Đằng sau số doanh nghiệp rời bỏ thị trường

Theo VnEconomy

Kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập mới và sự gia tăng của lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường đã tạo nên bức tranh doanh nghiệp nhiều màu sắc trong năm 2018.

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lý giải về những thông tin đằng sau số doanh nghiệp (DN) rời bỏ thị trường.

PV: DN ngừng hoạt động và giải thể tăng đột biến trong năm 2018. Ông có thể phân tích rõ hơn về tình hình của khu vực DN này không?

Ông Bùi Anh Tuấn.
Ông Bùi Anh Tuấn.

Ông Bùi Anh Tuấn: Tính đến ngày 20/12/2018, cả nước có 27.126 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh (KD) có thời hạn, 63.525 DN ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và 16.314 DN hoàn tất thủ tục giải thể.

Trong số 63.525 DN ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể có 44.730 DN ngừng hoạt động không đăng ký và 18.795 DN chờ giải thể.

Đối với 27.126 DN đăng ký tạm ngừng KD có thời hạn, thường là để tái cơ cấu danh mục đầu tư hoặc tạm nghỉ trước khi tìm kiếm cơ hội KD mới, hoặc những DN hoạt động theo mùa vụ. Đa số các DN này sẽ quay trở lại tình trạng hoạt động, bằng chứng là, tại các kỳ báo cáo, số lượng DN quay trở lại hoạt động thường tương đương hoặc lớn hơn với số DN đăng ký tạm ngừng KD, như năm nay có 34.010 DN quay lại hoạt động, nhiều hơn 6.884 DN so với số đăng ký tạm ngừng. Chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số đó không thể tiếp tục hoạt động sản xuất KD và sẽ thực hiện các bước thủ tục để chấm dứt hoạt động.

Đối với 18.795 DN chờ giải thể thì có 18.100 DN (chiếm tỷ lệ 96,3%) là những DN đã ngừng hoạt động từ những năm trước đây, được xếp vào tình trạng chờ giải thể sau khi cơ quan đăng ký KD, phối hợp cơ quan thuế và các cơ quan có liên quan thực hiện kế hoạch rà soát, làm sạch dữ liệu trong năm 2018.

Nếu trừ đi 18.100 DN chờ giải thể do hoạt động rà soát thì trong năm 2018 có 45.425 DN ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 16,9% so với năm 2017.

Đối với 44.730 DN ngừng hoạt động không đăng ký, đây là các DN không còn KD tại địa chỉ đã đăng ký, qua kiểm tra của cơ quan thuế thì không tìm thấy và không liên lạc được.

Danh sách này được xác định trên cơ sở thống nhất giữa cơ quan đăng ký KD với cơ quan thuế. Đây là bộ phận DN thực tế đã ngừng hoạt động nhưng chưa tuân thủ quy định về giải thể, ngừng hoạt động.

Một điểm cần lưu ý là gần một nửa số DN rút lui khỏi thị trường là các DN mới thành lập. Trong số DN giải thể, ngừng hoạt động thì có đến 52.946 DN (chiếm gần 50%) có tuổi đời dưới 3 năm.

Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ôtô, xe máy là ngành có số lượng DN rút lui khỏi thị trường lớn nhất với 33.106 DN (chiếm 40% tổng số DN ngừng KD có thời hạn và 35,3% tổng số DN không đăng ký hoặc chờ giải thể).

Đa số các DN rút lui khỏi thị trường là các DN quy mô nhỏ với vốn dưới 10 tỷ đồng. Đây là nhóm DN có tính linh hoạt rất cao nhằm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường và cũng là khu vực có thể dễ dàng chuyển hướng KD khi gặp khó khăn.

Ở chiều ngược lại, số lượng DN đăng ký thành lập mới năm nay tiếp tục tăng cao kỷ lục. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Tình hình đăng ký DN năm 2018 cho thấy một bức tranh về khu vực DN thành lập mới với nhiều điểm sáng và nhiều màu sắc đa dạng.

Đây là năm thứ tư liên tiếp có số lượng DN thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử với 131.275 DN thành lập mới và số vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 14,1% về số vốn đăng ký.

Bên cạnh DN thành lập mới, trong năm 2018 cũng có 34.010 DN quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm 2017 và cũng là mức cao nhất trong 05 năm qua.

Đây là những DN trước đây đã ngừng hoạt động, nhưng nay đã tìm thấy cơ hội KD, thấy niềm tin vào thị trường nên đã quay trở lại hoạt động.

Đặc biệt hai lĩnh vực có số DN quay trở lại hoạt động rất lớn là xây dựng (tăng 33,8%) và công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 29%). Đó lànhững tín hiệu tốt khi DN thuộc hai lĩnh vực nãy sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Trong năm 2018, trung bình mỗi tháng có 13.773 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 7,8% so với năm 2017. Quy mô DN mới ngày càng lớn hơn khi tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong năm 2018 đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2017.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2018 từ lực lượng DN là 3.886.892 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2017, bao gồm: 1.478.101 tỷ đồng của DN đăng ký thành lập mới và 2.408.791 tỷ đồng vốn tăng thêm của các DN đang hoạt động với 42.538 lượt đăng ký tăng vốn.

Tôi rất ấn tượng với số lượt DN đăng ký tăng vốn và số vốn tăng thêm vì đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư KD khi những DN đang hoạt động, đang thực tế trải nghiệm môi trường đầu tư KD tiếp tục bổ sung một lượng vốn lớn vào nền kinh tế.

So sánh rộng hơn, trong giai đoạn 2016 - 2018, trung bình mỗi năm có 122.744 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.221.702 tỷ đồng, tăng 49,3% về số DN và tăng 155,8% về số vốn so với giai đoạn 03 năm trước đó (từ năm 2013 - 2015). Số lượng DN thành lập mới và số vốn đăng ký liên tục tăng trong các năm từ 2016 - 2018 với tỷ lệ tăng trưởng trung bình lần lượt là 11,6%/năm và 35,9%/năm.

Đây thực sự là những con số biết nói, cho thấy rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, những chính sách, giải pháp của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường KD thuận lợi, tháo gỡ những rào cản trong KD của DN thời gian qua đã tạo dựng niềm tin trong cộng đồng DN, giúp tăng cường cả về số lượng lẫn quy mô của khối DN tư nhân.

Một điểm đáng lưu ý là lần đầu tiên chứng kiến sự trái chiều về số vốn đăng ký giữa hai đầu tàu kinh tế của cả nước và cũng là 2 địa phương tập trung số lượng DN lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh (chiếm hơn 30% tổng số DN cả nước) và Hà Nội (chiếm khoảng 20%).

Năm 2018, Hà Nội là địa bàn có số vốn đăng ký tăng mạnh nhất (87,6%), trong khi TP. Hồ Chí Minh có số vốn đăng ký giảm 12,9%.

Dù số DN khai sinh vẫn nhiều hơn DN khai tử nhưng với số lượng DN khai tử tương đối lớn, liệu đây có phải là chỉ báo cho thấy sức khoẻ của nền kinh tế, của khu vực DN cần có điểm cần lưu ý?

Như tôi đã phân tích ở trên, ở góc độ đăng ký DN, chúng ta vẫn thấy được nhiều điểm sáng. Tuy nhiên năm 2018 cũng ghi nhận số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động tương đối lớn. Nếu trừ đi số lượng DN chờ giải thể do thực hiện việc rà soát, làm sạch dữ liệu đăng ký DN trong năm 2018 thì tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động tăng 22,3% so với năm 2017.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến DN rút lui khỏi thị trường như: DN chưa được trang bị kỹ càng trước khi gia nhập thị trường, những hạn chế cố hữu của DN nhỏ và vừa chưa được giải quyết căn bản, năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo còn thấp, môi trường KD mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn những rào cản gây khó khăn cho DN,…

Việc DN giải thể, ngừng hoạt động là điều không ai mong muốn và cần tiếp tục có những giải pháp để cải thiện tình hình trong thời gian tới nhằm cải thiện môi trường KD, nâng cao năng lực cạnh tranh của khối DN nhỏ và vừa thông qua việc cải thiện năng lực quản trị, nâng cao năng suất lao động và trình độ ứng dụng công nghệ.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì những điểm yếu cố hữu của DN nhỏ và vừa nước ta nếu không được cải thiện sẽ càng lộ rõ và "phát tác" mạnh hơn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo để tránh bi quan quá mức. Tôi cho rằng, trong mọi nền kinh tế luôn có một tỷ lệ DN gia nhập và rút lui khỏi thị trường. Việc đào thải, thanh lọc là một quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, theo đó, những DN yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những DN mới với những ý tưởng KD mới có chất lượng hơn.

Như vậy, ở một góc độ nào đó, việc DN ngừng hoạt động, giải thể hay phá sản cũng giúp cho nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, làm trong sạch môi trường KD và là cơ sở thúc đẩy nâng cao năng lực của nền kinh tế, làm tiền đề cho một sự phát triển bền vững hơn.

Số liệu 2018 cho thấy, tỷ lệ số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trên số DN rút lui khỏi thị trường năm 2018 là 53,8% (sau khi đã trừ đi 18.100 DN chờ giải thể do thực hiện rà soát), tương đương với năm 2016 (53,5%) và thấp hơn khá nhiều so với các năm 2015, 2014 (lần lượt là 69,5% và 75,1%).

Tỷ lệ này cũng thấp hơn nhiều so với các nước thuộc nhóm đứng đầu về môi trường KD, ví dụ: tỷ lệ này năm 2017 của New Zealand là 87,2%, của Anh là 93,4%, của Nauy là 105%.

Xin cảm ơn ông!