Chống chuyển giá – Cần tăng cường hành lang pháp lý

H. Quang

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được mong đợi sẽ bổ sung những nội dung cần thiết, luật hoá một số nguyên tắc cơ bản nhằm tăng cường quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác “chống chuyển giá”.

Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi)
Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi)

Hiện tượng phổ biến

Hơn 10 năm trước đây, hiện tượng chuyển giá còn khá mới lạ ở Việt Nam nhưng đến nay đã trở nên phổ biến. Chuyển giá không chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà còn lan rộng đến các doanh nghiệp trong nước (chuyển giá nội địa).

Dấu hiệu chuyển giá dễ nhận biết nhất tại khu vực FDI là hiện tượng nhiều doanh nghiệp khai lỗ triền miên. Ðại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết, các doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ thường tập trung vào các ngành nghề gia công may mặc; da giày; sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu; công nghiệp chế biến...

Ðặc biệt, có đến 90% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP. Hồ Chí Minh có kết quả kinh doanh thua lỗ, trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng lĩnh vực này đều có lãi.

Nhiều thương hiệu quốc tế lớn làm ăn ở Việt Nam cũng kê khai lỗ như: Công ty Coca-Cola Việt Nam sau 20 năm hoạt động báo lỗ lũy kế 3.678 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Vì lỗ liên tục nên doanh nghiệp này không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp mặc dù doanh thu tăng đều đặn 20% đến 30% mỗi năm.

Ðáng chú ý, Coca-Cola Việt Nam lỗ âm vốn nhưng vẫn có kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn cũng nằm trong diện nghi vấn gian lận chuyển giá như: siêu thị Big C, siêu thị Metro Việt Nam, Công ty PepsiCo Việt Nam, Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam...

Gian lận chuyển giá không chỉ gây thất thu thuế đối với ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế. Ðó là, hoạt động chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Quy mô các khoản thu này là không nhỏ vì khu vực FDI hiện nay đã chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu và tổng thu ngân sách nhà nước.

Không chỉ trốn thuế, các doanh nghiệp FDI dưới hình thức công ty liên doanh còn chiếm đoạt cả vốn và lợi nhuận của phía đối tác trong nước chuyển ra nước ngoài, từ đó tạo dòng chảy vốn ngược trở về nước đã xuất khẩu FDI. Nhiều chuyên gia lo ngại, dòng chảy này có thể làm méo mó môi trường đầu tư và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Gian lận chuyển giá cũng gây ra tình trạng lỗ giả. Cụ thể là chuyển giá đối với máy móc, thiết bị đầu tư hoặc góp vốn liên doanh và chuyển giá qua việc công ty mẹ ở nước ngoài cung cấp nguyên phụ liệu, vật tư, phụ tùng cho công ty con ở Việt Nam với giá cao khiến cho giá trị vốn đầu tư, giá trị góp vốn tăng cao, dẫn tới thu hồi vốn không qua khấu hao làm cho doanh nghiệp thua lỗ giả tạo.

Chuyển giá còn tác động đến mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu trong nước và không tạo được sức lan tỏa từ khu vực FDI đến doanh nghiệp trong nước, thậm chí còn chèn ép các doanh nghiệp trong nước kinh doanh cùng ngành nghề.

Nâng cao hiệu quả công tác chống chuyển giá

PGS., TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá: Cơ quan quản lý nhà nước đã thiết lập và dần hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, tạo cơ sở nhất định cho hoạt động của ngành Thuế trong đấu tranh chống chuyển giá, đặc biệt là tại khu vực FDI.

Ðến nay, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã thành lập năm Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng tại Tổng cục Thuế và bốn Cục Thuế lớn - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI tiềm ẩn rủi ro có phát sinh vấn đề chuyển giá.

Thực tế đã có những điển hình đấu tranh chống chuyển giá thành công như tại Keangnam, Hualon Corporation Việt Nam, Metro Việt Nam, một số doanh nghiệp FDI sản xuất, kinh doanh chè ở Lâm Ðồng...

Công tác đấu tranh chống gian lận chuyển giá ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy: năm 2017, ngành Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 734 doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Từ đó, truy thu, truy hoàn và phạt hơn 2.300 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 7.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tượng chuyển giá đang diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi, đòi hỏi công tác quản lý cần có các giải pháp phù hợp tình hình mới.

Ðáng lưu ý là việc đấu tranh chống chuyển giá hiện nay chủ yếu là do cơ quan thuế đàm phán, thương lượng với doanh nghiệp để giảm lỗ đối với các trường hợp có nghi ngờ, vì chưa đủ cơ sở dữ liệu thuế để chỉ rõ sai phạm của doanh nghiệp. Theo PGS., TS. Ðặng Văn Thanh, có rất nhiều công cụ và chủ thể thực hiện việc kiểm soát hoạt động chuyển giá.

Trong đó, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có vai trò rất quan trọng. Chuyển giá là loại hình gian lận rất đặc biệt, KTNN nên hình thành phương pháp, quy trình kiểm toán riêng có hiệu quả cao, không để tình trạng doanh nghiệp lỗ cả chục năm, biết gian lận chuyển giá nhưng cơ quan thuế không làm gì được như hiện nay.

Theo các chuyên gia, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan với cơ quan thuế trong hoạt động chống chuyển giá, nhất là cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.
Về phía Bộ Tài chính cần nghiên cứu thành lập Cục Thanh tra thuế hoạt động độc lập, có bộ phận tình báo thuế để tiếp cận các thông tin về giá tại các quốc gia có doanh nghiệp FDI. Về lâu dài, cần ban hành luật riêng về chống chuyển giá, tạo hành lang pháp lý để đấu tranh có hiệu quả với hiện tượng này.

PGS., TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá: Cơ quan quản lý nhà nước đã thiết lập và dần hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, tạo cơ sở nhất định cho hoạt động của ngành thuế trong đấu tranh chống chuyển giá, đặc biệt là tại khu vực FDI. Ðến nay, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã thành lập năm Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng tại Tổng cục Thuế và bốn Cục Thuế lớn - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI tiềm ẩn rủi ro có phát sinh vấn đề chuyển giá.