DATC- Hơn cả sự kỳ vọng ban đầu!

PV.

Làm thế nào để xử lý được các khoản nợ và tài sản tồn đọng, giúp các DN thoát khỏi cảnh nợ nần, thực hiện chuyển đổi thành công, phát triển vững mạnh trong môi trường cạnh tranh? Đây chính là vấn đề đặt ra đối với Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) trong bối cảnh hiện nay.

(TCTC Online)  

           Nợ và tài sản tồn đọng luôn là một vấn đề nan giải không chỉ làm giảm hiệu quả hoạt động của DN mà còn là lực cản lớn đến tiến trình chuyển đổi và cải tổ DNNN. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay đang có những tác động xấu trực tiếp đến hoạt động của các DN, thì công việc xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng lại càng là vấn đề cấp thiết đặt ra... Làm thế nào để xử lý được các khoản nợ và tài sản tồn đọng, giúp các DN thoát khỏi cảnh nợ nần, thực hiện chuyển đổi thành công, phát triển vững mạnh trong môi trường cạnh tranh? Đây chính là vấn đề đặt ra đối với Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) trong bối cảnh hiện nay.

         Ngay từ khi ra đời, DATC đã được kỳ vọng là một công cụ tài chính nhằm giúp xử lý nhanh nợ tồn đọng của các DN trong nền kinh tế, nhất là nợ tồn đọng trong hệ thống ngân hàng và các DNNN. Cho đến nay, DATC không những làm thỏa mãn được sự kỳ vọng ban đầu mà còn không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai hoạt động tái cơ cấu lại DN khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó là thực hiện hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu lại DN trong thời gian qua đã được DATC đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả và luôn được đánh giá cao trong chủ động sáng tạo. Điều này giúp các DN giải phóng mặt bằng sản xuất, trút bỏ được gánh nặng xử lý tài chính đối với các khoản nợ và tài sản tồn đọng đã đầu tư không hiệu quả, tập trung ổn định và phát triển trong một mô hình quản lý kinh doanh mới, đa dạng hoá hình thức sở hữu với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế.

Nhắc đến việc tái cơ cấu, vực dậy lại DN làm ăn thua lỗ kéo dài không thể thực hiện cổ phần hóa không thể không nhắc đến vai trò của DATC đã thực hiện trong thời gian qua.  Hàng loạt DN mà DATC đã trở thành "bà đỡ" như: Công ty Sadico Cần Thơ, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu (Eximbank) cùng hàng loạt DN khác.

Mặc dù được xếp vào hàng "đại gia" tại địa phương, nhưng sau một thời gian dài hoạt động kém hiệu quả, Sadico đã lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất. Trong tổng tài sản khoảng 200 tỷ đồng, nợ phải trả của Sadico lên tới 214 tỷ, lỗ lũy kế 76 tỷ, âm vốn chủ sở hữu hàng chục tỷ đồng. Trước tình hình đó, DATC đã tham gia tái cơ cấu lại tài chính DN và chuyển đổi Sadico thành công ty cổ phần. Từ bờ vực phá sản, sau khi được sự trợ giúp tích cực của DATC, Sadico đã tổ chức đấu giá phát hành cổ phiếu, tổ chức đại hội cổ đông và bắt đầu hoạt động ổn định, có bước phát triển khả quan. Cũng với cách làm tương tự, sau khi nghiên cứu kỹ thực trạng của Công ty cổ phần Procimex Ðà Nẵng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tình hình tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, DATC đã cử các cán bộ, chuyên gia tài chính có trình độ phối hợp công ty xử lý các khoản vay ngân hàng, tái cơ cấu tài chính DN.

Cùng với đó, là thương vụ mua bán nợ xấu của Eximbank. Ngay sau khi DATC mua những khoản nợ xấu, yếu và xử lý, uy tín của NHTM lập tức tăng trên thị trường, mệnh giá cổ phiếu của Eximbank lên cao hơn so với trước. Hay chuyện DN Gốm Xuân Hoà trước khi cổ phần cũng đã nhờ đến bàn tay cuat "bà đỡ" DATC để xử lý các khoản nợ, giúp thực hiện thành công cổ phần hóa... Việc xử lý nợ xấu đã khiến tài chính của DN này minh bạch hơn, giúp giá cổ phiếu ngay khi giao dịch trên thị trường OTC đã đạt mức mà trước đó mọi người không dám tin.

Thông qua hoạt động này, Công ty không chỉ làm lành mạnh hóa tình hình tài chính của chính ngân hàng, DN mà còn giúp lành mạnh hóa tình hình tài chính cho các DN khách nợ. Đây là cách xử lý nợ hoàn toàn mới và tích cực so với cách xử lý nợ các ngân hàng vẫn thường sử dụng là đòi nợ và phát mại tài sản. Hoạt động xử lý nợ này cũng giúp Nhà nước ngăn chặn việc phát sinh thêm những tổn thất tài chính đối với những DNNN làm ăn thua lỗ và giúp giải quyết các vấn đề xã hội liên quan như ổn định công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.

Một điều đáng ghi nhận trong sự sáng tạo, đổi mới, đa dạng hóa hoạt động của mình là nếu trong thời gian đầu mới thành lập, DATC chỉ tập trung vào việc xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng được Chính phủ chỉ định thì từ năm 2006 đến nay, DATC thay đổi cơ bản chiến lược hoạt động kinh doanh, tập trung nguồn lực vào hoạt động kinh doanh, mua - bán, xử lý nợ theo hình thức thỏa thuận gắn chặt với quá trình hỗ trợ sắp xếp và chuyển đổi DNNN. Thông qua đó, DATC đã trực tiếp giúp xử lý nợ xấu cho các chủ nợ, giải phóng được lượng vốn chết từ nhiều năm, giúp quay vòng trở lại thành vốn hoạt động, làm trong sạch tình hình tài chính và nâng cao sức cạnh tranh để phát triển của các chủ nợ. Việc các chủ nợ bán nợ cho DATC là phương án xử lý nợ xấu nhanh nhất giúp chủ nợ thu hồi một phần vốn kinh doanh để phục vụ cho các nhu cầu và cơ hội kinh doanh mới.

Đến nay, DATC đã và đang triển khai 80 phương án mua - bán, xử lý nợ theo hình thức thoả thuận. Đồng thời, giữ vai trò "bà đỡ", trợ giúp cho hơn 60 DN có thể giải quyết dứt điểm nợ xấu. Cụ thể bằng việc thực hiện các giải pháp như xóa một phần nợ cho DN, cơ cấu thời hạn trả nợ để các DN này đủ điều kiện cổ phần hóa, thực hiện tái cơ cấu tình hình tài chính, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để tham gia góp vốn và hỗ trợ DN sau chuyển đổi, phối hợp với chủ sở hữu thực hiện chuyển đổi DN thành công ty cổ phần và DATC tham gia với tư cách cổ đông chi phối từ phương thức chuyển nợ thành vốn góp. Sau khi chuyển đổi thành các công ty cổ phần, DATC phối hợp với nhà đầu tư chiến lược thực hiện các bước tái cấu trúc DN; xử lý, chấn chỉnh những thiếu sót trong bộ máy quản lý điều hành theo hướng gọn nhẹ, chuyên trách, hoạt động hiệu quả; cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh ... Có thể nói, trong vai trò vừa là chủ nợ đồng thời là chủ sở hữu chính của DN, DATC mới có đủ điều kiện tái cấu trúc toàn bộ DN. Tính đến thời điểm hiện nay, kết quả kinh doanh của các DN qua tay "bà đỡ" DATC hầu hết đều đã phát huy được tính tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh bằng việc kinh doanh có lãi, nhiều DN đã trả hết các khoản nợ, kể cả nợ của DATC.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu DN cũng đã phát sinh nhiều vướng mắc mà DATC phải đối mặt. Nhất là trong bối cảnh khó khăn mang đến từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khiến cho nhiều doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh, lãi suất ngân hàng tăng cao, thị phần bị ảnh hưởng... khiến nợ xấu của nhiều ngân hàng và DN tăng thêm. Chính vì vậy, việc tham gia mua - bán nợ xấu của các ngân hàng và các chủ nợ khác, tái cấu trúc hoạt động DN của DATC trong giai đoạn này trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, sự nhận thức của không ít lãnh đạo các DNNN về hoạt động mua bán nợ vẫn còn chưa đầy đủ và đúng đắn. Mặt khác, tình trạng mua bán nợ lòng vòng giữa các DNNN với nhau và với ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng lớn. Các khoản nợ đề nghị bán cho tổ chức xử lý nợ đều thuộc diện khó đòi... khiến cho các hoạt động nghiệp vụ này gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, một vấn đề đang đặt ra hiện nay là cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý về mua, bán nợ, xử lý nợ và tài sản tồn đọng... còn thiếu, tính pháp lý chưa cao. Mối quan hệ giữa chủ nợ và khách nợ, giữa công ty mua bán nợ và công ty thẩm định giá chưa đồng bộ, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cho nên nhiều tài sản phải thẩm định và đấu giá lại nhiều lần mới bán được. Các ngân hàng thương mại nhà nước, nơi có số nợ cần phải xử lý lớn còn dè dặt trong việc xử lý nợ xấu; cơ chế xử lý nợ xấu của ngân hàng cũng khác nhau nên dẫn đến thời gian đàm phán mua bán nợ bị kéo dài... Do đó, để DATC có thể thực hiện tốt hơn công việc của mình thì việc hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý, cùng với sự đồng thuận, hợp tác tích cực từ phía chủ sở hữu, chủ nợ và DN thì cũng rất cần xây dựng một hành lang pháp lý hoàn thiện cho lĩnh vực mua bán nợ. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ Chính phủ trong việc xử lý những khó khăn của nền kinh tế cũng như giúp chính các DN hoạt động tốt hơn./.