Chuyên gia nói gì về kết quả cải cách thủ tục hành chính của ngành Tài chính?
Trong năm qua những cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính (TTHC) của các bộ, ngành đã hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cũng như uy tín của quốc gia. Trong đó, lĩnh vực tài chính, đặc biệt là thuế, hải quan đã có những chuyển biến mạnh, nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư trong việc phát triển sản xuất kinh doanh.
Về thể chế chính sách, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế mới; trong đó có nhiều nội dung về cải cách thủ tục hành chính cả về thuế cũng như hải quan. Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; Thông tư số 68/2019/TT-BTC ngày 30/9/2019 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, tạo cơ sở quan trọng để cải cách trong việc sử dụng, quản lý hóa đơn, chứng từ.
Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã ban hành mới và sửa đổi 07 Thông tư; Tham mưu ban hành Nghị định quy định thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành, làm cơ sở pháp lý quan trọng trong đột phá về cải cách hiện đại hóa hải quan (Nghị định số 85/2019/NĐ- CP ngày 14/11/2019 vừa được Chính phủ ban hành).
Bên cạnh đó, cơ quan thuế, hải quan đã tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, quản lý hải quan. Theo đó, 99,87 % DN kê khai thuế điện tử; 99,53% DN nộp thuế điện tử, 93.61% DN hoàn thuế điện tử; có 133/304 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 (cuối năm 2019 sẽ lên 188/304 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4). Hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được triển khai ở 100% các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan.
Với những kết quả ấn tượng đó, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và cộng đồng DN đã có những đánh giá tích cực về những nỗ lực của Bộ Tài chính.
Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Công tác hiện đại hóa ngành Tài chính đáp ứng yêu cầu đổi mới, hiện đại hóa trong giải quyết TTHC
Những kết quả cải cách của Bộ Tài chính đã góp phần tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được xã hội, cộng đồng người dân và DN đánh giá cao.
Kết quả cũng được thể hiện qua đánh giá về các chỉ số, như: Bộ Tài chính luôn nằm trong Top đầu của 19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính (Par Index) và là Bộ đứng đầu về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT index) trong nhiều năm liên tiếp.
Bộ TTHC chỉ là phần xác, còn phần hồn là hành động tác động đến nó như thế nào, đó chính là ý chí con người. Do đó, cùng với việc cải cách hành chính; rà soát, cắt giảm các TTHC thì cần sắp xếp lại và đầu tư cho con người. Phải có nguồn nhân lực đủ trình độ đáp ứng trong tình hình mới, thì công tác cải cách mới đạt hiệu quả cao nhất.
Tôi được biết, thời gian qua Bộ Tài chính đã quyết liệt trong đổi mới, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, đặc biệt trong ngành Thuế, Hải quan, Kho bạc để phù hợp với yêu cầu quản lý. Đội ngũ cán bộ công chức có năng lực, trình độ ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ.
Công tác tài chính công có nhiều cải cách trong việc huy động và phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính, an ninh tài chính được đảm bảo. Công tác hiện đại hóa ngành Tài chính được coi trọng, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hiện đại hóa trong giải quyết TTHC và quản lý.
Những hiệu quả bước đầu trong việc giảm bớt các tầng nấc trung gian, giảm các bộ phận quản lý nội ngành, tập trung nguồn lực cho bộ phận tác nghiệp trực tiếp; qua đó, giảm số người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cấp chi cục và cấp đội (chi cục trưởng, đội trưởng và tương đương), thanh lọc bộ máy, góp phần cơ cấu lại đội ngũ công chức của ngành Tài chính. Với những kết quả đạt được, tôi cho rằng ngành Tài chính sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.
Tôi cho rằng trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC nói riêng, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phấn đấu các chỉ số cải cách đạt chuẩn xếp hạng các nước ASEAN 4 và hướng tới tiêu chuẩn của các nước OECD.
Ông Nguyễn Trần Hiệu, Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan:
Triển khai các giải pháp giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan thường xuyên đánh giá tác động của TTHC trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa TTHC lĩnh vực hải quan.
Số lượng TTHC về lĩnh vực hải quan đã giảm từ 239 thủ tục (trước khi có Luật Hải quan 2014) giảm xuống còn 181 thủ tục hiện nay.
Trong số 181 TTHC, hồ sơ, giấy tờ đã được đơn giản hóa, phần lớn được thực hiện theo phương thức điện tử, tạo điều kiện cắt giảm chi phí hành chính cho doanh nghiệp.
Nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục tích cực phối hợp các bộ, ngành thực hiện quyết liệt việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan để thích ứng với sự gia tăng nhanh chóng của thương mại điện tử và hội nhập quốc tế.
Trong năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã và đang triển khai các giải pháp cải cách hiện đại hóa nhằm nâng hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới, cụ thể là các giải pháp giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hải quan.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:
Cách làm hay của ngành Hải quan cần tiếp tục được nhân rộng
Quan sát quá trình 5 năm qua cho thấy, Bộ Tài chính đã có nhiều nỗ lực trong công tác CCHC, hiện đại hóa ngành, giảm thủ tục cho doanh nghiệp.
Trong số hơn 18 triệu ngày công tiết kiệm, theo công bố của Văn phòng Chính phủ, có sự đóng góp đứng đầu của ngành Tài chính, tiết giảm thời gian nộp thuế cho người dân và doanh nghiệp. Trình độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Tài chính cũng rất đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, cách làm hay của ngành Hải quan cần tiếp tục được nhân rộng,… Các ngành, địa phương cũng cần xác định chuẩn hóa từng vị trí việc làm, để đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện CCHC. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ thực hiện trên mạng internet, giảm tiếp xúc giữa cán bộ với người dân và doanh nghiệp.
Kết quả tiếp tục giữ vững top đầu về CCHC trong năm 2018 tiếp tục khẳng định chuỗi nỗ lực, cố gắng của Bộ Tài chính. Năm 2019, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tài chính công và hiện đại hóa ngành.
Điều đáng nói là một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã định danh cụ thể trong nhận diện các hành vi cần chống, như: ngành Hải quan đã định danh được 300 hành vi sách nhiễu DN, tạo sự chuyển biến rõ nét về chuẩn hóa thủ tục hải quan. Đây chính là kết quả khẳng định chuỗi cố gắng của Bộ Tài chính.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Hơn 80% doanh nghiệp hài lòng và đánh giá mức độ dễ tiếp cận đối với chính sách thuế.
Trong xã hội hóa những dịch vụ công liên quan đến thuế, ngành tài chính luôn đi đầu, nhất là các dịch vụ về thuế, quản lý rủi ro trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra về thuế. Ngành tài chính mà tiên phong là cơ quan thuế đã đi đầu và chấp nhận sự đánh giá của DN để làm căn cứ thúc đẩy cải cách. Ngành tài chính cũng là ngành đầu tiên phối hợp với VCCI để tổ chức việc khảo sát sự hài lòng của người dân, DN.
Qua kết quả khảo sát, đại diện VCCI cũng đánh giá cao những nỗ lực của ngành thuế trong cung cấp thông tin chính sách thuế khi có đến hơn 80% DN hài lòng và đánh giá mức độ dễ tiếp cận đối với chính sách thuế.
Bên cạnh đó, dịch vụ thuế điện tử được triển khai sâu rộng đến DN. Thanh toán thuế, nộp thuế điện tử (NTĐT) là chỉ số có những tiến bộ rõ ràng và chính việc áp dụng công nghệ thông tin vào thực hiện kê khai đăng ký và NTĐT là điểm sáng trong cải cách hành chính của Việt Nam và đóng góp quan trọng trong việc tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Vấn đề thanh tra kiển tra đã có những chuyển biến tích cực khi có đến 80% DN đánh giá không trùng lặp. Đặc biệt, sự cải thiện tích cực trong phục vụ của công chức thuế và hiệu quả giải quyết công việc của công chức thuế đạt mức tốt (8,9 điểm). Điều này được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao.