Đại biểu Quốc hội nhất trí cao về ban hành cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù cho Thủ đô


Thảo luận về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội sáng ngày 12/6/2020, cơ bản các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều tán thành và nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo điều kiện phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, khẳng định vai trò đầu tàu, động lực kinh tế của Thành phố.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Nguồn: QH
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Nguồn: QH

Đáp ứng thực tế phát triển của TP. Hà Nội

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng, cơ chế này sẽ góp phần huy động được nguồn tài chính, theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách cho Thành phố phù hợp với thực tế phát triển.

Cho rằng ban hành chính sách riêng đối với Thủ đô là cần thiết, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh, đứng trước mục tiêu đến 2025, xây dựng Thủ đô thành động lực phát triển cho vùng và cả nước, xây dựng Thành phố đổi mới sáng tạo, duy trì tăng trưởng cao hơn, đặc biêt cao hơn giai đoạn vừa qua thì cần thiết phải có cơ chế đặc thù cho Hà Nội.

Đại biểu cho biết thêm, Hà Nội là địa phương duy nhất có Luật Thủ đô. Tuy nhiên, các quy định về cơ chế tài chính, chính sách chưa thực sự phù hợp nhu cầu phát triển của Hà Nội. Do đó, việc xem xét, bổ sung cơ chế chính sách tài chính-ngân sách cho phép Hà Nội huy động các nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động ngân sách cho Thành phố là phù hợp với thực tế phát triển.

Việc xem xét, bổ sung cơ chế chính sách tài chính-ngân sách cho phép Hà Nội huy động các nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động ngân sách cho Thành phố là phù hợp với thực tế phát triển.

Về nội dung giao quyền cho HĐND TP. Hà Nội quyết định mức phí, lệ phí, bỏ mức trần tăng thu phí, lệ phí, đại biểu Cương đánh giá đây là nội dung phù hợp và được thực hiện trên nhiều quốc gia; đồng thời, đại biểu đề nghị cân nhắc quy định mức phí một cách hợp lý, có sự đồng thuận của người dân.

Cơ chế tài chính – ngân sách phù hợp với Thủ đô

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nhất trí cao với các cơ chế, chính sách về tài chính – ngân sách dành cho Hà Nội tại dự thảo Nghị quyết. Đại biểu cho biết, trong 9 cơ chế tại dự thảo Nghị quyết của Hà Nội, đã có 7 cơ chế được thông qua và áp dụng với TP. Hồ Chí Minh và hiện áp dụng hiệu quả, dần phát huy trên thực tế như việc bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí.

Đối với 02 nội dung còn lại, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định, việc cho phép Hà Nội sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dôi để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu thực chất là tiết kiệm chi thường xuyên để chi đầu tư. Đây là điều rất cần khuyến khích. Về cơ chế sử dụng ngân sách Thành phố hỗ trợ các địa phương khác, đây là nội dung thể hiện được tinh thần “cả nước vì Hà Nội và Hà Nội vì cả nước”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích thêm, về việc ngân sách TP. Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch các cơ sở sử dụng các tài sản đất đai không hiệu quả. Đề xuất cho phép TP. Hà Nội được giữ lại toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp cũng hoàn toàn phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, đồng thời thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý và khuyến khích địa phương hỗ trợ doanh nghiệp quản trị tốt hơn và khi cổ phần hóa thu được giá trị cao hơn.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng, đề xuất cơ chế là quan trọng, song Hà Nội cũng cần quan tâm hơn nữa trong huy động và phát huy nguồn lực, tiềm lực; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền và sự phấn đấu của người dân trong thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội của Hà Nội.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị quyết tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét, thông qua.