Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế cần mạnh mẽ hơn

Song Ngư

Đó là khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khi đề cập đến định hướng xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 20/10.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 20/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã báo cáo Quốc hội về định hướng xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, trong giai đoạn 2021-2025, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế đặt ra mạnh mẽ hơn với các nền tảng đột phá về thể chế, kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn lực con người. Bối cảnh đó yêu cầu phải thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế quyết liệt hơn nhằm nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực theo cơ chế thị trường, “giải phóng” nguồn lực sản xuất của nền kinh tế.

Trong giai đoạn 2021-2025, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế đặt ra mạnh mẽ hơn với các nền tảng đột phá về thể chế, kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn lực con người.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh khẳng định, Ủy ban Kinh tế tán thành việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đồng thời nhấn mạnh một số quan điểm, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới, cụ thể: Phát triển đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất kết hợp với khai thác hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là trọng tâm của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới. Trong đó, cần đổi mới mạnh mẽ về thể chế phát triển thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học, công nghệ; hoàn thiện thể chế đối với các hình thức kinh doanh mới.

Đổi mới toàn diện phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, cải cách thể chế kinh tế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, xây dựng Nhà nước liêm chính, kiến tạo, Chính phủ điện tử, tăng cường kỷ cương, kỷ luật và hiệu lực thực thi pháp luật; giảm thiểu vai trò kinh doanh, đầu tư trực tiếp của Nhà nước. Có lộ trình và giải pháp khả thi để hoàn thành dứt điểm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng trong những năm đầu của giai đoạn 2021-2025 nhằm tập trung nguồn lực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...

Bên cạnh đó, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và thu hút, sử dụng FDI có chất lượng, hiệu quả; trong đó kinh tế tư nhân là chủ thể quan trọng của quá trình cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, đổi mới sáng tạo, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành, phát triển một số doanh nghiệp tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh, khả năng cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy kết nối giữa khu vực doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các ngành và địa bàn kinh tế ưu tiên. Hoàn thiện thể chế liên kết vùng, triển khai tốt công tác quy hoạch nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương, tăng tính kết nối nội vùng và liên vùng, tạo không gian phát triển mới...

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ trướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục thực hiện nhằm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2016-2020 đồng thời bổ sung các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế với bước đi phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần được xây dựng đảm bảo phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về quan điểm, định hướng và mục tiêu của chiến lược phát triển quốc gia thời kỳ 2021-2030; phù hợp với định hướng phát triển của ngành và lãnh thổ được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.

Đồng thời, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực thông qua phát triển đồng bộ các loại thị trường kết hợp với tận dụng khai thác cơ hội của công nghệ số. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, tích lũy năng lực công nghệ; đồng thời tạo đột phá ở một số lĩnh vực có tiềm năng như công nghệ số. Khắc phục cơ cấu nền kinh tế chia cắt, cát cứ, thiếu kết nối, thiếu bổ sung hợp lý giữa các thành phần, các địa bàn kinh tế; tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và chủ động dần nâng cấp vị trí trong chuỗi giá trị. Nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài...