Bộ Tài chính:

Công tác xây dựng và triển khai thi hành pháp luật tài chính đạt nhiều kết quả tích cực

P.V (T/h)

Nhân Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) đã trả lời phóng viên về nội dung này.

Ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính
Ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính

Trong những năm gần đây, Ngày Pháp luật đã trở thành ngày hội được tổ chức hàng năm nhằm nêu cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Xin ông chia sẻ về cách làm của Bộ Tài chính trong triển khai Ngày Pháp luật?

Bộ Tài chính là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực có phạm vi quản lý rộng, nên số lượng văn bản pháp luật tài chính rất lớn trong nhiều lĩnh vực và nhiều văn bản liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Do đó, công tác xây dựng và triển khai thi hành pháp luật tài chính được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và luôn được quan tâm, trong đó có công tác phổ biến pháp luật.

Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác phổ biến pháp luật nên Bộ Tài chính đã triển khai Ngày Pháp luật Tài chính từ sớm (năm 2010), trước 3 năm so với Ngày pháp luật Việt Nam (năm 2013). Kể từ khi triển khai ngày pháp luật Việt Nam, Bộ Tài chính đã gắn ngày Pháp luật tài chính với ngày pháp luật Việt Nam để triển khai đồng thời trong 1 kế hoạch chung, trong đó quy định cụ thể về nội dung, chủ đề, thời gian và hình thức triển khai.

Do gắn việc triển khai Ngày Pháp luật Tài chính với Ngày Pháp luật Việt Nam nên thời gian khá dài triển khai xuyên suốt từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, trong đó có 02 tuần lễ cao điểm trong phổ biến, tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.  

Hằng năm, việc xây dựng kế hoạch triển khai ngày pháp luật của bộ Tài chính được làm từ rất sớm (để ban hành được kế hoạch từ đầu tháng 8), trong đó, chủ đề của ngày pháp luật được lựa chọn rất kỹ lưỡng, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tư pháp và gắn với nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật tài chính của năm, nhất là về hoàn thiện thể chế tài chính gắn với CCHC, hiện đại hóa quản lý nên việc thực hiện cả 2 ngày pháp luật đó đã hỗ trợ cho nhau và phục vụ có hiệu quả cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành tài chính.

Trên cơ sở kế hoạch của Bộ, các Tổng cục có hệ thống dọc (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước...) cũng rất kịp thời có văn bản triển khai đến các đơn vị trong hệ thống nên việc triển khai ngày pháp luật của Bộ Tài chính được lan tỏa nhanh đến các đơn vị trong toàn ngành, đến các cơ quan tài chính ở các địa phương.

Việc triển khai Ngày Pháp luật tài chính và Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam của Bộ Tài chính đạt kết quả như thế nào, thưa ông?

Do ngày pháp luật (cả ngày pháp luật tài chính và ngày pháp luật Việt Nam) được thực hiện trong thời gian khá dài nên đã đạt được kết quả khá toàn diện. Có thể điểm qua một số kết quả như:

Thứ nhất, trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế tài chính, số lượng văn bản pháp luật mà BTC chủ trì xây dựng rất lớn (trung bình một năm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua 4-5 dự án luật; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 40-45 nghị định, quyết định và ban hành khoảng 200 thông tư). Tuy nhiên, trong những năm qua, Bộ Tài chính luôn hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp luật của Quốc hội; Tỷ lệ hoàn thành chương trình công tác của Chính phủ về xây dựng các nghị định, quyết định luôn rất cao (khoảng 95%).

Thứ hai, từ kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế đã tạo cơ sở pháp lý cho việc cải cách hành chính, đơn giản hóa TTHC, hiện đại hóa quản lý, góp phần thúc đẩy chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Những kết quả đó đã được xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và Bộ Tài chính đã nhiều năm liên tục được ở tốp đầu trong số các Bộ, ngành về xếp hạng về CCHC (Par-Index).  

 Việc thực hiện ngày pháp luật đã giúp cho việc phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của ngành Tài chính đạt kết quả toàn diện đối với pháp luật nói chung và pháp luật tài chính nói riêng thông qua việc triển khai đồng bộ các hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật đối với các văn bản pháp luật chung về đời sống dân sự, kinh tế và văn bản pháp luật tài chính; các hoạt động tập huấn, tọa đàm, trao đổi, đặc biệt là các hội nghị đối thoại doanh nghiệp được đẩy mạnh (hàng năm, có khoảng gần 2.000 hội nghị đối thoại doanh nghiệp được tổ chức ở các cấp).

Được biết, Bộ Tài chính đang áp dụng rất thành công mô hình đối thoại chính sách pháp luật với doanh nghiệp nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Xin ông cho biết rõ hơn về mô hình này?

Do pháp luật tài chính nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan có tác động trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp nên việc đối thoại chính sách với doanh nghiệp được Bộ Tài chính triển khai từ rất sớm; ngay từ năm 2004, đã có Quy chế tổ chức đối thoại chính sách pháp luật với doanh nghiệp.

Qua các năm triển khai, mô hình này đã khẳng định tính đúng đắn và ngày càng phát huy hiệu quả nên đã được Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai sâu rộng trong hệ thống các cơ quan thuế, hải quan từ trung ương đến địa phương.

Những năm qua, hàng năm, ngành tài chính đều tổ chức 02 cuộc đối thoại doanh nghiệp ở phạm vi cả nước thu hút hàng nghìn doanh nghiệp và khoảng 2.000 hội nghị đối thoại doanh nghiệp ở cấp tỉnh do các cục thuế, hải quan tổ chức.

Thông qua các cuộc đối thoại chính sách với doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã: (i) Kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực thi chính sách; (ii) Doanh nghiệp được cập nhật và nắm rõ hơn về các văn bản pháp luật mới; (iii) Qua đó cũng tạo kênh thông tin phản hồi về thực tiễn triển khai, thực hiện pháp luật, chính sách tài chính để giúp cơ quan xây dựng chính sách sớm hoàn thiện, sửa đổi kịp thời.

Bên cạnh hoạt động hỗ trợ pháp lý thì công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp cũng là vấn đề được người dân và doanh nghiệp quan tâm. Thông qua Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, vấn đề này được các cơ quan thuộc ngành Tài chính triển khai ra sao, thưa ông?

Như đã nói ở trên, hàng năm, Ngày Pháp luật được ngành Tài chính lựa chọn chủ đề gắn với nhiệm vụ trọng tâm của năm. Những năm gần đây, nhất là từ năm 2014 và các năm sau đó, hàng năm Chính phủ đều có Nghị quyết 19 về CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì chủ đề ngày pháp luật gắn với tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nên có thể nói thông qua Ngày Pháp luật Tài chính và Ngày Pháp luật Việt Nam, các nhiệm vụ trên càng được đẩy mạnh và đạt kết quả thiết thực và đồng bộ, toàn diện trong toàn Ngành và trên tất cả các mặt của công tác CCHC, công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật tài chính.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả triển khai Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam nói chung, triển khai Ngày Pháp luật tài chính nói riêng, thưa ông?

Nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật của  ngành tài chính còn rất nặng nề. Để nâng cao hiệu quả ngày pháp luật, ngành tài chính cần thực hiện các giải pháp sau:

Cách làm và mô hình triển khai ngày pháp luật của ngành tài chính những năm qua đã đạt được kết quả thiết thực nên cần tiếp tục phát huy, nhất là với các mô hình đã khẳng định được hiệu quả. Nhưng đồng thời, cũng phải không ngừng nghiên cứu, đổi mới để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Đa dạng hóa các hình thức phổ biến pháp luật, nhất là các hình thức mới để phát huy hiệu quả của hệ thống công nghệ thông tin.

Đối với những mô hình đã khẳng định hiệu quả, phù hợp, nhất là mô hình đối thoại doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới hình thức, cách làm để vừa kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, vừa giúp DN hiểu và nắm bắt chính sách kịp thời, qua đó nâng cao tính tuân thủ pháp luật.

Từ đó, không chỉ góp phần đưa chính sách, pháp luật tài chính vào cuộc sống mà còn khai thác hiệu quả kênh thông tin phản hồi từ cộng đồng DN về chính sách, pháp luật tài chính để kịp thời sửa đổi, bổ sung, góp phần đưa thực tiễn cuộc sống vào chính sách pháp luật.

Xin cảm ơn ông!