Công điện khẩn của Bộ Tài chính đề nghị triển khai gấp các công việc nhằm hạn chế tác động của bão lũ và sớm ổn định đời sống nhân dân


TCTC Online - Tiếp theo Công điện khẩn ngày 19 tháng 10, ngày 20 tháng 10 Bộ Tài chính tiếp tục có Công điện khẩn gửi Giám đốc Sở Tài chính tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đề nghị triển khai gấp các công việc nhằm hạn chế tác động của bão lũ và sớm ổn định đời sống nhân dân sau bão lũ.

Toàn văn Công điện khẩn của Bộ Tài chính như sau:

Thiên tai trong những ngày tháng 10 diễn ra rất phức tạp, chỉ trong một thời gian ngắn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã phải hứng chịu hai cơn lũ liên tiếp, gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ngoài ra theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện nay trên khu vực biển Đông, một cơn bão rất mạnh đang hoạt động (cơn bão số 6) có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành các địa phương đã có nhiều biện pháp chủ động đối phó với bão lũ, tích cực thực hiện việc khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Công điện khẩn của Bộ Tài chính đề nghị triển khai gấp các công việc nhằm hạn chế tác động của bão lũ và sớm ổn định đời sống nhân dân  - Ảnh 1Tuy nhiên lợi dụng tình hình khó khăn do hậu quả của bão gây ra, một số tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh đã nâng giá bán nhiều loại hàng hóa, dịch vụ một cách bất hợp lý làm ảnh hưởng tới đời sống của người dân vùng bão lũ và gây tác động không tốt đến kinh tế - xã hội tại địa phương.

Để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hạn chế tác động của bão lũ và sớm ổn định đời sống nhân dân sau bão lũ, Bộ Tài chính đề nghị Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa (đặc biệt là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) triển khai gấp các công việc sau:

1. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, các hàng hoá thiết yếu tại các khu vực xung yếu, có nguy cơ bị chia cắt khi bão lũ; tổ chức triển khai thực hiện ngay các biện pháp bình ổn giá thị trường trên địa bàn (trước mắt tập trung vào các khu vực xung yếu, các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì tôm, rau xanh các loại, thịt lợn, thịt gia cầm, đường sữa, thuốc chữa bệnh, tấm lợp, xi măng, dây thép, đinh, ván, sắt thép v.v…) theo quy định của Pháp lệnh Giá, Chỉ thị số 1875/CT-TTg ngày 11/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm 2010, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, không để giá cả tăng cao một cách bất hợp lý.

Phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp khắc phục hậu quả bão, lũ, chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và kinh phí Trung ương hỗ trợ để xử lý kịp thời các khoản chi nhằm khắc phục hậu quả bão, lũ, cứu đói cho dân, hỗ trợ dân sinh, khôi phục cơ sở hạ tầng cấp bách bị hư hại do bão, sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.

2. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan: thuế, quản lý thị trường, công an tăng cường kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nhà nước về giá trên địa bàn. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về giá và các hành vi lợi dụng thiên tai để tăng giá bất hợp lý theo các quy định tại Nghị định số 169/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, Nghị định số 107/2008/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.

3. Báo cáo kịp thời về Bộ Tài chính diễn biến giá cả thị trường, các biện pháp đã thực hiện và những vướng mắc cần giải quyết để Bộ Tài chính xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết./.