Cử tri kiến nghị áp thuế nhập khẩu đối với các chất ngọt thay thế đường


Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV cử tri Tỉnh Trà Vinh đề nghị Bộ Tài chính áp thuế nhập khẩu và kiểm soát hạn ngạch đối với các chất ngọt thay thế đường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo cử tri Tỉnh Trà Vinh, việc áp thuế nhập khẩu và kiểm soát hạn ngạch đối với các chất ngọt thay thế đường vì có hại cho sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời nhằm khuyến khích sử dụng đường trong nước, đề nghị miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với sản phẩm đường sản xuất trong nước. Trả lời kiến nghị của cử tri Tỉnh Trà Vinh, Bộ Tài chính cho biết:

Kiến nghị miễn thuế GTGT đối với sản phẩm đường sản xuất trong nước

Luật thuế GTGT quy định 03 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu (theo thông lệ quốc tế). Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và hàng hoá, dịch vụ là đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với các hàng hoá, dịch vụ thông thường khác.

Thuế GTGT thu theo hàng hóa, dịch vụ không phân biệt đối tượng, mục đích sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Luật thuế GTGT không có quy định về việc miễn, giảm thuế GTGT.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế GTGT hiện hành thì mặt hàng đường thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức suất thuế GTGT 5%, đây là mức thuế suất ưu đãi so với mức thuế phổ thông 10%.

Tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ) đã đưa ra mục tiêu cải cách về thuế GTGT như sau: Sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%; bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường; nghiên cứu đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu).

Hơn nữa, thực hiện cam kết khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trường hợp đưa mặt hàng đường sản xuất trong nước vào đối tượng không chịu thuế thì cũng phải đưa mặt hàng đường nhập khẩu vào đối tượng không chịu thuế, nên không giải quyết được khó khăn cho ngành sản xuất đường trong nước.

Về kiến nghị thuế nhập khẩu đối với mặt hàng chất tạo ngọt

Chất tạo ngọt gồm nhiều loại khác nhau, có thể từ tự nhiên như ngô, củ cải và có thể có nguồn gốc từ nhân tạo được sử dụng như một chất thay thế đường trong một số thực phẩm và đồ uống. Hiện nay, theo quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, nhóm chất tạo ngọt từ thành phần tự nhiên như mía, ngô, củ cải hoặc loại có nguồn gốc từ nhân tạo đều cơ bản bằng mức cam kết trần WTO và các cam kết song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết.

Do vậy, không thể điều chỉnh tăng thuế đối với nhóm hàng này. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị Hải quan tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, chống buôn lậu, thẩm lậu đường qua đường tiểu ngạch, phối hợp với các Bộ ngành để kiểm soát các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, môi trường… nhằm kiểm soát hàng nhập khẩu vào Việt Nam.