Nghị định số 69/2019/NĐ-CP:
Cơ sở pháp lý quan trọng về sử dụng tài sản công thanh toán dự án BT
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Dự án BT) là cơ sở pháp lý quan trọng trong thực hiện.
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Chính phủ quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT.
Trước đây, cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 183/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 của Bộ Tài chính quy định chỉ có một hình thức thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.
Nghị định số 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT được ban hành ngày 15/8/2019 đã tạo lập cơ sở pháp lý quan trọng trong thực hiện.
Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, ngoài việc thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, Nhà nước cho phép sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức này.
Thực tiễn trong quá trình thực hiện cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT theo quy định trước đây có phát sinh vướng mắc. Do đó, để khắc phục tình trạng này và triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán dự án BT là cần thiết, tạo lập cơ sở pháp lý quan trọng trong thực hiện.
Việc ban hành Nghị định số 69/2019/NĐ-CP cũng phù hợp với quy định từ ngày 01/7/2016 trở đi, thủ tục hành chính không được quy định tại Thông tư cấp Bộ theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Quy trình soạn thảo chặt chẽ
Nghị định số 69/2019/NĐ-CP được xây dựng bám sát Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai và kế thừa quy định về cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đang phát huy tốt trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, Nghị định đã sửa đổi các nội dung không còn phù hợp với thực tế và bổ sung một số nội dung quy định mới nhằm kịp thời hướng dẫn, tổ chức thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.
Trong đó, Nghị định bổ sung thêm việc sử dụng một số loại tài sản công khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện nự án BT bao gồm: Quỹ đất; Đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội; Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; Các loại tài sản công khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong quá trình soạn thảo, cơ quan soạn thảo Nghị định (Bộ Tài chính) đã tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản Nghị định theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn. Bộ Tài chính đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan (thông qua văn bản, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và lấy ý kiến trực tiếp tại một số hội thảo); xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở ý kiến tham gia, Ban soạn thảo đã tổng hợp tiếp thu, giải trình, hoàn thiện và trình Chính phủ theo đúng quy định.
Tại buổi họp báo của Bộ Tài chính giới thiệu nội dung chính Nghị định số 69/2019/NĐ-CP, ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, Nghị định gồm 03 Chương với 19 Điều, chỉ quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT và có hiệu lực từ ngày 1/10/2019. Việc lập, thẩm định, phê duyệt và công bố danh mục dự án; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán, ký kết hợp đồng dự án BT... được thực hiện theo quy định của pháp luật về các lĩnh vực xây dựng, đầu tư, đối tác công tư, đầu thầu.
Theo đó, đối tượng áp dụng quy định tại Nghị định là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng BT; Cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ủy quyền ký kết hợp đồng BT hoặc giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, đàm phán, ký kết hợp đồng BT và thực hiện hợp đồng BT; Nhà đầu tư thực hiện hợp đồng BT; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện dự án BT.