Cuộc hành trình gian khổ!

Lược theo "Chuyện kể về anh" trong cuốn "Một thời không quên"

TCTC Online - Ngành Tài chính đang có nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực hướng về kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Ngành và chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước và dân tộc trong năm 2010. Góp phần vào thành công của cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, ngành Tài chính đã có những đóng góp to lớn về công sức và trí tuệ, nhiều thế hệ cán bộ Tài chính đã anh dũng hy sinh, cống hiến phần xương máu của mình cho Tổ quốc. Nhân dịp này, TCTC mời bạn đọc cùng ôn lại những kỷ niệm về hồi ức về những con người, những năm tháng kháng chiến gian khổ nhưng đầy vẻ vang đó.

Viết về đồng chí Nguyễn Thực, Trưởng phân ban – Cơ quan ấn loát Tài chính Nam bộ, qua đời tại chiến trường miền Nam năm 1950 qua lời kể của anh Tống Lới – người cùng tham gia trong đoàn công tác chiến trường Nam Bộ.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời phải đối phó với nhiều khó khăn thử thác. Bộ Tài chính đã khẩn trương chuẩn bị để ngày 31/1/1946 có sắc lệnh cho phát hành giấy bạc Việt Nam. Sở ấn loát Tài chính Trung Bộ ra đời với mục đích in ra bằng được tờ bạc Cụ Hồ phục vụ cho yêu cầu cách mạng. “In thật nhiều bạc, sản xuất thật nhiều vũ khí cho nhu cầu kháng chiến”. Đó là khẩu hiệu hành động của những người thợ ở đây đáp ứng lời kêu gọi thiêng liêng của tổ quốc. Những cán bộ của Sở ấn loát Tài chính Trung Bộ đã được cơ sở in tiền thứ hai, chuẩn bị cho sự thống nhất mẫu tiền Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên toàn quốc.

Vào cuối năm 1949, anh Nguyễn Thực nhận  nhiệm vụ vào Nam. Lúc đó chỉ còn một tháng nữa là Tết. Cũng như nhiều anh em ở Sở ấn loát Tài chính Trung Bộ, đây không phải là cái Tết đầu tiên xa nhà, mọi người đã từng sống những Tết không nghỉ ngơi, đón năm mới bằng những tờ bạc cụ Hồ không ngừng in ra cho nhu cầu tổ quốc.

Đoàn công tác gồm anh Nguyễn Thực chỉ huy cuộc hành trình, anh Tổng Lới là lực lượng bỏ vệ và yểm trợ, có giao liên dẫn đường và trên 30 dân công gánh vác 500 bản mẫu bằng chì khá nặng – mỗi người chỉ bỏ vào sọt 15-20 tấm đủ gánh, dễ xoay trở dọc đường và dễ bảo vệ khi gặp sự cố. Cần nói thêm là 500 bản mẫu này rất quý và quan trọng,  nhằm in cho kịp và thống nhất loại bạc cụ Hồ trên cả nước.

Cuộc hành trình hướng về Nam của họ cứ hết tỉnh này qua tỉnh khác. Hết địa phận núi rừng Hà Tĩnh, sang đất Quảng Bình, mọi người bắt đầu thực hiện ngày đi đêm nghỉ để đánh giặc phục kích hay đánh chặn ban ngày.

500 bản mẫu chì do lực lượng dân công địa phương nhận trách nhiệm vận chuyển, qua mỗi địa phương, dân công bàn giao cho dân công địa phương khác đảm nhiệm. Đường dây giao liên cũng vậy, hết trạm này có trạm khác đưa đi. Đoàn công tác cứ thế mà vượt rừng, vượt suối, vượt đồn bót địch cho đến Nam Bộ.

Vượt qua núi rừng Quảng Trị, từ Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Định trở đi cho đến vùng cực Nam Trung Bộ... đó là những đoạn đường đây nguy hiểm. Trên trời, máy bay địch không ngừng oanh tạc, dưới đất bọn biện kích khi ẩn khi hiện. Với cương vị là người chỉ huy – anh Thực lúc nào cũng động viên, nhắc nhở anh em luôn đề cao cảnh giác và sẵn sàng chiến đấy. Kỷ luật đi đường rất chặt chẽ. Ban đêm đi trong rừng, người này báo lấy lưng người kia mà đi, đứt đoạn nào thì ngồi lại đoạn đó, nếu tự động đi thế nào cũng bị lạc, cứ ngồi tại chỗ, giao liên sẽ trở lại dắt đi, khi họ thấy số lượng người trong đoàn bị thiếu.

Có hôm mọi người đang đi, bỗng hàng đầu chững lại hỏi ra mới biết anh em đi trước hàng quân nhận được tín hiệu một nhành cây bỏ ngang đường. Thế là biết có chuyện, nếu tiếp tục đường này sẽ bị phục kích ngay. Cả đoàn lại lần mò tìm một con đường khác vòng vèo hơn nhưng an toàn. Những ngày đầu đôi chân sưng tấy nhưng vẫn đi, đi được một tuần chân hết đau, quen dần và trở thành đôi chân vạn dặm.

Đầu óc lúc nào cũng căng thẳng vì tìm mọi cách bảo vệ cho được 500 bản mẫu bạc đến được  nam Bộ an toàn không để mất mát, không để lọt vào tay giặc.
Điều kiện sinh hoạt vô cùng kham khổ. Có hôm trên đường đi anh em bắt được một kỳ nhông to đem làm thịt nhưng không biết lấy gì để nấu, mãi sau anh Thực nhớ ra có lọ mắm tôm đem theo để dành lúc không có gì ăn mang ra cho anh em nấu. Cả đoàn được một bữa kỳ nhông  nấu mắm tôm, vừa húp vừa chan thế mà ngon đáo để.

Đến gần Thừa Thiên Huế, anh Thực có nhờ trạm giao liên bắt liên lạc với chị Huệ, vợ anh, trạm rất thông cảm với hoàn cảnh của anh nhưng cho biết Huế đang bị chiếm đóng, liên lạc rất khó khăn, nguy hiểm, nếu có bố trí được cũng phải từ 7-10 ngày. Anh Thực rất muốn gặp vợ mình, đã lâu lắm hai người không gặp nhau nhưng vì nhiệm vụ được giao không thể chần chừ, và anh quyết định lên đường, để lại sau mình Thành phố quê hương và người vợ đang đau đáu mong tin chồng.

Vẫn còn may khi qua vùng Trầm, cách Mỹ Chánh 4km về phía Tây, anh Thực mới liên lạc được với ông chú gửi cho chị Huệ vài chữ và mấy trăm đồng bạc. Có ai ngờ rằng đó lại là sợi dây liên lạc cuối cùng giữa họ với nhau.

Đi đường được 3 tháng thì anh Thực bị ốm người lúc lạnh lúc nóng và sau đó là cơn sốt rét rừng quật anh dữ dội. Mọi người bàn với anh nghỉ lại vài bữa cho dứt cơn sốt hãy đi, anh xua tay lia lịa.

Không, ta cứ đi thôi. Nằm lại là nằm dài mãi đấy. Tôi uống thuốc rồi lợi dụng ban ngày không đi thì tôi nghỉ ngơi, đêm ta tranh thủ đi. Biện pháp chống sốt rét của tôi là đi, đi không nghỉ. Đi mới hoạt động và chặn được sốt rét rừng. Anh nói và làm như vậy.

Có một câu chuyện xảy ra trên đường đi mà anh Lới và những người cùng đoàn không thể nào quên được. đó là khi đoàn công tác dặt chân trên khu 7. Qua một bản làng toàn anh em dân tộc ít người, anh Thực rủ anh Lới vào bản, tìm một già làng xin đổi một con heo to. Anh nói:

- Bí mật nghe. Mình nói cho Lới biết là đến khu 7 đoàn được nghỉ lại một thời gian. Anh em ta cũng như anh em giao liên, dân công quá vất vả, chúng ta sắp đến đích rồi, mình làm một bữa liên hoan bồi dưỡng cho anh em.

Tôi trợn tròn mắt hỏi.

- Lấy gì mà liên hoan, tiền đâu, gạo đâu mà mua  đổi?

Anh tủm tỉm cười:

- Gạo thì trong ruột tượng mình còn đầy, ruột tượng của Lới cũng vậy, ai có nữa thì đổ ra hết. Còn thực phẩm thì có rau rừng và con heo mà mình sẽ đổi.

Tôi vẫn chưa tin:

- Anh Thực, anh đùa đấy à? Lấy tiền đâu mà mua, lấy vật gì mà đổi nào?

Anh chỉ cười:

- Mình nói là bí mật mà đừng hỏi nữa.

Tôi đoán biết đó là kỷ vật rất quý đối với anh vì nghe anh nói: “Chẳng có gì quan trọng đâu mà dẫu có quan trọng đi nữa, rồi đây biết sống chết thế nào mà giữ, đổi cho anh em ăn lấy sức mà đi. Đến được Nam Bộ, ra được tờ bạc cụ Hồ là cái quan trọng nhất đó Lới à. Tôi im lặng nghĩ mà thương, quý anh đến chừng nào.

Đoàn công tác đến khu 8, vùng Đồng Tháp Mười thì được tin cơ quan ấn loát đặc biệt đã di chuyển, cả đoàn lại tiếp tục hỏi đường đến khu 9, vùng Năm Căn nơi có rừng U Minh trùng điệp. ở đây cả đoàn chỉ độc đi thuyền theo kênh rạch, mày mò mãi, mọi người cũng đến được cơ quan ấn loát đặc biệt Nam Bộ. đó là thời điểm của những tháng cuối năm 1950.

Suốt một năm trời như vậy cả đoàn đã phải trèo đèo lội suối, lên thác xuống nghềnh, ăn đói nhịn khát, vượt vòng dây của giặc mà đi mới đến được mảnh đất Thành đồng. Tại đây anh Thực được cử làm trưởng phân ban D – cơ quan ấn loát Tài chính Nam Bộ.

Vào khoảng tháng 9 năm 1953 anh Thực đi công tác về thì bị ốm. Cơn sốt rất cao và kéo dài không ăn uống gì được, anh vẫn cố gắng điều hành công việc cho đến khi sốt nặng kéo dài, mê man mới chịu nằm nghỉ. anh chị em trong cơ quan rất thương, có những gì ngon đều dành cho nhưng anh chẳng ăn uống được gì. Cơ quan chỉ còn một con gà duy nhất cũng làm thịt, hầm lấy nước cho anh uống cho khỏe. Càng ngày sốt càng  cao, mọi người cứ tưởng rằng anh bị sốt rét vì cả một quá trình  gian khổ đi đường và những năm tháng ở rừng U Minh bị sên, muỗi hành hạ. Có ai ngờ rằng - mãi sau này mới biết không những anh bị sốt mà còn bị thương hàn nhập lý.

Bệnh tình ngày càng trầm trọng, anh em đưa anh đến bệnh viện vùng căn cứ để chữa chạy. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - người biết rõ sự cống hiến của anh Thực lâu nay đã nhận mổ để cứu anh bằng được. Nhưng rồi bác sĩ cũng đàng bó tay vì bệnh tình quá nặng, anh Thực đã qua đời vào ngày 30/10/1950. Trước lúc mất, anh trao lại chiếc đồng hồ mặt đen và mốt các ảnh nhỏ dặn anh em khi nào có điều kiện thì trao lại cho vợ mình. Hành trang  cả cuộc đời anh chỉ có vậy. Hai bộ và ba đen anh Thực mặc hàng ngày thì anh em bỏ vào quan tài khâm liệm anh luôn. Việc chôn cất anh được cơ quan và anh em ấn loát đặc biệt Nam Bộ tiến hành chu đáo.

Hòa bình lập lại, hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Thực được mai táng chu đáo và trang trọng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Minh Hải (cũ) - mảnh đất tận cùng của tổ quốc mà anh đã có một thời gắn bó, nặng nghĩa tình như đối với quê hương Thừa Thiên- Huế yêu thương của anh.