TP. Hồ Chí Minh:

Chưa thành trung tâm tài chính quốc tế vì vướng chính sách

Theo Kiều Phong-Hạnh Nhung/sggp.org.vn

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhận xét, việc thiếu cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao có kỹ năng mềm là những trở ngại trong việc thực hiện kế hoạch xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Trung tâm TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trung tâm TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sáng 17/7, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.

Cùng dự có Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cùng chuyên gia trưởng thị trường Việt Nam Ngân hàng Thế giới (WB); các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước...

Lãnh đạo TPHCM tại Hội thảo Xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế. Ảnh: VIỆT DŨNG
Lãnh đạo TPHCM tại Hội thảo Xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Trung tâm tài chính” chưa đáp ứng nhu cầu

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, nhấn mạnh, đây là hội thảo quan trọng, để TP. Hồ Chí Minh lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tài chính đối với thực trạng thị trường tài chính của TP. Hồ Chí Minh hiện nay. Trên cơ sở đó, UBND TPHCM có định hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, vai trò của thị trường tài chính ngày càng được khẳng định, được xem là kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế và giảm dần sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào vốn vay ngân hàng.

Đặc biệt, kể từ sau Nghị quyết Trung ương 11 (hội nghị Trung ương 5, Khóa XII) thị trường tài chính được xác định là 1 trong 5 loại thị trường quan trọng, giúp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại TP. Hồ Chí Minh, thị trường tài chính đã có những tiền đề quan trọng để tăng trưởng, phát triển khi từ năm 2001. Lúc đó, TP. Hồ Chí Minh đã xác định tài chính là 1 trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu của TPHCM. Trước nữa, năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán đã được thành lập tại TP. Hồ Chí Minh.

Đến nay, ngành tài chính tăng trưởng bình quân 8,8%/năm và chiếm tỷ trọng 5,7% GRDP của TP. Hồ Chí Minh. Ngành tài chính giúp thành phố huy động khoảng 460.000 tỷ đồng/năm; đồng thời đóng góp khá nhiều về cơ chế, chính sách cho quá trình hội nhập quốc tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Song, nhìn chung thị trường tài chính TP. Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều khó khăn. Lực cản lớn nhất là Thành phố chưa thể hình thành nên một trung tâm tài chính để đáp ứng nhu cầu của 13 triệu dân thành phố và hơn 7 triệu khách quốc tế.

Vì vậy, thông qua buổi hội thảo này, TP. Hồ Chí Minh mong muốn cùng trao đổi, lắng nghe góp ý, hiến kế của các chuyên gia để xác định hướng đi phù hợp trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong gợi ý một số vấn đề quan trọng cần trao đổi thấu đáo, như về mô hình phát triển; cơ sở hạ tầng; sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, tổ chức tài chính.

“Trung tâm tài chính phải thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp, tổ chức tài chính lớn tham gia, có thể TPHCM phải chấp nhận từ bỏ những lợi ích trước mắt để đạt được những lợi ích lớn hơn trong tương lai”, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Ngoài ra, để TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính thì những yếu tố liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách và tính đặc thù của TP. Hồ Chí Minh so với các địa phương trên thế giới đóng vai trò quyết định.

 “Việc thiếu cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao… là những trở ngại khi thực hiện đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế”, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhận xét và tin tưởng, hội thảo sẽ giúp Thành phố có những tham mưu đề xuất với các cơ quan Trung ương ban hành, sửa đổi những quy định để góp phần hoàn chỉnh thị trường tài chính tại TP. Hồ Chí Minh.

Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước tham dự, đóng góp ý kiến. Ảnh: VIỆT DŨNG
Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước tham dự, đóng góp ý kiến. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đòi hỏi chính sách, quy định từ Trung ương

Tại hội thảo, TS. Vũ Thành Tự Anh, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận xét, TP. Hồ Chí Minh nằm ở vị trí thuận lợi để phát triển dịch vụ. Vì thế, một trong những loại hình dịch vụ cần ưu tiên tập trung phát triển là dịch vụ tài chính và kinh doanh, để từng bước phát triển thành trung tâm tài chính phục vụ khu vực, quốc gia và dần bước ra thế giới.

Tuy nhiên, TS. Vũ Thành Tự Anh nhắc lại, nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu phát triển thành trung tâm tài chính của khu vực nhưng chưa đạt được kết quả. Do đó, Thành phố cần có sự thay đổi trong tiếp cận, cần nương theo biến động và xu thế của khu vực và thế giới. Có như thế, TP. Hồ Chí Minh mới có thể lọt vào danh sách trung tâm tài chính của quốc tế, dần dần khẳng định vị thế trên thế giới.

TS Vũ Thành Tự Anh. Ảnh: VIỆT DŨNG
TS Vũ Thành Tự Anh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về định hướng phát triển, TS. Vũ Thành Tự Anh đề xuất TP. Hồ Chí Minh cần tìm một số “thị trường ngách” để tạo sự khác biệt và đột biến trong thị trường tài chính. Hiện nay, Thành phố nằm gần trung tâm sản xuất lớn nhất về cà phê, lúa gạo… nên TP. Hồ Chí Minh cần quan tâm đến việc hình thành trung tâm giao dịch hàng hóa, phục vụ cho nhu cầu của khu vực, của vùng.

“Đặc biệt, để TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính của cả nước, khu vực và thế giới đòi hỏi về giải pháp tổng thể từ Trung ương đến địa phương, vì các quy định về thể chế, chính sách được ban hành từ Trung ương”, TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

TS. Trần Du Lịch đồng tình với cách đặt vấn đề trên và cho biết, cách đây hơn 15 năm, TP. Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch xây dựng Thành phố thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Đến nay, “liệu TP. Hồ Chí Minh có còn đóng vai trò đầu tàu trong việc phát triển thị trường tài chính của nước ta và khẳng định vị thế đối với khu vực trong dài hạn?”, TS. Trần Du Lịch đặt vấn đề.

TS Trần Du Lịch. Ảnh: VIỆT DŨNG
TS Trần Du Lịch. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo TS. Trần Du Lịch, năm 2002, Bộ Chính trị đã xác định xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính của cả nước và từng bước thành trung tâm tài chính của khu vực ASEAN. Năm 2012, nội dung này được khẳng định lại.

Song, gần đây dường như ý tưởng xây dựng trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh theo định hướng của Bộ Chính trị ít được nhắc và càng mờ nhạt trong chính sách.

“Phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề quốc gia, chứ không phải vấn đề riêng của Thành phố”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh và phân tích, nếu căn cứ vào pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường tài chính, chính quyền địa phương chỉ có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển trên nền tảng thực hiện chủ trương của Chính phủ.

Đồng tình với nhận định, TP. Hồ Chí Minh nằm ở vị trí thuận lợi phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế nhưng TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh “mưu sự tại nhân” nên tiếp tục đề nghị định hướng xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc gia, hướng tới khu vực và quốc tế phải thể hiện trong chủ trương, chính sách và khuôn khổ pháp lý từ Trung ương. Đây là một điều kiện quan trọng để Thành phố xác lập vị trí, vai trò của một trung tâm tài chính của Quốc gia và hướng tới khu vực.