khẩu chịu tác động mạnh, với mức tác động tăng dần đến đỉnh điểm là giai đoạn 2020-2022, sau đó giảm dần. Xuất khẩu có thể giảm 0,45% vào năm 2019 và 0,74% vào năm 2020, trong khi đó nhập khẩu có thể giảm 0,4% vào năm 2019, 0,74% vào năm 2020 và gần 1% vào giai đoạn 2021-2022. Mức độ ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại tới kinh tế Việt Nam sẽ còn lớn hơn trong kịch bản Mỹ đánh thuế đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất bị đánh thuế cao sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam mở rộng hoạt động xuất khẩu các mặt hàng tương tự sang Mỹ. Đây là cơ hội cho không ít DN có thể mua được nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng với giá rẻ, từ đó hàng hóa sẽ tăng sức cạnh tranh xuất khẩu sang thị trường Mỹ thay thế phần nào hàng hóa Trung Quốc. Về trung hạn, Việt Nam có thể có sự gia tăng sản phẩm của một số ngành xuất khẩu có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và nhiều khả năng sẽ diễn ra xu hướng chuyển các công ty xuyên quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam. Để làm được điều này, Việt Nam cần có thời gian để thích nghi với các điều kiện kinh tế mới. Khi hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị áp thuế, để giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ, duy trì năng suất, Trung Quốc có thể có những chính sách phá giá, đẩy hàng hóa sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam...

Tác động đối với thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam

"Ngọn lửa" chiến tranh tiền tệ đã được Trung Quốc và Mỹ "nhóm lên" từ tháng 7/2019 sau động thái Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ giá nội tệ, trong khi Mỹ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Trong tương lai gần, chiến tranh tiền tệ có thể chưa diễn ra, bất chấp các động thái giảm giá đồng nội tệ của một số nước, song Ngân hàng Trung ương các nước sẽ không thể “lơ là” với các diễn biến khó lường những ngày gần đây và tới đây.

Đối với Việt Nam - nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu thường sẽ rất nhạy cảm đối với các động thái ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, tiền tệ toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế lớn có kim ngạch xuất nhập cao với Việt Nam.

Theo báo cáo do TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả (Viện Nghiên cứu Đào tạo Ngân hàng BIDV) công bố ngày 6/8/2019, dù Việt Nam hiện không bị Mỹ "gắn mác" là nước thao túng tiền tệ song đã bị đưa vào danh sách 21 nước thuộc diện theo dõi. Việt Nam cũng là quốc gia có khả năng khá cao bị chuyển sang nhóm các nước thao túng tiền tệ, nếu không có biện pháp phù hợp, quyết liệt do đã chạm ngưỡng cán cân thương mại với Mỹ thặng dư trên 20 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam - Ảnh 2

Trong khi đó, điều kiện thứ ba mà phía Mỹ quan tâm là việc can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối thông qua việc mua ròng ngoại tệ liên tục của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã gần chạm ngưỡng (1,7% GDP so với ngưỡng 2% GDP). Đây là rủi ro đối với Việt Nam trong những lần rà soát tiếp theo của Bộ Tài chính Mỹ.

Bên cạnh đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng đứng trước thách thức khi Trung Quốc và các nước trong khu vực, trên thế giới phá giá đồng nội tệ để bảo vệ xuất khẩu hàng hóa. Điều này sẽ gây áp lực lên tỷ giá của đồng Việt Nam với các ngoại tệ, từ đó gây áp lực không nhỏ đến kiểm soát lạm phát, thị trường chứng khoán, dự trữ ngoại hối và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.  

Tác động đến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam

Với môi trường kinh doanh thông thoáng, an ninh, chính trị ổn định, Việt Nam được đánh giá là điểm thu hút đầu tư hấp dẫn. Thực tế 9 tháng đầu năm 2019 cũng đã minh chứng điều này. Cụ thể, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước tính đến 20/9/2019, Việt Nam đã thu hút 2.759 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt hơn 10,9 tỷ USD, tăng 26,4% về số dự án và giảm 22,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, đã có 1.037 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4.789,8 triệu USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 9 tháng năm nay đạt hơn 15,7 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 9 tháng năm 2019 Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 2,09 tỷ USD, chiếm 19,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc hơn 2,02 tỷ USD, chiếm 18,4%; Nhật Bản hơn 1,5 tỷ USD, chiếm 14,4%...

Một số đề xuất, kiến nghị

Thời gian tới, để hạn chế những tác động tiêu cực, tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Đối với cơ quan quản lý

- Rà soát lại những quy định chính sách của Việt Nam, đảm bảo có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hóa nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới; Theo dõi các biện pháp bảo hộ của các nước, để sớm đề ra các chính sách ứng phó có hiệu quả.

- Chủ động đưa ra các biện pháp để bảo vệ hàng hóa trong nước cũng như ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ nước ngoài. Áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, sử dụng các biện pháp giải quyết và kiểm soát chất lượng hàng hóa, nhằm ngăn chặn ngay tại các cửa khẩu, hải quan; Nghiên cứu kỹ các hàng hoá của Trung Quốc có thể nhập vào Việt Nam để đề phòng trường hợp do xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị hạn chế, nước này sẽ chuyển hàng sang Việt Nam, từ đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ với nhãn mác là hàng từ Việt Nam…

- Thường xuyên theo dõi sát sao động thái của Ngân hàng Trung ương các nước; Chủ động đưa ra các biện pháp đối phó với nguy cơ biến động tỷ giá giữa NDT và USD tác động tới thương mại Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; Theo dõi chặt chẽ tình hình, đặc biệt là thông báo, cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc, cũng như động thái tỷ giá cả đồng USD và nhân dân tệ để DN có phản ứng kịp thời.

- Tiếp tục giữ vững được các thị trường truyền thống như EU, Đông Âu; khai thác những lĩnh vực còn khả năng phát triển. Chủ động xúc tiến thương mại sang các thị trường mới nổi khác cũng là các biện pháp nên được quan tâm nhằm đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, hoặc tạo nên thị trường thay thế cho các biến động thương mại lớn để có thể đảm bảo mục tiêu xuất nhập khẩu ổn định, giảm thiểu tối đã ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

- Tiếp tục có những chính sách tốt tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh và đầu tư bởi với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đang là một nước có tiềm năng lớn có thể thay thế vai trò sản xuất của Trung Quốc cho các tập đoàn đa quốc gia muốn hướng tới tiêu thụ sản phẩm ở thị trường Mỹ; Tiếp cận nhanh với các nhà đầu tư lớn trên thế giới, tranh thủ thời cơ thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng để xúc tiến đầu tư vào Việt Nam...

Đối với doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần đồng hành cùng Nhà nước trong quá trình đối phó với những biến động xấu đến từ cuộc chiến. Tăng cường cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc, cũng như động thái tỷ giá của đồng USD và NDT, để kịp thời có những phản ứng phù hợp. DN cần tìm hiểu sâu hơn những quy định mới của Mỹ, nhất là với các loại hàng hoá trong danh mục bị áp thuế, để đa dạng hóa xuất khẩu vào Mỹ.

- Tích cực khai thác những lợi ích từ các FTA đã ký kết, trong đó có nhiều thị trường quan trọng, có thể bù đắp vào phần giảm sút, do chiến tranh thương mại gây nên...

- Tăng cường chất lượng hàng hóa, đa dạng về hình thức, mẫu mã, với giá cả phù hợp để tăng sức cạnh tranh của các DN sản xuất trong nước và đối với các DN xuất khẩu; Định hướng nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu của mình theo hướng bền vững, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu.  

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Thị Thanh Hương (2019), Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và một số tác động đến Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2019;

2. Nguyễn Văn Lịch (2018), Chiến tranh thương mại: Phải tìm ra lợi thế để vượt qua, Trang điện tử bnews.vn;

3. Phương Anh (2018), Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam cần có những đối sách kịp thời và phù hợp, Tạp chí Kinh tế và Dự báo;

4. Việt Hoàng (2019), Hậu quả của chiến tranh tiền tệ đối với thế giới và Việt Nam ra sao?, Tạp chí điện tử Tài chính.