Đại biểu Quốc hội "khen" công tác điều hành tài chính - ngân sách

PV.

Tại phiên thảo luận tại Hội trường ngày 29/10/2018, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về tài chính - ngân sách trong thời gian qua. Những kết quả trong điều hành tài chính – ngân sách thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng sự tín nhiệm của quốc tế, niềm tin của nhà đầu tư và người dân.

Đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về tài chính - ngân sách trong thời gian qua. Nguồn: internet
Đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về tài chính - ngân sách trong thời gian qua. Nguồn: internet

Dấu ấn trong điều hành tài chính – ngân sách

Thảo luận về về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021; Phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017..., đa số các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Đánh giá về công tác điều hành tài chính – ngân sách thời gian qua, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng, công tác tài chính – ngân sách thời gian qua có nhiều dấu ấn đáng ghi nhận.

Theo đó, an ninh nền tài chính quốc gia được đảm bảo, đặc biệt là nợ công giảm nhanh qua các năm, nếu năm 2016 là 64,89% và sát trần Quốc hội cho phép thì năm 2018 đã giảm còn 61,4%; Bội chi thấp dần về mức theo nghị quyết của Đảng, Quốc hội và thông lệ quốc tế, nếu như năm 2015 bội chi là 5%GDP, năm 2016 là 5,52% GDP, thì đến năm 2018 chỉ còn 3,67% GDP.

Cùng với đó, cơ cấu chính sách tài khoá ngày càng vững chắc, tỷ lệ thu nội địa tăng nhanh, chi cho đầu tư phát triển được nâng lên rất nhanh, thời gian vay nợ còn lại trong nợ công nâng lên, lãi suất vay giảm. Theo đại biểu Chiểu, thành tích mang tính lịch sử trong điều hành chính sách tài khoá 3 năm qua là không những đảm bảo cho chi thường xuyên, chi trả nợ lãi vay và chi trả phí vay mà đã tích luỹ chi cho đầu tư phát triển.

Đặc biệt, đại biểu Chiểu cho rằng, công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã có bước tiến rất dài. Trong đó, riêng lĩnh vực thuế, hải quan đã cắt giảm 174 thủ tục, đơn giản hoá 894 thủ tục, thực hiện nộp thuế, hoàn thuế điện tử ở các tỉnh, thành phố; Áp dụng cơ chế một cửa quốc gia… Nhờ đó, giờ nộp thuế đã giảm từ 537 giờ xuống còn 117 giờ, chỉ số tuân thủ thủ tục về thuế được đánh giá là thấp nhất trong nhóm các thủ tục hành chính.

“Công tác tài chính 3 năm qua đã đạt được 3 tốt: Thu tốt, chi tốt và quản lý tốt” – ông Chiểu khẳng định và cho rằng, những kết quả trong điều hành tài chính – ngân sách thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng sự tín nhiệm của quốc tế, niềm tin của nhà đầu tư và người dân.

Tăng cường kỷ luật ngân sách

Nhất trí với các kiến nghị của Chính phủ về dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước năm 2019, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đề xuất, Chính phủ cần kiên quyết thu hồi khoản kinh phí sai mục đích, sai đối tượng, không giải ngân được những khoản chi bị thanh tra kiểm toán nhà nước yêu cầu thu hồi hoặc xử lý giảm chi.

Đồng thời, có biện pháp, phương thức kiểm kê phân loại, quản lý tập trung, khai thác đưa vào sử dụng các tài sản công, các công trình đầu tư từ vốn nhà nước, trước hết là hạ tầng cơ sở, các công trình công cộng, phúc lợi, văn hóa, thể thao tạo nguồn thu cho nhà nước, hoặc có nguồn thu để bảo trì, duy tu, nâng cấp công trình khỏi tốn kém, lãng phí ngân sách nhà nước; Tăng cường kỷ luật ngân sách.

Về thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020 và kế hoạch tài chính 3 năm 2019 – 2021, ngoài các giải pháp Chính phủ nêu trong báo cáo, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm một số giải pháp.

Theo đó, cần nghiên cứu, sớm ban hành Luật Tài chính Nhà nước, Luật Tài chính công, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động tài chính nhà nước, trong đó có ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước và toàn bộ hoạt động tín dụng nhà nước. Ban hành các chính sách tài chính quốc gia, trong đó tập trung chính sách tài chính dân cư, chính sách tài chính cho khu vực kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, cơ cấu lại nền tài chính quốc gia theo hướng tăng quy mô và tỷ trọng tài chính doanh nghiệp, tài chính dân cư; Hoàn thiện chính sách, cơ cấu cơ chế thu, mở rộng và bao quát các nguồn thu, đánh giá lại các chính sách ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ cấu lại các khoản chi, tăng cường quản lý chi.

Chính phủ cần đánh giá và đổi mới phân cấp ngân sách nhà nước, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, quan tâm phát triển và sử dụng có hiệu quả thị trường tài chính, tăng nguồn vốn từ thị trường tài chính cho sản xuất kinh doanh; Sớm nghiên cứu, xây dựng, triển khai thí điểm phát triển các công cụ tài chính, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra nhằm chia sẻ rủi ro, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước như bảo hiểm rủi ro thiên tai, trái phiếu rủi ro thiên tai.

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Minh Sơn, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ cần thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, có giải pháp hiệu quả để bảo đảm các nguồn thu, giảm nợ thuế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trái phiếu nhà nước...