Chủ động nguồn ngân sách địa phương đảm bảo phát triển kinh tế và an sinh xã hội


Bộ Tài chính vừa có Công văn số 8299/BTC-NSNN ngày 08/7/2020 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách địa phương những tháng cuối năm 2020.

Chủ động nguồn ngân sách địa phương đảm bảo phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Chủ động nguồn ngân sách địa phương đảm bảo phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan

Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách theo quy định. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kết hợp với các biện pháp hỗ trợ khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút các nguồn vốn đầu tư mới, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, từ đó quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo dự toán Quốc hội quyết định.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan tại địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. 

Tập trung chỉ đạo, thực hiện việc tái cấu trúc, đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở rộng các phương thức bán cổ phần phấn đấu đảm bảo số thu từ cổ phần, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo dự toán.

Cùng đó, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước; tập trung tháo gỡ các vướng mắc, rào cản trong quản lý đầu tư và xây dựng, nhất là vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép xây dựng, đấu thầu,... tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các chủ dự án.

Chỉ đạo các cấp ngân sách và các cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020.

Căn cứ quyết định cắt giảm và tiết kiệm thêm dự toán chi thường xuyên còn lại của năm 2020 của UBND các cấp; Kho bạc Nhà nước thực hiện giữ lại tại ngân sách các cấp đối với số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm thêm được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các cơ quan, đơn vị chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước. Các đơn vị sử dụng ngân sách có thể thực hiện điều chỉnh phân bổ phần ngân sách còn lại để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng đã được giao.

Việc sử dụng số kinh phí cắt giảm và tiết kiệm thêm được thực hiện theo quyết định của các cấp có thẩm quyền. Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn để các địa phương thực hiện.

UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu, điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương; chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Trong đó chủ động đảm bảo nguồn ngân sách địa phương (bao gồm cả nguồn cải cách tiền lương còn dư theo quy định) và sử dụng nguồn ngân sách trung ương bổ sung (nếu có) để thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; không để phát sinh tình trạng chậm, muộn, nợ chế độ, chính sách trên địa bàn.

Các địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách

Do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên cân đối ngân sách trung ương năm 2020 khó khăn, vì vậy, trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao trong khi vẫn phải chi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, địa phương phải chủ động xây dựng phương án điều hành sử dụng các nguồn lực của mình theo quy định để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.

Cụ thể, huy động nguồn dự phòng ngân sách địa phương và tối đa phần còn lại của 70% số dư Quỹ dự trữ tài chính đầu năm 2020 (sau khi đã sử dụng theo chế độ quy định để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19).

Huy động nguồn kết dư ngân sách địa phương, phần tăng thu ngân sách địa phương năm 2019 chuyển nguồn sang năm 2020 sau khi đã dành nguồn để cải cách tiền lương theo quy định (nếu có) và các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của địa phương theo quy định.

Trường hợp địa phương có nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết vượt lớn so với dự toán, UBND xin ý kiến Thường trực HĐND cùng cấp sử dụng nguồn tăng thu này để đảm bảo nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung trong cân đối dự toán ngân sách địa phương năm 2020 khi nguồn thu ngân sách từ thuế, phí bị hụt so với dự toán.

Trường hợp còn nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách địa phương... của các năm trước dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để bù đắp cân đối ngân sách địa phương, khi đó các địa phương báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Sau khi đã sử dụng các nguồn lực nêu trên mà vẫn không đảm bảo bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương, UBND tỉnh trình Thường trực HĐND thực hiện sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán năm 2020.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên...

Xem toàn văn nội dung Công văn số 8299/BTC-NSNN ngày 08/7/2020 tại đây.