Chính sách, pháp luật về cổ phần hóa DNNN đã ban hành đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

PV. (Tổng hợp)

Đánh giá về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016 tại phiên họp ngày 28/5/2018 của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng, công tác quản lý vốn, tài sản nhà nước, cổ phần hóa DNNN thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, công tác quản lý vốn, tài sản nhà nước, cổ phần hóa DNNN thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nguồn: quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, công tác quản lý vốn, tài sản nhà nước, cổ phần hóa DNNN thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nguồn: quochoi.vn

Trình bày Báo cáo tóm tắt của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 – 2016, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, thời gian qua, chính sách, pháp luật về cổ phần hóa DNNN cơ bản đã được ban hành đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bám sát định hướng, chủ trương của Đảng.

Trong giai đoạn 2011-2016, chính sách, pháp luật về cổ phần hóa DNNN đã được ban hành dưới dạng nghị định, thông tư là khá đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Chứng khoán, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Đất đai… Đặc biệt, năm 2014, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là bước hoàn thiện có tính pháp lý cao nhất về quản lý DNNN. Việc hoàn thiện thể chế quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN nhìn chung khá đầy đủ, kịp thời hơn so với giai đoạn trước.

Nhờ đó, giai đoạn 2011 – 2016, cả nước đã cổ phần hóa 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp; Các cơ quan, đơn vị về cơ bản đã thực hiện trình tự, thủ tục cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật, không làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, hài hòa quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và người lao động tại doanh nghiệp.

Từ năm 2011 đến hết năm 2015, đã có 276 doanh nghiệp cổ phần hóa phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán với tổng số cổ phần chào bán là 3.068.158.697 cổ phiếu, trị giá 17.558 tỷ đồng. Số cổ phiếu bán được là 1.500.663.351 cổ phiếu, trị giá 20.547 tỷ đồng, đạt 49% tổng số lượng cổ phần chào bán. Việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, đăng ký giao dịch, niêm yết của các doanh nghiệp cổ phần hóa trên thị trường chứng khoán đã tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn nhà nước có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển. Đến hết năm 2016, sau 5 năm, tổng tài sản của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tăng 45,8%; Vốn chủ sở hữu tăng 92,2%. Hiệu quả kinh doanh của DNNN xét trên tiêu chí lợi nhuận tạo ra, nộp ngân sách nhà nước có chiều hướng tích cực. Năm 2016, các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước phát sinh phải nộp NSNN 62.967 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2015 nếu xét trong cùng số lượng doanh nghiệp hiện có năm 2015…

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội khẳng định công tác quản lý vốn, tài sản nhà nước, cổ phần hóa DNNN thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của DNNN còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ; Chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế cũng như chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế. Một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra; Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao…

Để khắc phục những tồn tại, vướng mắc và phát huy những kết quả đã đạt được trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN, các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục nâng cao thực hiện công tác này. Theo đó, tiếp tục kiện toàn hệ thống quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản, cổ phần DNNN; Kiện toàn mô hình hoạt động của SCIC; Xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, công ty, dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; Xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm trong quá trình cổ phần hóa nhằm ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản của nhà nước; Nâng cao chất lượng quản trị DNNN, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Đảm bảo công khai, minh bạch việc mua bán tài sản, thoái vốn của nhà nước; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa DNNN...